Đại sứ Trương Mạnh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Séc Lubomír Zaorálek tại cuộc gặp ngày 3/7 ở Prague. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)
Đại sứ Trương Mạnh Sơn đã thông báo với Bộ trưởng Lubomír Zaorálek về diễn tiến căng thẳng ở Biển Đông do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các tàu của Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam.
Đại sứ đánh giá hành động ngang ngược của Trung Quốc đối với các tàu Việt Nam là việc làm vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế, vi phạm thỏa thuận giải quyết các vấn đề trên Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).
Đại sứ Trương Mạnh Sơn nêu rõ rằng Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 nhưng phía Trung Quốc không đáp ứng mà còn đưa thêm tàu quân sự, tàu hải giám và tàu đánh cá vào vùng biển của Việt Nam.
Bộ trưởng Ngọai giao Lubomír Zaorálek đã bày tỏ lập trường của Cộng hòa Séc là không ủng hộ việc dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
Đại sứ Trương Mạnh Sơn cho biết: "Bộ trưởng Zaorálek đánh giá quan hệ Séc-Việt Nam là mối quan hệ truyền thống, hữu nghị và đáng tin cậy. Ông đã nhắc lại chuyến thăm Việt Nam đầy ấn tượng hồi còn là Chủ tịch Hạ nghị viện Séc. Bộ trưởng cho rằng hai nước có tiềm năng phát triển thương mại, du lịch và đầu tư, việc các cơ quan hữu quan của hai nước cần làm là cụ thể hóa các kết quả đạt được tại kỳ họp thứ 4 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Cộng hòa Séc diễn ra trong tháng 5/2014."
Trước đó, ngày 26/6, trong phiên họp thường kỳ của Ủy ban ASEAN tại Prague gồm Đại sứ 5 nước gồm Việt Nam, Philíppines, Malaysia, Thái Lan và Indonesia, Đại sứ Trương Mạnh Sơn đã thông báo về hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và gây hấn từ phía Trung Quốc.
Đại sứ Philippines, Malaysia, Thái Lan và Indonesia đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam là cần giải quyết các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông bằng con đường đàm phán hòa bình, không ủng hộ việc dùng vũ lực và vi phạm luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp./.