|
Tính đến nay giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và đội tàu bè, máy bay của Trung Quốc đã hoạt động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần 70 ngày, tiếp tục kéo theo sự lo ngại và chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Trong bài bình luận mới nhất đăng trên chuyên trang War on the Rocks, Giám đốc chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS) Patrick M.Cronin khẳng định Trung Quốc hoàn toàn bất chấp đạo lý và pháp lý khi tuyên bố nước này có quyền dùng tàu hải quân, tàu hải cảnh và tàu cá để bảo vệ giàn khoan trong phạm vi bán kính ít nhất 3 hải lý. Ông Cronin chỉ rõ thứ nhất là giàn khoan Hải Dương-981 rõ ràng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam; thứ hai, theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), kể cả đối với những giàn khoan nằm trong vùng biển Trung Quốc thì nước này cũng chỉ có quyền khoanh vùng bảo vệ bán kính tối đa 500 m.
Song song đó, Trung Quốc còn đưa thêm giàn khoan Nam Hải-09 hoạt động tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc và đang có hoạt động cải tạo phi pháp tại ít nhất 5 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Mới đây nhất, lực lượng nước này đã ngang ngược bắt giữ tàu cá QNg 94912 TS công suất 100 CV của ngư dân xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi cùng 6 ngư dân. Chuyên gia Cronin nhận định những động thái đó cho thấy Trung Quốc là nước “tỏ ra tích cực tham gia các diễn đàn, khuôn khổ đa phương nhưng chuyên hành động đơn phương dồn ép các nước khác và sẽ không chấp nhận luật pháp quốc tế”. Vì thế, ông không tin rằng Trung Quốc sẽ hăng hái ủng hộ tìm kiếm các biện pháp xây dựng lòng tin và sớm chấp nhận cho ra Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
“Việt Nam hay bất kỳ nước nào khác”
Cũng trên War on the Rocks, đồng sự của Cronin tại CNAS là chuyên gia Ely Ratner chỉ trích Trung Quốc hiện nay không chấp nhận thực tế phân chia chủ quyền ở châu Á và đang tiến hành các hành động cưỡng bách láng giềng để thay đổi hiện trạng. Theo ông, có 3 yếu tố cần lưu ý trong những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Thứ nhất là nước này tin rằng mình có thể và sẵn sàng dùng sức mạnh để đạt mục tiêu về lãnh thổ đồng thời chấp nhận nguy cơ bất ổn đối với khu vực. Thứ hai là sau một thời gian hoạt động riêng rẽ, thậm chí cạnh tranh với nhau trong chính sách về biển và an ninh quốc gia, các đơn vị, lực lượng Trung Quốc đã bị ban lãnh đạo mới ép vào khuôn phép phải thống nhất và phối hợp chặt chẽ hơn. Thứ ba là những công cụ kinh tế như giàn khoan dầu đang bị biến thành một “lực lượng tiên phong” để mở đường tạo cớ cho máy bay, tàu quân sự và bán quân sự xâm nhập những vùng biển Trung Quốc muốn chiếm đoạt.
Như nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn cho tàu bao vây phong tỏa các khu vực tranh chấp với Philippines, kéo đường lưỡi bò liếm sát Malaysia và Indonesia, liên tục xâm nhập vùng biển gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và để ngư dân hoạt động phi pháp trong vùng biển Hàn Quốc. Hồi cuối tháng 6, nước này ban hành luật Bảo vệ cơ sở quân sự với điều khoản cấm đánh bắt thủy hải sản và xây dựng dân sự tại “vùng biển cấm” theo định nghĩa của Bắc Kinh. Do đạo luật mới không nói rõ sẽ được áp dụng ở những vùng biển nào, giới phân tích dự báo sự mập mờ này sẽ càng đẩy các ngư dân Việt Nam hay bất kỳ nước nào khác vào tình thế nguy hiểm. Giáo sư Zachary Abuza (Mỹ) nhận định với Thanh Niên: “Tôi dự báo là khi đạo luật này có hiệu lực, sẽ có thêm nhiều vụ quấy rối, giam giữ ngư dân Việt Nam hoặc bất kỳ một nước nào khác”. Tương tự, chuyên gia Ratner kết luận: “Vấn đề thật sự là Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động bắt nạt cho đến khi không còn có ai để bắt nạt”.
Giới chuyên gia cảnh báo những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông không chỉ đe dọa hòa bình khu vực mà còn ảnh hưởng tới lợi ích sống còn của Mỹ. Vì vậy Mỹ cần hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ hơn với các nước Đông Nam Á, kể cả những quốc gia không phải là đồng minh. Cụ thể, trong bài phân tích trên website của Trung tâm Đông - Tây (Mỹ), chuyên gia Patrick M.Cronin cho rằng Mỹ cần gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, đẩy mạnh tập trận chung và tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực như đào tạo cán bộ, chia sẻ thông tin... kể cả quân sự lẫn phi quân sự để tìm kiếm một chiến lược có thể buộc Trung Quốc nhận ra rằng cái giá mà họ phải trả sẽ rất đắt nếu đơn phương làm càn. Theo ông Cronin, Mỹ cũng có thể ủng hộ hoặc làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa các nước ASEAN đang tham gia tranh chấp, đồng thời khuyến khích các đồng minh bên ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc tham gia nhiều hơn vào việc duy trì an ninh, ổn định trên biển Đông. Minh Trung |