Ảnh minh họa
Các quan chức cấp cao ASEAN tại phiên khai mạc cuộc họp sáng nay. (Ảnh: Nhandan) - See more at: http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/SOM-ASEAN-Cuoc-hop-dac-biet-cua-cac-quan-chuc-cao-cap-ASEAN/121702.vtv#sthash.iJmioISa.dpuf
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Rosario (Ảnh: TG & VN)
Từ thời điểm diễn ra vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, Việt Nam đã có hơn 30 cuộc tiếp xúc với phía Trung Quốc. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, sau 30 cuộc tiếp xúc nói trên, Việt Nam và Trung Quốc đã có thêm cuộc tiếp xúc nào hay chưa và có tiến triển gì trên mặt trận ngoại giao chưa, ông Lê Hải Bình cho biết: “Cho đến nay, Việt Nam vẫn đang rất kiên trì tìm mọi cách để tiếp xúc, đối thoại với Trung Quốc để cũng nhau tìm ra biện pháp cũng như giải pháp cho vấn đề. Những nỗ lực tiếp xúc và đối thoại này diễn ra ở nhiều cấp khác nhau”.
Về tình hình trên thực địa hiện nay ở khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, “chúng tôi hiểu rằng, những căng thẳng ở trên thực địa cũng như những hành động của Trung Quốc trên thực địa đã được quý vị hiểu rõ qua phương tiện thông tin đại chúng của cả Việt Nam và quốc tế.
Trong lúc đó, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tại khu vực mà Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vẫn đang kiên trì thực hiện các biện pháp để tuyên truyền và yêu cầu giàn khoan Hải Dương 981 cũng như các tàu lực lượng hộ tống, máy bay hộ tống của Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam. Sự kiên trì này cũng như các biện pháp nhằm tránh sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc đã được cộng đồng quốc tế, ngay cả phóng viên nước ngoài được đi ra thực địa chứng kiến mọi việc, đánh giá hết sức cao”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho hay.
“Tuy nhiên, chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh lại rằng, các hành động hung hăng, ngang ngược của các lực lượng tàu, máy bay của Trung Quốc tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực”, ông Lê Hải Bình nói thêm.
Về câu hỏi của một hãng thông tấn Nhật Bản về việc Trung Quốc thông báo dừng một số chương trình giao lưu, hợp tác với Việt Nam và ảnh hưởng của động thái này đến thương mại, đầu tư nói riêng và đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: “Theo tôi biết, hiện giờ mọi hoạt động giao thương, trao đổi giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn được tiến hành bình thường”.
Việt Nam, Philippines hướng tới quan hệ đối tác chiến lược
Trong cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình đã nhận được nhiều câu hỏi về chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines đến Việt Nam vừa mới đây.
Trả lời câu hỏi của một phóng viên về việc trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, hai bên có trao đổi gì về khả năng có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Trong khuôn khổ chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines đến Việt Nam, hai bên đã trao đổi sâu rộng về các biện pháp nhằm thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác song phương như các biện pháp để thúc đẩy quan hệ hai nước hướng tới đối tác chiến lược”.
“Về tình hình khu vực và quốc tế, hai bên cũng đã trao đổi, tập trung vào các vấn đề hợp tác trong ASEAN cũng như về vấn đề Biển Đông Theo đó, hai bên khẳng định tiếp tục cùng với các nước ASEAN xây dựng thành công cộng đồng ASEAN, đề cao đoàn kết cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực cũng như cấu trúc khu vực, thể hiện tiếng nói thống nhất về trách nhiệm trong các vấn đề quan trọng của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực”.
“Hai bên cũng đã cùng nhau yêu cầu chấm dứt các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kêu gọi thực hiện kiềm chế nhằm giảm căng thẳng và không làm phức tạp thêm tình hình, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc DOC song song với việc đẩy mạnh quá trình thảo luận thực chất để sớm đạt được một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)”, ông Lê Hải Bình cho biết thêm.
Khi phóng viên hỏi về việc chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines đến Việt Nam có tác động như thế nào đến việc Việt Nam đấu tranh phản đối hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lực địa của Việt Nam, Người phát ngôn Lê Hải Bình đã trả lời: “Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines là nhằm tiếp tục thúc đẩy các bước hợp tác phát triển song phương sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Philippines vào tháng 5 vừa rồi.
“Việt Nam trong thời gian qua vẫn tiến hành các bước và các hoạt động đối ngoại, tham gia vào các diễn đàn quốc tế như bình thường. Tất cả những hoạt động đó đều đã cho thấy thế, lực và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một tăng cao. Riêng trong vấn đề giàn khoan Hải Dương 981, lập trường chính nghĩa cũng như sự kiên trì thực hiện các biện pháp hòa bình, đàm phán để giải quyết vấn đề đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ”
Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ vừa diễn ra, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nói về tình hình bạo lực ở Iraq. “Việt Nam hết sức quan ngại trước tình trạng bạo lực gia tăng hiện nay tại Iraq. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế và của Chính quyền Iraq nhằm sớm khôi phục ổn định, đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq vì hòa bình và ổn định ở khu vực”.