Từ ngày 3 đến 5-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thăm Cộng hòa Chi-lê trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ, phục vụ triển khai hội nhập quốc tế” do Bộ Ngoại giao và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao đổi với các nhà lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và bạn bè Chi-lê về tình hình hai nước, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Đặc biệt, các nhà lãnh đạo Chi-lê bày tỏ lo ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các thỏa thuận đã ký kết giữa các bên liên quan.
Trong chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 29-6 đến 4-7, đoàn đại biểu của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Kim Khoa, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban đã làm việc với Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật-Việt, Ủy ban An ninh-Quốc phòng của Hạ viện Nhật Bản, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và một số cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản… Tại các buổi làm việc, đại diện các cơ quan của Nhật Bản đã bày tỏ sự quan tâm tới diễn biến phức tạp trên Biển Đông vì vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự trên biển của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến cả các nước trong khu vực và trên trường quốc tế, đồng thời cũng đánh giá cao lập trường và sự quyết tâm của phía Việt Nam mong muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình, theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, ngày 5-7, Đại sứ quán Việt Nam tại Ca-na-đa và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Van-cu-vơ (Vancouver) đã tổ chức hai buổi cập nhật tình hình căng thẳng trên Biển Đông, các biện pháp đấu tranh của Việt Nam và phát động đợt vận động ủng hộ lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân Việt Nam bám biển.
Trong buổi cập nhật tại thủ đô Ốt-ta-oa với sự tham gia của đại diện cộng đồng người Việt Nam, du học sinh, cán bộ, công nhân viên Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ca-na-đa, Đại sứ Tô Anh Dũng đã cung cấp cho bà con tình hình mới nhất về biển, đảo, nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Đại sứ Tô Anh Dũng giải thích rõ những hoạt động của Việt Nam nhằm đối phó với những hành động hung hăng của Trung Quốc, cũng như những hoạt động cụ thể của Đại sứ quán Việt Nam tại Ca-na-đa để vận động bạn bè Ca-na-đa và quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi cộng đồng người Việt Nam tại Ca-na-đa nêu cao tinh thần đoàn kết, có nghĩa cử và hành động cụ thể hướng về biển, đảo quê hương, trước mắt, hưởng ứng đợt vận động ủng hộ lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân bám biển.
Kiều bào và du học sinh Việt Nam tại Ca-na-đa rất vui mừng được cung cấp thông tin mới nhất về tình hình Biển Đông và đã bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng rất tâm huyết. Một số đại biểu ủng hộ thái độ kiên quyết và thận trọng của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong đối phó với âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tại Van-cu-vơ, trả lời các câu hỏi của bà con về chủ trương và biện pháp của Việt Nam trong trường hợp Trung Quốc không đáp lại thiện chí của ta, Tổng lãnh sự Trần Quang Dũng nói rõ, Việt Nam chủ trương giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và pháp lý.
Nói về việc Trung Quốc vừa qua đã bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam, các nhà phân tích cho rằng, hành động của Trung Quốc sẽ đổ thêm dầu vào lửa trong căng thẳng trên Biển Đông. Giáo sư Can Thay-ơ (Carlyle Thayer) thuộc Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a nhận định: Đây là một hành động đơn phương của Trung Quốc ngay trong khu vực Việt Nam có chủ quyền rõ ràng và hành động đó sẽ hủy hoại bầu không khí trong khu vực.