Bốn nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Hội Hữu nghị nhân dân Lào – Việt, Việt -Lào
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào tham dự Lễ Khai mạc Liên hoan hữu nghị nhân dân Lào – Việt Nam 2017 được tổ chức tại Thủ đô Vientiane vào ngày 17/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã chia sẻ nhiều ý kiến thiết thực cho công tác đối ngoại nhân dân nói chung và quan hệ giữa Hội Hữu nghị nhân dân hai nước.
Phó Thủ tướng Lào nhấn mạnh, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hai nước láng giềng gần gũi, núi liền núi, sông liền sông, có đường biên giới kéo dài suốt từ Bắc chí Nam. Nhân dân hai nước có truyền thống tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau từ lâu đời. Từ thời kì đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành độc lập tới giải phóng hoàn toàn đất nước năm 1975 và cùng nhau xây dựng đất nước trong hơn 40 năm hòa bình.
Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào vô cùng vui mừng phấn khởi thấy rằng qua quá trình quan hệ giữa hai nước, tình hữu nghị vĩ đại hơn. Tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào – Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane dày công vun đắp đã được kế thừa và giữ gìn qua các thế hệ lãnh đạo, không ngừng phát huy. Mặc dù tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp nhưng tình nghĩa trong sáng, thủy chung Lào – Việt Nam vẫn tiếp tục được phát huy và nở hoa kết trái trong mọi lĩnh vực công tác; góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước Lào – Việt Nam. Cũng như góp phần vào sự nghiệp giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone (Ảnh: N.Y)
Công tác ngoại giao nhân dân cũng như hoạt động của Hội Hữu nghị Lào – Việt là hoạt động có vai trò quan trọng trong việc bảo về và phát huy tình đoàn kết Lào – Việt Nam. Đảng, Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào bày tỏ lòng hoan nghênh và đánh giá cao sự quan tâm của Hội Hữu nghị Lào – Việt và Việt – Lào các cấp từ trung ương tới địa phương trong nhiệm vụ vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào – Việt Nam. Đăc biệt là việc giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu được sâu sắc hơn và có trách nhiệm hơn trong việc kế thừa truyền thống và chiến công hiển hách của mỗi thế hệ đi trước. Thời gian qua, Hội Hữu nghị Lào – Việt Nam và Việt Nam – Lào đã có nhiều thành tích trong hoạt động của mình.
Theo Phó Thủ tướng Lào, trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước của chúng ta còn nhiều thách thức cộng với âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, vì vậy, trước mắt, hai Hội Hữu nghị Lào – Việt; Việt – Lào cần tập trung thực hiện một số vấn đề như sau:
Một là: Tiếp tục gánh vác trọng trách và nhiệm vụ của Hội làm cầu nối vững chắc cho mối quan hệ Lào – Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nhân dân, giữa các bộ, ngành của hai Nhà nước và các đơn vị kinh doanh của 2 nước ngày càng phát triển và nâng lên tầm cao mới.
Hai là: Phối hợp chặt chẽ và thống nhất với nhau trong các vấn đề quốc tế, ủng hộ và giúp đỡ nhau trên diễn đàn khu vực và quốc tế.
Ba là: Tiếp tục giáo dục cho thanh thiếu niên và nhân dân hai nước Lào – Việt hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ đặc biệt hiếm có Lào – Việt Nam. Nhất là để cho họ thấy được sự hy sinh lớn lao của lãnh tụ cách mạng thế hệ trước. Thấy được trách nhiệm của mình trong việc phát huy mỗi quan hệ hữu nghị đặc biệt, trong sáng thủy chung giữa hai nước Lào – Việt Nam.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc trong năm 2017, cả 2 Hội hữu nghị đã cùng nhau tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân Lào – Việt Nam lần thứ IV sẽ giúp cho thế hệ trẻ thấy được nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong việc tiếp thu bảo vệ và giữ gìn di sản quý giá của hai dân tộc. Đồng thời, đánh lùi luận điệu của các phần tử xấu và các thế lực thù địch hòng chia rẽ mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào – Việt Nam.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng cho rằng, hai Hội Hữu nghị cần tạo điều kiện cho nhân dân Lào và Việt Nam các tỉnh biên giới kết nghĩa và đi lại với nhau, hợp tác trao đổi thông tin và có giải pháp xử lý các vấn đề xảy ra tại khu vực biên giới hai nước theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ.