Những tuyệt phẩm nhạc Pháp đã vang lên ở thành phố Quy Nhơn - tại Liên hoan Tiếng hát Pháp ngữ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên mở rộng lần thứ 3 - 2017, do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bình Ðịnh tổ chức đúng vào ngày 14.7 - Quốc khánh Cộng hòa Pháp.
Ðêm nhạc vừa là hoạt động văn hóa tô thắm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Pháp, vừa truyền thêm cảm hứng yêu nhạc Pháp trong công chúng. Liên hoan Tiếng hát Pháp ngữ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên mở rộng lần thứ 3 - 2017 ( Liên hoan) với 23 tiết mục quy tụ đại diện 6 tỉnh trong khu vực: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk và 3 tỉnh khách mời: thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre. Phần lớn những giọng ca đều không chuyên và rất trẻ, chủ yếu là sinh viên, học sinh. Điều này phần nào cho thấy, tiếng Pháp, âm nhạc Pháp vẫn có sức thu hút nhất định. Và chính những người trẻ tuổi này đã giữ vai trò sứ giả văn hóa, góp phần thắt chặt tình hữu nghị, giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia, hai dân tộc Việt - Pháp. Lãng mạn, nhân bản được xem là hai đặc điểm nổi bật của âm nhạc Pháp. Những ca khúc Pháp bất hủ như Dona Dona, Mon coeur survivra pour toi, L’oiseau et l’enfant… đã vang lên vào một đêm cuối tuần bình yên ở thành phố biển Quy Nhơn hiền hòa, gieo vào lòng người nghe những xúc cảm đẹp. Nhạc Pháp vốn nổi tiếng chinh phục người nghe bởi hình thức sang trọng, tinh tế và nội dung đề cao nhân ái, cao thượng. Thậm chí vượt qua khoảng cách bất đồng về ngôn ngữ và ca từ, nhạc Pháp cũng đủ sức quyến rũ người nghe qua những giai điệu của mình. Như nhận định của chị Nguyễn Thanh Hà, một khán giả ở phường Ghềnh Ráng (thành phố Quy Nhơn): “Nhạc Pháp hay và những ca sĩ trẻ vừa hát hay, nét diễn lại rất dễ thương nữa nên tôi quyết định ngồi xem đến cuối chương trình, mặc dù trong 23 tiết mục, tôi chỉ hiểu nội dung một số bài nổi tiếng. Tuy vậy, theo tôi, với nhạc Pháp, tương tự là nhạc Ý, Tây Ban Nha, nghe ngôn ngữ, tiết tấu, giai điệu thôi cũng đã thấy thú vị rồi!”. Được đánh giá biểu diễn có chất lượng chuyên môn cao và đồng đều hơn cả là các giọng ca đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là đơn vị mà tất cả 5 giọng ca đều là người lớn, độ tuổi trên dưới 40 (các đơn vị còn lại, ca sĩ đa phần là sinh viên, học sinh). Ngọc Ánh - giọng ca nổi trội của thành phố Hồ Chí Minh, tham gia cả 3 tiết mục của đơn vị - tạo cho người xem cảm giác về một ca sĩ chuyên nghiệp bởi chất giọng hay, phong cách trình diễn vừa tự tin, chuyên nghiệp vừa đúng chất nhạc Pháp - sang trọng, dịu dàng. Tại Liên hoan này, Huế cho thấy là địa phương mạnh về đơn ca nhạc Pháp khi có 3/4 tiết mục chọn hình thức biểu diễn đơn. Một số đơn vị khác như Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, khá đa dạng hình thức hát với cả đơn, song, tam ca hay tốp ca, trong đó ấn tượng chung và đậm nét nhất là vẻ trong sáng, tươi vui, khỏe khoắn, dễ thương ở người hát và sắc màu văn hóa Pháp phả ra từ các tiết mục rất sinh động đó. Đơn vị chủ nhà Bình Định tham gia Liên hoan với đội hình đông đảo nhất, 17 giọng ca, lớn nhất mới tốt nghiệp đại học và bé nhất là Tiểu học; biểu diễn 4 tiết mục, gồm 2 tốp ca và đơn ca, song ca. Trong điều kiện cơ hội giao lưu, sân chơi dành cho ngôn ngữ Pháp, nhạc Pháp còn rất hạn chế ở Quy Nhơn và cả tỉnh, nên với mỗi thành viên, Liên hoan thật sự ý nghĩa và cần thiết. Tích cực với vai trò vừa hát chính vừa phụ trách dàn dựng các tiết mục cho “đội nhà”. Nguyễn Khải Duy, lớp Ngôn ngữ Anh K38, Đại học Quy Nhơn, hào hứng chia sẻ: “Những người trẻ biết tiếng Pháp chúng tôi rất khát sân chơi, hơn thế, đây còn là sự kiện nằm trong công tác đối ngoại của tỉnh, toàn đội ai cũng có ý thức tham gia tích cực, như một cách đóng góp cho quê hương”.