Đoàn đại biểu nhân dân Việt Nam, Lào thăm các di tích độc đáo tại thủ đô Vientiane
Một trong những điểm ấn tượng, để lại nhiều cảm xúc với các đại biểu nhân dân Việt Nam tham dự Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam – Lào 2017 là hoạt động thăm các di tích độc đáo, nổi bật của thủ đô Vientiane.
Thủ đô Vientiane yên bình không dễ dàng gây ấn tượng sâu sắc với người mới đến ở cái nhìn đầu tiên như nhiều địa danh khác. Nhưng ẩn chứa bên trong vẻ thanh bình, trầm mặc đó là những điểm nhấn kiến trúc vô cùng độc đáo, dễ dàng làm cho người ta cảm thấy bị thôi miên, say sưa ngắm nhìn, khám phá.
Tháp ngọc trên thế giới
Điểm đầu tiên phải kể đến là biểu tượng của đất nước Lào: Thạt Luổng. Khi xe đoàn còn cách điểm đến chừng vài trăm mét, trong xe vang lên nhiều tiếng trầm trồ đầy thích thú của các thành viên trong đoàn. Từ xa xa, Thạt Luổng hiện lên đầy uy nghi, độc đáo và vô cùng ấn tượng.
Thạt Luổng (Ảnh: NY)
Nằm ở phía Đông của thủ đô Vientiane, Thạt Luổng là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình của Lào. Nó mang một kiến trúc riêng khá đặc biệt ở vùng Đông Nam Á. Thạt Luổng được đánh giá như một công trình văn hóa mang tính tôn giáo sâu sắc, biểu tượng cho trí tuệ, óc sáng tạo, tinh thần đoàn kết... và là biểu tượng của quốc gia Lào. Công trình này được gọi là “Tháp ngọc trên thế giới”.
Thạt Luổng tiếng Lào có nghĩa là tháp lớn, được xây dựng vào năm 1566 dưới triều vua Xệt Tha Thi Lạt, sau khi nhà vua dời đô từ Luông Pha Băng về Vientiane. Thạt được đặt tên là “Cheđiloka Chulamạni” có nghĩa “Tháp ngọc trên thế giới”, nhưng nhân dân vẫn quen gọi là Phrạ Thạt Luổng để mô tả sự vĩ đại, to lớn của ngôi tháp.
Thạt Luổng vốn được xây trên một ngôi đền cũ, đây là một trong những tháp Phật lớn nhất ở Lào với diện tích đáy là 90m x 90m, cao 45m. Cấu trúc mô hình Thạt Luổng được chia làm ba phần: Phần dưới cùng là bệ tháp, mỗi cạnh dài 69m (từ phía Tây, Đông) và 68m (từ phía Bắc Nam), cả 4 cạnh được ốp bằng 323 phiến đá. Tầng thứ hai, mỗi cạnh dài 48m, vòng quanh cả 4 cạnh được tạo hình những hoa sen lớn với 120 cánh. Tiếp giáp giữa tầng hai và tầng ba có 30 tháp nhỏ bao quanh. Các tháp nhỏ này có hình dáng tương tự như thạt trung tâm. Tầng trên cùng là khối trung tâm thạt, có hình dáng quả bầu, được đặt trên một khối hình bán cầu trang trí bằng những hình cánh sen đang nở tung ra bốn phía. Toàn bộ khối trung tâm được phủ một màu vàng rực rỡ. Tất cả tạo nên một dáng vẻ uy nghi, gợi cảm, và thanh nhã với hình dáng vút cao như mũi tên của đỉnh Thạt Luổng.
Chùa Phật ngọc
Một trong những điểm đến nổi tiếng khác của thủ đô Vientiane là Chùa Phật ngọc. Trước đây ngôi là nơi mà Hoàng tộc thường đến để cầu nguyện. Do vậy, chùa còn có tên là chùa Hoàng gia và có rất nhiều đồ vật quý hiếm đã được đặt ở đây. Trong đó, phải kể đến là một bức tượng Phật bằng ngọc. Ngày nay, Phật ngọc không còn và chùa cũng không sử dụng làm nơi thờ cúng nữa mà được chuyển thành một bảo tàng. Nhiều tượng Phật, vật dụng của các chùa ở Vientiane được thu thập lại đây sau khi chúng bị tàn phá bởi chiến tranh.
Chùa Phật Ngọc (Ảnh: NY)
Chùa Phật ngọc cũng là một công trình kiến trúc độc đáo: được xây trên nền đá, chạy dọc cầu thang là 2 rồng Lào chạm khắc từ đá. Ngày nay, có thể thưởng lãm một số tượng phật bằng nhiều chất liệu khác nhau tại Haw Phra Kaew như đồng, đá, đất nung... được tạc theo phong cách Lào - sắc sảo và thanh tú. Đặc biệt, các bức tượng Phật bao quanh chùa mang các sắc thái biểu cảm khác nhau tạo nên một sự đa dạng và độc đáo ở nơi đây. Không bức tượng nào giống bức tượng nào. Và điều quan trọng nhất là cái hồn của bức tượng được thể hiện rất thành công. Những bức tượng này như che chở cho người dân Lào có một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Chùa Sỷ Mương
Điểm đến thứ ba trong hành trình của Đoàn là Chùa Sỷ Mương - ngôi chùa nằm ngay trong lòng thủ đô Vientiane của nước bạn Lào.
Chùa Sỷ Mương (Ảnh: NY)
Cách nay khoảng 600 năm, chùa Sỉ Mương được xây dựng và chia thành hai khu: Ngôi chùa chính hai gian, gian trong là chính điện thờ Phật, ở giữa ban thờ có cột đá ong được hiểu như cột mốc cùng các tượng phật. Phía sau chùa, có một khối cao xếp bằng đá ong. Tương truyền, khối cao do người Kh’mer xây dựng vào thế kỷ XI-XII, được hiểu như cột mường (cột mốc).
Hành trình đầy cảm xúc trong một buổi chiều nắng đẹp của Thủ đô Vientiane đã khiến những người bạn đến từ đất nước Việt Nam anh em thêm yêu thương, quyến luyến đất nước triệu voi.