Bà Mean Sam An |
Bà Mean Sam An là Thượng nghị sỹ, Chủ nhiệm Ủy ban Y tế, Xã hội, Cựu chiến binh, Lao động dạy nghề và Công tác Phụ nữ của Thượng viện Campuchia nhiệm kỳ 3; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển. Bà đã từng tham gia lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam vào những năm 70, chứng kiến niềm vui chiến thắng của quân dân Việt Nam khi Hiệp định Paris được ký kết. Bà Mean Sam An cũng là người trực tiếp chăm sóc cho các chiến sỹ bị bắt làm tù binh và tù chính trị được phía chính quyền Sài gòn trao trả sau khi Hiệp định Paris được ký kết.
Sau đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn bà Mean Sam An do phóng viên Vietpeace thực hiện:
PV: Xin bà cho biết bà đã tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam trong khoảng thời gian nào ? Xin bà cho biết một vài kỷ niệm trong thời gian này.
Tôi tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 1970 – 1977. Lúc đó tôi mới 13 tuổi. Tôi không thể nào quên ngày đầu tiên vào đơn vị. Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi. Hôm đó, sau khi rời khỏi nhà, tôi theo các chú bộ đội vào căn cứ trong rừng sâu. Chỉ vài tiếng sau đó, bom B52 dội xuống đơn vị chúng tôi. Ngay trong ngày đầu tiên, tôi đã chứng kiến sự ác liệt của chiến tranh, sự anh dũng, kiên cường của bộ đội Việt Nam.
Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, các tù binh và tù chính trị được phía chính quyền Sài gòn trao trả. Tôi là người trực tiếp chăm sóc cho các cô, chú ấy. Hình ảnh của các cô, chú lúc đó khiến tôi vô cùng đau xót. Tôi rất thương các cô chú, nên sau những giờ học tập, rèn luyện tôi luôn dành thời gian chăm sóc các cô chú. Đó cũng là khoảng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời tôi.
PV: Năm 1970 bà còn rất nhỏ tuổi, động lực nào đã thúc đẩy bà tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam?
Gia đình tôi ở gần căn cứ quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bộ đội Việt Nam rất tốt với dân làng, rất quý trẻ con. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về bộ đội Việt Nam và là động lực để tôi tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam. Một động lực khác đó là hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ đất nước, chống đế quốc Mỹ và giúp đỡ Quân đội Nhân dân Việt Nam của Quốc vương Sihanouk.
Bà Mean Sam An thời kỳ tham gia Quân Đội Nhân dân Việt Nam (1970-1977) |
PV: Khoảng thời gian đàm phán Hiệp định Pari (1968 – 1973), Campuchia đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam như thế nào ?
Trong giai đoạn này, Campuchia đã giúp Việt Nam lập các căn cứ quân sự, kho lương trên đất của Campuchia, góp phần vào thắng lợi của Việt Nam trên chiến trường buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhân dân Campuchia cũng nhận được sự giúp đỡ to lớn từ Việt Nam. Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, đem lại hồi sinh cho nhân dân Campuchia.
PV: Với những trọng trách được nhà nước Campuchia giao phó Bà đã có những đóng góp gì trong việc củng cố phát triển tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia ?
Tôi luôn tâm niệm rằng không gì tốt hơn việc hai dân tộc, hai nước láng giềng giúp đỡ, đoàn kết, cùng nhau hợp tác xây dựng đất nước, đem lại lợi ích, phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân hai nước. Vì vậy, dù ở cương vị nào tôi luôn nỗ lực, bằng những hành động cụ thể góp phần củng cố, tăng cường tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia. Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển, tôi đã tổ chức các cuộc giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa hội phụ nữ các tỉnh giáp biên của hai nước, tiếp tục triển khai những hợp tác cụ thể khác để thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa phụ nữ và nhân dân hai nước.
P.V: Xin cảm ơn bà, cảm ơn tình cảm chân thành mà bà đã dành cho Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Q.Hoa