Ông Thomas J. Gumbleton với PV của Liên hiệp CTCHN Việt Nam |
Trong số những đại biểu mà Chính phủ Việt Nam đã mời về để dự Lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam, Giám mục Thomas J. Gumbleton không phải là một cái tên xa lạ đối với nhiều người Việt Nam; bởi lẽ ngoài việc đã từng tham gia các hoạt động chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, hiện nay ông đang tích cực hoạt động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Phóng viên Vietpeace của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam đã vinh dự được gặp mặt và phỏng vấn Giám mục Thomas J. Gumbleton Việt Nam nhân dịp Giám mục vào Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris. Sau đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn Giám mục Thomas J. Gumbleton do phóng viên Vietpeace thực hiện tại Hà Nội ngày 24/1/2013:
PV : Trong những ngày này, Việt nam kỷ niệm ngày ký hiệp định Paris (27/01), chấm dứt chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Cảm tưởng của ông khi có mặt tại Hà Nội trong dịp 40 năm này?
Tôi thấy rất vinh dự khi trở lại Việt Nam kể từ chuyến thăm lần thứ 2 vào năm 1989, đặc biệt lại được có mặt trong Lễ kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris – Hội nghị về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây cũng là dịp giúp tôi được gặp lại những con người dũng cảm năm xưa cũng như bạn bè quốc tế - những người từng tham gia vào phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam. Với ý nghĩa của sự kiện trọng đại này, tôi thấy mình cần có trách nhiệm hơn trong việc truyền tải những thông tin về quá trình ký kết này cũng như mong muốn gửi tới mọi người những thông điệp về tình yêu, hòa bình. Việt Nam ngày nay đã có rất nhiều thay đổi, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh – một thành phố năng động, xe cộ đông đúc, con người Việt Nam rất trẻ trung. Họ là một thế hệ mới của Việt Nam. Thực sự tôi không nghĩ một đất nước tươi trẻ như thế này lại từng chịu đựng nhiều sự mất mát bởi chiến tranh năm xưa.
PV : Ông đã từng tham gia vào phong trào chống chiến tranh tại Việt Nam từ cuối những năm 1960. Vậy, ông có thể nhớ lại tình cảm và hành động của mình khi đó?
Năm 1971, Chính phủ Mỹ đưa ra lý do dùng bom na-pan và chất diệt cỏ (chất độc da cam-PV) chỉ để làm quang rừng rậm khiến cho quân đội miền Bắc Việt Nam không còn chỗ trú ẩn. Thực sự lúc đó tôi chưa nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của vụ việc này. Sau này, khi được chứng kiến những thiệt hại, những đau thương do chất diệt cỏ gây ra trên đất nước các bạn, tôi bắt đầu hiểu rõ hơn về tính hủy diệt của nó. Hậu quả của những chất hóa học này để lại rất lâu; nó làm biến đổi gien (ADN) của con người, di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đã 40 năm trôi qua nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh vẫn còn; rất nhiều nạn nhân bị ảnh hưởng bởi nhiễm chất độc màu da cam do quân đội Mỹ sử dụng tại Việt Nam. Tận mắt chứng kiến những hậu quả của chiến tranh để lại, tôi thấy rất đau lòng.
PV : Là một công dân Mỹ, phản ứng của ông thế nào khi chính quyền Mỹ lúc đó vẫn cố tình ném bom Bắc Việt Nam vào dịp Giáng sinh 1972, thưa ông?
Phải nói rằng tôi cảm thấy rất bất bình trước hành động này. Thực tế là, việc quyết định đánh bom Hà Nội hồi năm 1972 không phải là ý định của Chính phủ Mỹ lúc đó mà đó là hành động đơn phương của Tổng thống Nixon và một số tướng lĩnh muốn chứng tỏ cho chính quyền VNCH rằng, Mỹ sẽ không rút hết quân khỏi Việt Nam. Mỹ vẫn ủng hộ Chính quyền miền Nam Việt Nam. Đây là hành động nhằm tạo dựng lòng tin cho Chính quyền VNCH và gây áp lực làm giảm sức mạnh và ý chí của Bắc Việt Nam, tạo thuận lợi cho cuộc đàm phán tại Paris. Hành động này đã gây ra hậu quả tàn khốc đối với thủ đô Hà Nội của các bạn; không biết bao nhiêu con người vô tội đã bị chết vì bom Mỹ. Thật là một chiến dịch độc ác và tàn nhẫn. Điều này khiến tôi cảm thấy rất buồn và đó là lý do mà tôi nhận thức rằng: tôi muốn đến Việt Nam càng sớm càng tốt để đưa ra lời phản đối mạnh mẽ chống chiến tranh và đặc biệt là chống lại những cuộc ném bom tàn khốc này.
PV : Theo ông, sự kiện Mỹ buộc phải kí hiệp định Paris có ý nghĩa gì đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong khu vực ĐNA nói riêng và trên toàn thế giới nói chung?
Chính phủ Mỹ khi đó đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi tiến hành những hành động quân sự tại Việt Nam. Việc Mỹ buộc phải kí Hiệp định Paris có ý nghĩa rất lớn đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhiều nước trên thế giới. Nó đã minh chứng rằng, cho dù là một đất nước nhỏ bé, nhưng với tinh thần yêu nước, đoàn kết cùng với sự ủng hộ của bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới, vẫn có thể xoá bỏ bất kỳ mọi sự thống trị từ bên ngoài và tự thiết lập một quốc gia độc lập cho mình.
PV : Hiện nay ông đang tham gia ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Vậy ông có thể cho biết thêm về những dự định của ông trong thời gian sắp tới?
Khi lần đầu được tận mắt chứng kiến những nạn nhân chất độc màu da cam, đặc biệt là các em nhỏ, tôi hiểu rằng cuộc chiến tranh này thực sự là một sai lầm lớn của Chính phủ Mỹ. Là một công dân Mỹ, tôi thấy mình phải có trách nhiệm với những gì đã xảy ra trên đất nước của các bạn. Chúng ta cần phải tăng cường thông tin cho người dân Mỹ hiểu rõ thêm về hậu quả của chiến tranh để lại tại Việt Nam. Chính phủ và các công ty của Mỹ phải có nhiều động thái hơn nữa để giúp đỡ những nạn nhân khốn khổ này. Đó là các biện pháp tẩy rửa và xử lý chất độc tại các vùng bị nhiễm tại Việt Nam, giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam bằng những việc làm cụ thể để cuộc sống của họ, gia đình họ vợi bớt đi những nỗi đau.
PV : Vâng. Xin cảm ơn ông./
TH