Theo ông Bùi Văn Nghị, Phó Trưởng ban phụ trách Ban châu Mỹ ( thuộc Liên hiệp Hữu nghị), Tổng Thư ký Hội Việt - Mỹ, bộ phim tài liệu “The 2 Sides Project” là bộ phim đi theo bước chân của sáu người con quân nhân Mỹ tử trận trên hành trình khám phá một đất nước, một dân tộc có lịch sử gắn liền với cuộc đời họ. Trong 11 ngày cuối năm 2015, những người Mỹ và Việt Nam có cha hy sinh ở hai đầu chiến tuyến đã lần đầu tiên gặp mặt. Bộ phim hoàn thành vào năm 2017 đã thu lại trọn vẹn những cuộc gặp gỡ có sức mạnh chuyển hóa; những rung động sâu sắc của những người Mỹ thăm viếng nơi cha mình qua đời; những trải nghiệm giàu cảm xúc của họ với đất nước Việt Nam; chuyến thăm Mỹ đầu tiên trong lịch sử của ba người con liệt sỹ Việt Nam để hoàn thiện hành trình hòa giải từ hai phía.
Những nhân vật trong bộ phim có hoàn cảnh khác nhau nhưng chung mục đích: đối diện với quá khứ, tìm câu trả lời cho những câu hỏi đã đeo đẳng họ suốt cuộc đời, và chữa lành những vết thương chiến tranh của chính mình. Họ là:
Mike Burkett, Spring, Texas, có cha là Curtis Earl Burkett, một hạ sỹ nghiệp vụ. Cha của ông đã rơi xuống sông chết đuối khi chuẩn bị cho một trận đánh. Ký ức sớm nhất trong cuộc đời của Mike là đám tang cha. Khi Mike chia sẻ với bạn về chuyến đi Việt Nam, họ băn khoăn cớ gì ông lại muốn gặp con của kẻ thù.
Margot Carlson Delogne, Scottsdale, Arizona, là nhà sáng lập tổ chức 2 Sides Project. Cha của Margot, John W. Carlson, cho đến hôm nay vẫn được xếp loại “mất tích trong chiến tranh” (MIA). Mẹ của bà, khi phải đối mặt với việc phải một mình nuôi hai người con gái Margot và Kim, đã có những quyết định gây hậu quả tệ hại đến tất cả bọn họ.
Patty Young Loew, Valley grove, West Virginia. Chuyến thăm Việt Nam chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Patty. Hóa ra bà không chỉ là một trong những thành viên giàu tinh thần phiêu lưu nhất trong đoàn, mà còn là người kín đáo nhất. Gia đình Patty vẫn luôn ngờ rằng cha của bà, một quân y tên Jack Young, đã bị giết trong hoàn cảnh ngoài chiến tranh. Bà đến Việt Nam với bí mật giấu kín và cảm thấy mình như là một kẻ giả mạo.
Susan Mitchell-Mattera, Carson, California, có cha là James C. Mitchell Jr. Ông đã tử trận khi mới qua sinh nhật hai ngày, và còn hai ngày nữa là được về nhà. Mọi người nói với Susan ông đã chết đuối ở Việt nam khi máy bay trực thăng của ông bị bắn rơi trên sông Mekong. Bà đã ép mẹ nói ra sự thật sau khi bà phát hiện không có giấy báo tử nào trong chiếc rương di vật của cha vì 45 năm trước mẹ bà đã hủy nó đi.
Ron Reyes, Moorpark, California. Cha của Ron, Binh Nhất Ronald Reyes (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 9 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ), tử trận trên một ngọn đồi gần Khe Sanh trong Tổng Tiến công Tết Mậu Thân. Tại thời điểm đó Ron mới lên hai. Ông đã trở thành một thành viên quan trọng của đoàn; là một chuyên gia về hệ thống định vị toàn cầu (GPS) chuyên tham gia các điệp vụ tìm kiếm và giải cứu người bị nạn, ông đôi khi đã phải tranh luận với cán bộ nhà nước, nhưng ông đã dẫn mọi người đến đúng địa điểm họ tìm.
Margaret Von Lienen, Luray, Missouri, cha là Robert Saavedra, đã tử trận khi máy bay bị bắn rơi ở tỉnh Hà Tĩnh. Khi chuyến bay đưa bà đến Việt Nam cất cánh, nơi tử trận của cha bà vẫn đang được điều tra, và đoàn không chắc là họ sẽ tìm được đúng địa điểm. Trong các địa điểm họ tìm thì địa điểm đó đặt ra nhiều thử thách nhất.
20 người con liệt sỹ Việt Nam tham dự các cuộc gặp gỡ, trong đó có bà Đặng Thị Lệ Phi, ông Vũ Ngọc Xiêm, và bà Nguyễn Thị Hồng Diễm, ba người Việt Nam đi thăm Mỹ.
Đạo diễn Anthony Istrico và Đạo diễn Hình ảnh Jared Groneman là hai nhà quay phim đi cùng đoàn trong chuyến thăm Việt Nam. Anthony Istrico là nhà sáng lập Istrico Productions. Là đạo diễn phim The 2 Sides Project, ông đã đổ tâm huyết vào việc kể lại một câu chuyện có thể truyền cảm hứng và sức mạnh đến bất ngờ.Jared Groneman, Đạo diễn Hình ảnh, đóng góp cho The 2 Sides Project bằng cái nhìn sáng tạo, khả năng thích nghi với bất cứ tình huống nào, và khát khao mang lại sức mạnh cho chủ thể.
Nora Kubach đã viết kịch bản và biên tập phim, một thành tựu đáng nể vì cô chưa bao giờ đặt chân đến Việt Nam. Cô sẽ có mặt trong chuyến đi năm 2018 này để có thể tận mắt nhìn đất nước này.
Trang nhất của mọi phiên bản New York Times trên toàn thế giới phát hàng ngày Giáng Sinh năm 2015 đã đăng một bài báo ca ngợi chuyến đi và mục đích của tổ chức 2SP. Sau đó một bài follow-up về trải nghiệm của ba người Việt Nam đến thăm Mỹ lần đầu nhân dịp Ngày Tưởng Niệm năm 2017 đã được đăng trên tờ The Washington Post.
Bộ phim được quay trong năm mà Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm hai dấu mốc quan trọng: 40 năm kết thúc chiến tranh, và 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước. Bộ phim được trình chiếu một năm sau khi Tổng thống Obama có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam. Khi sự quan tâm và hiếu kỳ về Việt Nam lên một tầm cao mới, The 2 Sides Project nổi lên như bộ phim tài liệu đầu tiên làm nổi bật hậu quả chiến tranh âm ỉ trên đôi vai những đứa trẻ Mỹ và Việt Nam bị bỏ lại phía sau.
Sáng cùng ngày, tại trụ sở Liên hiệp Hữu nghị đã diễn ra buổi giao lưu giữa Đoàn Dự án hai phía và con liệt sỹ Việt Nam. Tại buổi giao lưu, đại biểu hai bên đã cùng nhau chia sẻ, lắng nghe những tâm tư, tình cảm, những điều sâu lắng nhất-dường như không thể nói ra thành lời đã giúp cho các đại biểu hiểu nhau hơn và cùng nhau vượt qua những khó khăn, mất mát trong cuộc sống để vươn lên thành những sứ giả của tình hữu nghị Việt - Mỹ.
Tin+ ảnh: Tuấn Việt