Giáo viên dự án tập huấn kỹ năng giáo dục, chăm sóc trẻ khuyết tật cho phụ huynh và người chăm sóc trẻ khuyết tật. (Ảnh: Báo Cao Bằng)
Tham gia dự án có 40 giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm của 36 trẻ khuyết tật từ bậc mầm non đến cấp tiểu học và 36 phụ huynh, người chăm sóc trẻ khuyết tật.
Tại lớp tập huấn, các giáo viên, cha mẹ và người chăm sóc trẻ khuyết tật được hướng dẫn, thực hành sử dụng các đồ chơi trong dạy trẻ về kỹ năng sống; sử dụng đồ chơi trong làm phép tính; học Tiếng Việt theo năng lực của trẻ; cách vận hành sử dụng các thiết bị, đồ dùng đảm bảo an toàn, đúng lúc, đúng chỗ, đúng cường độ đối với trẻ khuyết tật...
Bên cạnh đó, các nội dung như nâng cao nhận thức về giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, cha mẹ và cộng đồng; năng lực của tổ chức người khuyết tật (hoặc các nhóm tự lực) trong việc thúc đẩy và hỗ trợ trẻ khuyết tật được cải thiện cũng được hướng dẫn và triển khai bài bản.
Qua tập huấn, các giáo viên biết áp dụng các phương pháp dạy học phù hợp với trẻ khuyết tật và hỗ trợ các công cụ khuyết tật; cha mẹ và người chăm sóc trẻ khuyết tật biết cải thiện cơ sở vật chất phù hợp với trẻ trẻ khuyết tật để đạt được kết quả học tập, hòa nhập cộng đồng...
Giáo viên thực hành sử dụng đồ chơi vận động cho trẻ khuyết tật. (Ảnh: Báo Cao Bằng)
Được biết, từ năm 2019, ChildFund tại Việt Nam đã khởi động dự án “Quyền học tập của em” tập trung vào việc thay đổi thái độ cồng đồng và đảm bảo trẻ khuyết tật có thể tiếp cận giáo dục có chất lượng. Để thực hiện dự án này, ChildFund đã kết hợp cùng địa phương và Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng qua đó trang bị cho giáo viên công cụ và kiến thức để chuẩn bị và truyền tải bài giảng đến với trẻ em khuyết tật.
Tại các cộng đồng ở hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn, ChildFund cùng các đối tác của mình cũng triển khai những chiến dịch nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và tầm quan trọng của giáo dục hòa nhập.
Dự án nhằm hỗ trợ cho trẻ khuyết tật được sống trong môi trường hòa nhập và tiếp cận giáo dục có chất lượng. Mục tiêu của dự án là 100% cha mẹ, người chăm sóc trẻ khuyết tật và cộng đồng có thể tuyên truyền về quyền giáo dục đối với trẻ khuyết tật; 70% giáo viên dạy trẻ khuyết tật sử dụng các phương pháp sư phạm và cách tiếp cận; 80% trẻ khuyết tật có kết quả học tập được xác định trong kế hoạch giáo dục cá nhân.
NN t/h theo Tạp chí Thời đại