Đại sứ Nguyễn Phương Nga. Ảnh: Tuấn Việt
Đoàn kết muôn người như một khi đất nước gặp khó khăn
Thưa bà, gần đây, Điều phối viên Liên Hợp Quốc - ngài Kamal Malhotra - cho biết, đã sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu phòng chống COVID-19 của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới. Với tư cách là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, bà có thể cho biết bạn bè quốc tế đánh giá như thế nào về cuộc chiến chống dịch COVID-19 mà toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang thực hiện?
- Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19 cam go hiện nay, ít có nước nào nhận được nhiều đánh giá tích cực của quốc tế như Việt Nam chúng ta. Thật xúc động và tự hào khi rất nhiều chính khách, nhà nghiên cứu, học giả, văn nghệ sĩ, nhà báo và người dân từ khắp các nơi trên thế giới đều khen ngợi cách thức phòng chống dịch bệnh của Việt Nam, coi Việt Nam là hình mẫu trong cuộc chiến chống COVID mà các nước có thể học hỏi.
Thế giới có chung nhận xét Việt Nam đã có những quyết sách rất đúng đắn, có cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, dân chủ, công khai, minh bạch. Việt Nam đã triển khai ngay từ rất sớm những biện pháp rất quyết liệt, chủ động, linh hoạt và rất hiệu quả để ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị và dập dịch. Mặc dù chỉ là một nước đang phát triển, với hệ thống y tế còn nhiều khó khăn, dân số đông, lại ở sát gần tâm dịch, nhưng cho tới nay, Việt Nam mới có chưa tới 300 ca nhiễm virus, tỉ lệ nhiễm thấp hơn rất nhiều so với ngay cả những nước được coi là ứng phó hiệu quả và đặc biệt là chưa có trường hợp nào tử vong. Tới thăm Việt Nam vào đầu tháng 2, Chủ tịch Hội Hữu nghị Phần Lan - Việt Nam rất ngạc nhiên khi thấy đi tới đâu ở Việt Nam cũng thấy tờ rơi, thông tin hướng dẫn cách phòng tránh COVID-19, chứng tỏ lãnh đạo Việt Nam thực sự quan tâm, có sự chủ động chuẩn bị và đã làm tốt hơn nhiều so với các nước có nền y tế hiện đại hơn.
Một trong những nguyên nhân chính làm nên thành công của Việt Nam, theo nhiều nhận xét, là Đảng và Nhà nước ta đã có quyết tâm chính trị chống dịch rất cao, xác định ngay từ đầu và nhất quán là ưu tiên đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết, cho dù phải hy sinh lợi ích kinh tế, và huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, kiên quyết không bỏ ai lại phía sau. Ngay cả khi phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội, Chính phủ Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, rất quan tâm tới bảo đảm an sinh xã hội, triển khai gói cứu trợ lớn chưa từng có để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng với dịch bệnh, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều nhà phân tích đã nhận xét, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được sự hoan nghênh của cả trong và ngoài nước và chính tính nhân văn, ưu việt của chế độ ta đã tạo nên nên thành công đặc biệt của Việt Nam.
Bạn bè quốc tế cũng rất cảm phục tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, thể hiện qua rất nhiều biện pháp thông minh, sáng tạo chỉ có ở Việt Nam như: Giải cứu dưa hấu, bánh mì thanh long, may khẩu trang phát cho cộng đồng, máy ATM cung cấp gạo miễn phí... hay giai điệu lạc quan của điệu nhảy và bài hát “Ghen Covy”. Bạn bè quốc tế rất ấn tượng trước sự đoàn kết xã hội của Việt Nam, niềm tin và sự ủng hộ của người dân đối với chủ trương của Đảng và những biện pháp của Chính phủ. Nhiều nhận xét cho rằng, những gì Việt Nam đã và đang làm thể hiện sự đồng lòng, tinh thần quyết thắng “chống dịch như chống giặc” của dân tộc Việt Nam và đây chính là sức mạnh của dân tộc ta, sức mạnh của lòng yêu nước, đoàn kết muôn người như một khi đất nước gặp khó khăn.
Việt Nam là dân tộc có sức chống chịu cao nhất và lạc quan nhất
Công dân người Anh Gavin Wheeldon khi thực hiện cách ly tại Hà Nội từ ngày 14.3 đã viết lại nhật ký hàng ngày về cuộc sống trong khu cách ly. Trong đó, anh dành nhiều lời khen cho Việt Nam: “Tôi cảm thấy giống như đi nghỉ hơn là đi cách ly”. Còn vợ chồng du khách Anh - ông bà Cath và David Butler - đã viết thư bày tỏ lòng biết ơn sau khi hết cách ly COVID-19 ở Hà Nội. Hình ảnh về một Việt Nam thân thiện và mến khách liệu có được nâng cao sau khi đại dịch đi qua không, thưa bà?
- Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Bạn bè quốc tế đã được biết nhiều hình ảnh đẹp về Việt Nam. Đó là một dân tộc quật cường anh dũng, đã làm nên những kỳ tích trong đấu tranh vì độc lập tự do, hòa bình và thống nhất đất nước. Đó là một nước Việt Nam vượt qua bao gian nan khắc phục hậu quả chiến tranh, đổi mới mạnh mẽ để thoát khỏi nghèo đói, trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trên thế giới. Đó là một điểm đến du lịch được ưa chuộng với thiên nhiên tươi đẹp và con người thân thiện, mến khách.
Chính trong những ngày rất khó khăn ứng phó với COVID-19, bản lĩnh Việt Nam lại toả sáng và thế giới lại được thấy những hình ảnh mới rất đẹp của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Bạn bè quốc tế ấn tượng trước chất lượng của hệ thống y tế cộng đồng của Việt Nam, xúc động trước sự tận tâm, hy sinh quên mình của đội ngũ y bác sĩ, các chiến sỹ quân đội, công an và những người phục vụ ở các khu cách ly. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Việt Nam đã làm hết sức để chăm sóc, chữa chạy cho người nước ngoài bị nhiễm bệnh và tạo môi trường tốt nhất cho những người phải cách ly. Thật cảm động khi nghe những lời nói nghẹn ngào của một bệnh nhân người Anh: “Bác sĩ Việt Nam tuyệt vời. Các bạn đã cứu sống tôi”. Hai cha con bệnh nhân người Trung Quốc được chữa khỏi ở Việt Nam là anh Li Zichao và ông Li Ding đã cảm ơn các bác sĩ, y tá Việt Nam và nhấn mạnh: "Chúng tôi hiểu rằng chính lòng tốt của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi".
Đại sứ Nguyễn Phương Nga (thứ tư, trái sang) trao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số tiền quyên góp từ 1 ngày lương của cán bộ, nhân viên Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, góp phần chống đại dịch COVID-19. Ảnh: Tuấn Việt
Bạn bè trên thế giới ca ngợi tinh thần quốc tế của Việt Nam, chủ động chia sẻ kinh nghiệm ngăn chặn dịch COVID-19 và từ nước nhận trở thành nước đóng góp, hỗ trợ các nước thông qua trao tặng vật tư y tế. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị trực tuyến của ASEAN và ASEAN+3 để ứng phó với đại dịch COVID-19. Trên cương vị Thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chúng ta đã cùng một số nước thành viên đề xuất tổ chức họp trực tuyến lần đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về COVID-19. Đây chính là hình ảnh Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm, tích cực dẫn dắt, chung tay cùng giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh sự hợp tác, hỗ trợ của chính phủ, trên kênh đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên ở trung ương cũng như các địa phương đã có nhiều nghĩa cử rất cao đẹp, tự nguyện quyên góp tiền, khẩu trang, bộ đồ bảo hộ, bộ kit xét nghiệm, thuốc, nước sát khuẩn... để hỗ trợ nhân dân các nước bạn. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng có rất nhiều sáng kiến như may khẩu trang tặng các nhà dưỡng lão, nhà trẻ, trường học, người dân sở tại, nấu cơm Việt Nam phát cho các nhân viên y tế... Có thể nói, người dân Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài đều đã và đang rất nỗ lực kề vai sát cánh cùng nhân dân các nước chống lại dịch bệnh, thể hiện lòng nhân hậu, tinh thần nhường cơm, sẻ áo của dân tộc Việt Nam.
Tôi rất ấn tượng về nhận xét của một người nước ngoài có tên Mike Turner trên mạng internet: “Không có gì là không thể ở Việt Nam. Đây là dân tộc có sức chống chịu cao nhất và lạc quan nhất”. Chắc chắn rằng, những hình ảnh về một dân tộc Việt Nam nhân hậu, có nền văn hoá đậm tính nhân văn, kiên cường, dẻo dai và sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ bạn bè trong lúc hoạn nạn khó khăn, sẽ còn lại mãi, không phai mờ trong tâm trí bạn bè quốc tế.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã nhận được những sự giúp đỡ nào của bạn bè quốc tế, thưa bà?
- Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Chúng tôi rất cảm kích trước sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài dành cho nhân dân Việt Nam bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, từ chia sẻ kinh nghiệm chống dịch tới nguyên liệu, vật tư y tế, nhu yếu phẩm giúp vượt qua khó khăn trong đời sống với tổng giá trị lên tới hàng tỉ đồng. Như: GNI/Hàn Quốc hỗ trợ Cao Bằng và Hòa Bình; TFCF/Đài Loan (Trung Quốc) tài trợ Bệnh viện Bạch Mai; Childfund/Australia hỗ trợ Cao Bằng, Hòa Bình, Bắc Kạn; AOP/Australia tổ chức các khoá tập huấn về phòng chống dịch bệnh; Plan/Anh hỗ trợ trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho nhân viên y tế và hỗ trợ trẻ em (đặc biệt là trẻ em gái) bị cách li; SCC/Anh mở lớp học tiếng Anh và tin học online nhằm cung cấp phương pháp trị liệu bằng lời (speech therapy) qua các cuộc gọi có hình ảnh để giúp trẻ tự kỉ được trị liệu trong thời gian dịch bệnh; CBM/Đức hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn... Nhiều tổ chức khác đã thông báo về các dự định hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.
Trong bối cảnh cả thế giới đều phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế - xã hội do dịch bệnh, những sự trợ giúp này là rất quý giá. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đang tiếp tục cùng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ, hợp tác giúp Việt Nam ứng phó với COVID-19, nâng cao năng lực, chất lượng y tế cộng đồng và giúp Việt Nam khắc phục các hậu quả về mặt kinh tế - xã hội do dịch bệnh mang lại, tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn bà!