Đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam |
Phóng viên: Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, lĩnh vực đối ngoại nhân dân đã triển khai các nhiệm vụ và đạt được những kết quả nổi bật nào góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và thành công chung của đối ngoại Việt Nam, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Phương Nga: Trong 5 năm qua, đối ngoại nhân dân đã cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại mà Đại hội XII đã đề ra, đó là: độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.
Với vai trò là đầu mối trong công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các thành viên đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và thành công chung của đối ngoại nước nhà.
Thứ nhất, đối ngoại nhân dân đã tích cực tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hòa bình, hợp tác giữa nhân dân các nước: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức nhân dân Việt Nam đã chủ động củng cố, phát triển theo chiều sâu quan hệ với nhân dân các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, các nước bạn bè truyền thống và mở rộng quan hệ với các đối tác mới. Cho tới nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác với hơn 1.000 tổ chức quốc gia, khu vực và quốc tế. Hàng nghìn hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị có nội dung sâu sắc và hình thức rất sáng tạo và phong phú đã được tổ chức trên các kênh nhân dân ở cả cấp quốc gia và các địa phương, góp phần tăng cường tình hữu nghị với nhân dân các nước, như: các hoạt động gặp gỡ hữu nghị, quảng bá văn hóa nhân các ngày lễ lớn hoặc bên lề chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao; kỷ niệm quốc khánh và các sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước bạn; liên hoan nhân dân, diễn đàn hợp tác nhân dân; các cuộc thi “Giai điệu hữu nghị”, tranh vẽ thiếu nhi, hùng biện tiếng nước ngoài cho học sinh, sinh viên Việt Nam và tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài tại Việt Nam; các chương trình hợp tác du lịch, giáo dục “Ở nhà dân”, “Ươm mầm hữu nghị”, “Hướng tới tương lai” dành cho sinh viên nước ngoài, các hoạt động văn hóa, thể thao, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch...
Thứ hai, đối ngoại nhân dân, trong đó Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là lực lượng nòng cốt, đã tích cực tham gia các diễn đàn nhân dân đa phương khu vực và quốc tế, đặc biệt là Diễn đàn nhân dân ASEAN (APF), Diễn đàn nhân dân Á – Âu (AEPF), Hội đồng Hòa bình thế giới..., các cơ chế của Liên hợp quốc và ASEAN (Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc - UN ECOSOC và Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền - AICHR)..., qua đó khẳng định vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với những nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng đất nước và củng cố hòa bình, thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương, hội nhập, hợp tác và phát triển. Vừa qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức nhân dân Việt Nam và trong khu vực tổ chức thành công APF - 2020, đóng góp vào thành công của Năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 và vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.
Thứ ba, đối ngoại nhân dân đã nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức nhân dân Việt Nam đã đấu tranh phản bác những thông tin sai trái về quyền con người ở Việt Nam, góp phần tích cực vào việc bảo vệ thành công các báo cáo phổ quát định kỳ tại Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc. Trước các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, các tổ chức nhân dân Việt Nam đã kịp thời bày tỏ phản ứng, vận động bạn bè quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Thứ tư, đối ngoại nhân dân đã tích cực tham gia huy động nguồn lực bên ngoài phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đảm nhiệm tốt chức năng là đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), đồng thời là cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Hiện nay, có trên 500 tổ chức PCPNN có hoạt động thường xuyên tại Việt Nam. Giá trị viện trợ PCPNN giải ngân 5 năm qua đạt 1,5 tỉ USD, tương đương gần 300 triệu đô la Mỹ/năm, với các dự án hiệu quả, thiết thực góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai và giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thứ năm, công tác nghiên cứu, tham mưu, thông tin đối ngoại và người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm thúc đẩy. Nhiều hội thảo đã được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam tổ chức để cung cấp, chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến phục vụ cho công tác nghiên cứu lý luận, hoạch định chính sách và hoạt động đối ngoại nhân dân. Tạp chí Thời Đại với 5 thứ tiếng nước ngoài, Trang thông tin điện tử của Liên hiệp và các tạp chí như Bạch Dương, Việt – Mỹ, các bản tin của các tổ chức thành viên đã có nhiều cố gắng đổi mới nội dung, hình thức, ứng dụng công nghệ thông tin để thông tin cập nhật, phản ánh sinh động về Việt Nam. Liên hiệp tích cực phối hợp với các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài trong các hoạt động giao lưu hữu nghị, hỗ trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh và thiên tai, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết hiệu quả, ý nghĩa của các hoạt động đối ngoại nhân dân trong 5 năm qua?
Đồng chí Nguyễn Phương Nga: Đối ngoại nhân dân đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ đắc lực cho đối ngoại Đảng và ngoại giao nhà nước, tạo thành sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại.Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết hiệu quả, ý nghĩa của các hoạt động đối ngoại nhân dân trong 5 năm qua?
Các hoạt động đối ngoại nhân dân, cho dù độc lập hay được lồng ghép trong chương trình đón các đoàn nước ngoài đến Việt Nam; hay các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở nước ngoài, như hoạt động gặp mặt kiều bào; giao lưu, gặp gỡ với bạn bè quốc tế, các tổ chức nhân dân sở tại...đã mở rộng, làm phong phú và sâu sắc hơn quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Đối ngoại nhân dân khẳng định tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hoà bình, nhân văn của dân tộc ta, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Đối ngoại nhân dân đã tham gia tích cực, hiệu quả các hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, lợi ích của quốc gia - dân tộc, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Thông qua việc tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo, các diễn đàn song phương, đa phương, các hoạt động giao lưu hữu nghị... cung cấp thông tin về tình hình Việt Nam, quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông giúp đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ chính nghĩa của Việt Nam và ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam.
Trong một số trường hợp, đối ngoại nhân dân đã phát huy tốt vai trò “đi trước mở đường”, tháo gỡ vướng mắc, duy trì quan hệ giữa Việt Nam với các nước phát triển ổn định, hỗ trợ hiệu quả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước.
Phóng viên: Đồng chí đánh giá thế nào về nội dung công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng, được đề cập trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng?
Đồng chí Nguyễn Phương Nga: Bên cạnh những nội dung quan trọng mang tính nguyên tắc được kế thừa từ văn kiện Đại hội Đảng XII, các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung những nội hàm quan trọng, thể hiện sự phát triển tư duy đối ngoại mới, sáng tạo, thích ứng với những diễn biến mới rất phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và thực tiễn phát triển của đất nước.
Nội dung “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi” được thể hiện trong văn kiện là rất quan trọng, mang tính nguyên tắc. Việc xác định vai trò “tiên phong” của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước là một nhận định mới, làm nổi bật vai trò, vị trí nhiệm vụ quan trọng của công tác đối ngoại.
Văn kiện Đại hội cũng đã nêu rõ những định hướng quan trọng về hoạt động đối ngoại song phương và đa phương - chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia.
Đặc biệt, với việc xác định mục tiêu “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”, và nhiệm vụ “tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các kênh và cơ quan đối ngoại, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”, văn kiện Đại hội lần này bảo đảm tính toàn diện của nền ngoại giao Việt Nam, thể hiện được vai trò, nhiệm vụ của các lực lượng đối ngoại. Văn kiện cũng khẳng định rõ chủ trương của Việt Nam mở rộng và đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hoà bình, dân chủ hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp đã thể hiện ý chí và khát vọng phát triển của cả dân tộc Việt Nam.Thực hiện đường lối đối ngoại được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong thời gian tới, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta chắc chắn sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đối ngoại nhân dân sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ đắc lực cho đối ngoại Đảng và ngoại giao nhà nước, thực sự là chất keo gắn kết, xây đắp những nhịp cầu hữu nghị, tạo nền tảng xã hội bền vững cho sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước và nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Việt Nam.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Q.Hoa t.h / ĐT ĐCS