Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại Hội nghị Tổng kết Năm ASEAN 2020, đã trích dẫn một số báo chí lớn nói đến năm 2020 như là “một trong những năm tồi tệ nhất với tất cả người dân đang sống trên Trái đất này”. Hơn 200 triệu người nhiễm bệnh, 2 triệu người chết, hàng trăm triệu việc làm bị mất vì COVID-19 là những con số minh chứng cho những thách thức với nhân loại.
Đứng trước muôn vàn khó khăn, với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã cùng ASEAN vượt qua, thực hiện thành công các mục tiêu ưu tiên hợp tác đề ra cho năm 2020, đóng góp vô cùng thiết thực cho việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN “hướng tới người dân”, “lấy người dân làm trung tâm”, và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cùng với những kết quả to lớn về mặt chính trị, đối ngoại, kinh tế, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã thúc đẩy và thông qua các sáng kiến hướng tới người dân như xây dựng Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Khung chiến lược về ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp, Quỹ ứng phó COVID-19, Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Khung hành lang đi lại ASEAN. Những nội dung hợp tác này có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19 gây ra.
Trong những thành tích chung đó, đối ngoại nhân dân đã có những đóng góp vô cùng thiết thực, không chỉ cho thành công chung của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, mà còn cho phong trào nhân dân tiến bộ trong khu vực.
Quay lại thời điểm tháng 9 năm 2019, khi các tổ chức nhân dân Việt Nam chính thức nhận quyền đăng cai tổ chức Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2020 từ nước chủ nhà Thái Lan, không ai có thể hình dung ra, chỉ hơn 3 tháng sau, COVID-19 xuất hiện, đe dọa sinh kế, cuộc sống, quyền của người dân ASEAN. Đối với Diễn đàn Nhân dân ASEAN, một trong những diễn đàn lớn nhất của nhân dân khu vực, việc tổ chức cũng gặp vô vàn khó khăn. Rất nhiều tổ chức nhân dân trong khu vực không thể có những hoạt động bình thường do những diễn biến của dịch bệnh, do “giãn cách xã hội”. Việc “thích ứng với trạng thái bình thường mới” để đưa ra quyết định chuyển đổi sang một hình thức tổ chức hoàn toàn mới kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp là một việc làm không hề đơn giản, đặc biệt đối với các tổ chức nhân dân, nhóm đối tượng không có những tiềm lực, khả năng như các chính phủ hay khối doanh nghiệp”. Bên cạnh đó, những khác biệt giữa các tổ chức nhân dân các nước về quan điểm tổ chức, về nội dung, cũng như những khác nhau về điều kiện, hoàn cảnh hiện tại ở các nước Đông Nam Á đã không ít lần “làm khó” cho Ban tổ chức quốc gia Việt Nam.
APF 2020 (Ảnh: TV)
Tuy nhiên, trong khó khăn, với phương châm “chủ động, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả”, các tổ chức nhân dân Việt Nam đã cùng nhau đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, vận động bạn bè quốc tế cùng chung tay tổ chức một Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2020 thành công về mọi mặt.
Gần 1.000 đại biểu nước ngoài đăng ký tham gia, gần 2.000 lượt đại biểu tham gia 4 phiên toàn thể và 24 phiên hội thảo, bao trùm 11 vấn đề nóng trong khu vực đã chứng minh tinh thần đoàn kết, quyết tâm và sức sống mãnh liệt của các tổ chức nhân dân ASEAN và Việt Nam. Chưa bao giờ trong lịch sử APF mà chương trình có tới 11 chủ đề, gần 30 hoạt động “được tổ chức theo hình thức “hybrid” diễn ra chỉ trong 2,5 ngày. Với chủ đề “Đoàn kết nhân dân Đông Nam Á vì một Cộng đồng bao trùm và chủ động thích ứng”, APF 2020 cũng đã thu hút sự tham gia của Phó Tổng Thư ký ASEAN Kung Phoak, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam Lê Văn Thanh tham dự và phát biểu, cũng như Đại sứ và đại diện các Đại sứ quán, đại diện UN tại Việt Nam tham gia.
Trong 2,5 ngày làm việc sôi nổi, các đại biểu đã thảo luận một loạt các vấn đề nóng, có ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, sinh kế của người dân ASEAN, từ hòa bình-an ninh, nhân quyền, sinh thái bền vững, lao động và nhập cư, kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ mới và quyền kỹ thuật số, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo… cũng như những biện pháp tăng cường tình đoàn kết và kết nối giữa các phong trào xã hội và các tổ chức nhân dân ASEAN để cùng hợp tác nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu, với mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm.
APF 2020 (Ảnh: TV)
Trong Tuyên bố chung của APF 2020, đã có nhiều đề xuất của các tổ chức nhân dân ASEAN đối với ASEAN và các chính phủ thành viên. Từ việc xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng bộ, quyết liệt trong việc ứng phó với COVID-19; tạo điều kiện để người dân, trong đó có các nhóm dễ bị tổn thương tham gia vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; có những bước tiến chủ động trong việc thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các tiến trình ngoại giao; đến quan tâm hơn tới môi trường, trong đó có an ninh nguồn nước trên sông Mê Công; và bảo vệ quyền và lợi ích của người dân ASEAN.
Các tổ chức nhân dân ASEAN cũng đã đưa ra những chiến lược riêng, với mục tiêu tăng cường đoàn kết, hợp tác nhân dân khu vực; tăng cường củng cố hoạt động của các tổ chức, các phong trào ở cơ sở; hỗ trợ các chương trình dựa vào cộng đồng và các sáng kiến khác để đảm bảo các nhu cầu cơ bản cho nhân dân như thu nhập, thực phẩm, sức khỏe và an toàn; …
APF 2020 đã khẳng định cam kết, trách nhiệm của các tổ chức nhân dân Việt Nam cũng như khu vực ASEAN thúc đẩy nhận thức và nỗ lực chung trong xây dựng một cộng đồng hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, đồng thời góp phần tăng cường hiểu biết, đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân các nước trong khu vực. Việc tổ chức thành công Diễn đàn nhân dân ASEAN 2020 cũng là một đóng góp không hề nhỏ của các tổ chức nhân dân Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, một năm đầy biến động, nhưng cũng là một năm thành công, một năm mà ASEAN đã hoàn thành mục tiêu củng cố đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm trong quan hệ quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững hướng tới mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Mai Thị Dung, Ban Công tác đa phương