Đại sứ Algeria tại Việt Nam - ông Boubazine Abdelhamid. Ảnh: Thông tấn xã VN
Ông Vũ Triệu - nguyên là cán bộ ngoại giao khi còn làm Bí thư văn hoá Đại sứ quán Việt Nam tại Algieria – từng kể, ông đã có dịp đến nhà riêng của nhà văn Kateb Yacine chơi.
Lúc ấy, trên tường nhà K. Yacine có treo 2 bức chân dung khổ lớn, một là chân dung anh hùng dân tộc Che Ghevara của Châu Mỹ Latinh và bức chân dung thứ hai chính là ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Châu Á.
Kateb Yacine là nhà văn, nhà viết kịch vĩ đại bậc nhất của Algeria. Năm 1967, K.Yacine đến Việt Nam, những điều mắt thấy tai nghe về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt ở Việt Nam lúc ấy đã thôi thúc Yacine tìm hiểu lịch sử, con người Việt Nam.
Tình yêu, sự kính trọng đối với dân tộc Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho nhà văn Yacine sáng tạo, viết nên kịch thơ “Người đi dép cao su”. Vở kịch được trình diễn trên nhiều sân khấu thế giới đầu những năm thập niên 1970 nhưng chưa từng được dàn dựng và công diễn tại Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Algeria, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã kết nối để vở diễn “Người đi dép cao su” được khởi công và dàn dựng tại nhà hát Kịch Việt Nam.
Lễ khởi công vở diễn “Người đi dép cao su” tại nhà hát Kịch Việt Nam sáng 15.2. Ảnh: Hào Hoa
Sáng 15.2, đến dự buổi khởi công vở diễn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algeria – ông Abdelhamid Boubazine đã bày tỏ sự xúc động. Ông Boubazine giới thiệu, nhà văn, nhà viết kịch Kateb Yacine là một trong những biểu tượng của văn học Algeria – đã viết nên vở kịch mang tính biểu tượng về sự kết nối giữa 2 dân tộc, 2 đất nước, Algeria – Việt Nam.
Theo ông Abdelhamid Boubazine, “Vở kịch Người đi dép cao su là câu chuyện về lịch sử hào hùng, là hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, là những nỗi thống khổ mà dân tộc Việt Nam từng phải chịu đựng và đi qua. Nhà văn Yacine đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về Việt Nam, con người, đất nước, văn hóa, lịch sử... để viết nên một tác phẩm mang tính khái quát cao, nhưng lại chi tiết và cụ thể. Xuyên suốt vở kịch là sợi chỉ đỏ về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thông qua chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm giới thiệu rất nhiều nhân vật với nhiều hệ tư tưởng. Cuộc chiến được tái hiện là cuộc chiến của những hệ tư tưởng, dựa trên lập trường quan điểm quốc tế của Kateb Yacine”.
Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam – NSƯT Xuân Bắc nhận định, “Người đi dép cao su” với tính biểu tượng đặc trưng là tác phẩm rất khó dựng, nhưng anh và tập thể nghệ sĩ nhà hát Kịch Việt Nam sẽ nỗ lực, cố gắng để sớm ra mắt vở diễn – để “Người đi dép cao su” sẽ là tác phẩm sân khấu ấn tượng, khó quên.
Nhà văn Kateb Yacine sinh năm 1929, mất năm 1989, từng đến Việt Nam năm 1967 và viết vở kịch “Người đi dép cao su” về cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
“Người đi dép cao su” là tác phẩm đồ sộ gồm 8 hồi, 150 nhân vật có lời thoại. Nội dung vở kịch trải dài theo trật tự thời gian của tiến trình lịch sử đất nước Việt Nam từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trải qua nhiều cuộc đấu tranh gìn giữ đất nước qua các thời kỳ đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969. Đan kết vào trục chính các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ấy là các hành động kịch diễn ra ở các nước Pháp, Mỹ... và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tác phẩm là cuộc trình diễn lịch sử đấu tranh dân tộc của Việt Nam bằng nghệ thuật sân khấu. Trong đó, tiến trình phát triển lịch sử được khắc họa độc đáo qua nhiều tuyến nhân vật, đặc biệt, nhân vật Chủ tịch Hồ Chí Minh là trung tâm kết nối, gìn giữ, phát huy tinh hoa dân tộc.
Vở diễn được khởi công và tập luyện trong vòng một tháng tới và sẽ sớm ra mắt khán giả trên sân khấu nhà hát Kịch Việt Nam. Đạo diễn, biên kịch cho vở “Người đi dép cao su” là TS. Lê Mạnh Hùng.
Long Phạm T.H / Báo Lao Động