Ngày Hiến pháp đánh dấu sự ra đời của nền dân chủ Đan Mạch. |
Trả lời phỏng vấn báo Thế giới & Việt Nam, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen đã nêu bật tầm quan trọng của Ngày Hiến pháp Đan Mạch, đánh giá cao quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm khi là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Xin Đại sứ giới thiệu đôi nét về Ngày Hiến pháp Đan Mạch và tầm quan trọng của ngày này đối với người Đan Mạch?
Ngày Hiến pháp gần như là Ngày Quốc khánh của người Đan Mạch. Được tổ chức vào ngày 5/6 hằng năm, ngày này nhằm tôn vinh Hiến pháp Đan Mạch vì cả Hiến pháp đầu tiên năm 1849 và Hiến pháp sửa đổi năm 1953 đều ra đời vào ngày này.
Ngày Hiến pháp rất quan trọng đối với người Đan Mạch vì đánh dấu sự ra đời của nền dân chủ Đan Mạch. Sau nhiều thế kỷ của chế độ quân chủ chuyên chế (1660-1849), Hiến pháp đầu tiên do Vua Frederik VII ký vào năm 1849 đã đưa Đan Mạch chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến.
Ngày 5/6 còn đặc biệt ý nghĩa vì hầu như tất cả các sửa đổi quan trọng của Hiến pháp Đan Mạch đều diễn ra vào chính ngày đó. Ví dụ như phụ nữ Đan Mạch được trao quyền bỏ phiếu vào ngày 5/6/1915. Việc bãi bỏ Thượng viện, tạo ra quốc hội đơn viện, diễn ra vào ngày 5/ 6/1953. Một đạo luật kế vị sửa đổi cũng được thông qua vào ngày này năm 1953.
Mặc dù 5/6 không phải là ngày nghỉ lễ chính thức, nhưng nhiều công nhân Đan Mạch được nghỉ một nửa, hoặc đôi khi cả ngày công, để kỷ niệm Ngày Hiến pháp.
Trọng tâm của Hiến pháp là các nguyên tắc về quyền bầu cử cũng như quyền tự do ngôn luận, tôn giáo, lập hội và hội họp. Chúng tôi coi đây là những quyền cơ bản không chỉ của người dân Đan Mạch mà còn của người dân trên toàn thế giới. Những giá trị này cũng là những gì chúng tôi tin tưởng nhằm tạo nên một xã hội hiện đại, hiệu quả, nhân ái và đáng tin cậy nhất.
Vậy Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam làm gì để quảng bá nhiều hơn về đất nước và văn hóa Đan Mạch đến người dân Việt Nam?
Cách đây 51 năm vào năm 1973, Đan Mạch và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Chúng tôi rất tự hào khi hầu hết người Việt Nam đều biết tới Đan Mạch thông qua nhà văn H.C. Andersen và coi đây là một quốc gia có người dân thân thiện, nồng hậu và luôn sẵn sàng hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn người Việt Nam biết đến Đan Mạch là một quốc gia hiện đại và đi đầu trong việc theo đuổi các giải pháp xanh, bền vững và là một trung tâm văn hóa sôi động ở châu Âu.
Việt Nam là một đối tác quan trọng của Đan Mạch trong quá trình chuyển đổi xanh. Trong 15 năm qua, chúng tôi đã chia sẻ với các đối tác Việt Nam nhiều kinh nghiệm và giải pháp đã chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh thông qua các dự án và hoạt động thương mại khác nhau trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, an toàn thực phẩm, các thành phố bền vững và đáng sống…
Với Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam-Đan Mạch (DEPP), sự hợp tác giữa hai nước hiện đang tập trung vào việc hỗ trợ chuyển đổi xanh của ngành năng lượng Việt Nam.
Chúng tôi đã tham gia chặt chẽ vào trao đổi chính sách và kỹ thuật với các đối tác Việt Nam trong nhiều khía cạnh khác nhau của quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, bao gồm cả việc xác định các khoản đầu tư tiềm năng vào năng lượng tái tạo, các sáng kiến tiết kiệm năng lượng nhằm tiết kiệm chi phí và bảo đảm tính bền vững lâu dài.
Có thể khẳng định rằng, văn hóa và giao lưu nhân dân là một trong những cách tốt nhất để tăng cường hiểu biết của người Việt Nam về Đan Mạch, về văn hóa và cuộc sống của người dân đất nước chúng tôi và ngược lại.
Trong 20 năm qua, chúng tôi đã đưa các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà làm phim, vũ công người Đan Mạch… đến Việt Nam để tham gia nhiều dự án với nghệ sĩ Việt Nam, tham gia các lễ hội và sự kiện văn hóa.
Đặc biệt kể từ năm 2015, chúng tôi tổ chức thường niên Tuần phim Đan Mạch, giới thiệu đến khán giả Việt các bộ phim đương đại Đan Mạch được tuyển chọn kỹ lưỡng. Tuần phim Đan Mạch diễn ra ở các thành phố khác nhau như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng mừng là phim Đan Mạch thường được khán giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt.
Đại sứ Đan Mạch Kim Højlund Christensen và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh tại lễ khai mạc Tuần phim Đan Mạch 2019 tại Đà Nẵng. (Nguồn: ĐSQ Đan Mạch tại Việt Nam) |
Nhiệm kỳ Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam của ông bước sang năm thứ 4. Ông có thể chia sẻ những ấn tượng của mình khi sống và làm việc tại Việt Nam?
Cá nhân tôi rất ấn tượng trong các cuộc tiếp xúc hàng ngày với người Việt Nam. Tôi thấy người Việt Nam luôn nở nụ cười thân thiện và những người tôi tiếp xúc đều siêng năng, chăm chỉ và hiểu biết.
Một điều nữa mà tôi nhận thấy rõ là một ngày ở Việt Nam thường bắt đầu rất sớm. Tại Hà Nội, nhiều người bắt đầu ngày mới bằng việc tập thể dục trong công viên hoặc quanh hồ. Khi đến thăm các thị trấn ven biển, nhiều người Việt Nam dậy sớm để tắm biển trước giờ làm việc hàng ngày và trước khi trời nắng nóng.
Trong công việc, tôi rất vui khi được làm việc với các trợ lý người Việt Nam về nhiều chủ đề khác nhau. Đặc biệt, chương trình nghị sự xanh là trọng tâm công việc của tôi ở đây nhằm thúc đẩy không chỉ quan hệ hợp tác giữa hai chính phủ, mà còn hỗ trợ các khoản đầu tư của Đan Mạch vào Việt Nam.
Thật đáng khích lệ khi thấy được động lực quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam theo hướng rõ ràng sau tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào cuối năm ngoái. Điều đó hoàn toàn phù hợp với Chương trình DEPP.
Không những thế, đây cũng là điều mà các nhà đầu tư Đan Mạch đang tìm kiếm, đó là đạt phát thải ròng bằng “0” cho các cơ sở sản xuất xanh, hiện đại. Với suy nghĩ đồng điệu đó, tôi tin tưởng rằng quan hệ song phương vốn đã rất tốt đẹp của chúng ta sẽ còn phát triển thịnh vượng hơn nữa.
Tọa đàm về Triển vọng Năng lượng Việt Nam được tổ chức nhân dịp công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 vào ngày 2/6. (Nguồn: ĐSQ Đan Mạch tại Việt Nam) |
Cuối cùng, tôi muốn nói thêm rằng tôi rất vui khi được tìm hiểu về đất nước Việt Nam trong vài năm qua. Tôi đã đi từ Bắc vào Nam theo nghĩa đen và tôi rất ấn tượng với vẻ đẹp, sự đa dạng cảnh quan ở đất nước Việt Nam.
Giờ đây, với quyết định sống chung với Covid-19, tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ giành lại đúng vị trí của mình như một điểm đến du lịch hấp dẫn. Với người dân thân thiện, dễ mến, cùng ẩm thực và cảnh quan tuyệt vời, Việt Nam hội tụ đủ mọi yếu tố để thành công trong lĩnh vực này.
Đan Mạch là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2019-2021, trong khi Việt Nam ứng cử vào vị trí này nhiệm kỳ 2023-2025. Vậy Đan Mạch có thể chia sẻ kinh nghiệm gì với Việt Nam?
Bảo đảm nhân quyền là một cam kết quan trọng đối với Đan Mạch cả ở trong nước và quốc tế. Chúng tôi tự hào rằng vào năm 2018, Đan Mạch đã được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2019-2021.
Tư cách thành viên UNHRC đã mang lại cho Đan Mạch cơ hội thúc đẩy một số chương trình nghị sự quan trọng về nhân quyền mà Đan Mạch đóng vai trò hàng đầu, bao gồm chống tra tấn, thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái, chú trọng tới mối liên hệ giữa công nghệ mới và quyền con người cũng như thúc đẩy chương trình nghị sự tới năm 2030.
Để hoạt động hiệu quả nhất trong UNHRC ngày càng phân cực, Đan Mạch đã phải cân bằng một cách khéo léo giữa cách tiếp cận mang tính xây dựng, kết nối, sẵn sàng thỏa hiệp, cũng như kiên nhẫn, kiên trì ngoại giao trong suốt các cuộc đàm phán.
Có lẽ là hiển nhiên, nhưng tôi vẫn nhắc lại rằng các đối tác và liên minh là nền tảng của tổ chức đa phương. Trong UNHRC, sự ủng hộ của các thành viên cùng chí hướng là rất quan trọng để thông qua các nghị quyết.
Trong nhiệm kỳ của mình, Đan Mạch cũng là động lực trong tăng cường hợp tác Bắc Âu-Baltic, góp phần giúp nhóm Bắc Âu-Baltic trở thành một trong những nhóm nổi bật nhất của UNHRC.
Một điều quan trọng nữa là tư cách thành viên của UNHRC cần được củng cố bởi sự đối thoại chặt chẽ và liên tục với xã hội dân sự. Do đó, Bộ Ngoại giao Đan Mạch thường xuyên tổ chức các cuộc họp thông tin với các nhóm xã hội dân sự về công việc của Hội đồng trước mỗi kỳ họp hàng năm.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng dù là một quốc gia nhỏ, Đan Mạch vẫn có thể đóng góp vào việc định hình chương trình nghị sự toàn cầu.
Thông qua tư cách thành viên UNHRC, Đan Mạch có cơ hội tác động đến các quyết định của Hội đồng và trở thành đối tác liên quan với các quốc gia khác, các tổ chức Liên hợp quốc và xã hội dân sự.
Nói cách khác, chúng tôi nhận thấy rằng tư cách thành viên của UNHRC đã mang lại cho Đan Mạch tiếng nói mạnh mẽ hơn và tác động lớn hơn nhiều so với những gì chúng tôi có thể có.
Xin cảm ơn Đại sứ!
N.Nghiêm/th