Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel. Ảnh: AP. |
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel nhận định như trên trong cuộc họp báo qua điện thoại hôm 10/6 từ Yangon, Myanmar. Dưới đây là những câu hỏi từ báo chí Việt Nam và quốc tế dành cho ông Russel trong cuộc họp này.
- Tổng thống Barack Obama từng cảnh báo sự gây hấn ở các nơi, như tại Biển Đông, có thể khiến Mỹ phải có hành động quân sự, vậy mức căng thẳng giới hạn nào sẽ khiến Mỹ can thiệp hoặc gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông?
- Bài phát biểu của Tổng thống Obama tại West Point tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ và những câu hỏi trong việc sử dụng quân lực. Đó là bài phát biểu khái quát, đưa ra hàng loạt nguyên tắc và một cấu trúc nhưng không chỉ rõ kịch bản, tình hình cụ thể, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại Malaysia và Philippines, hai điểm dừng chân trong chuyến thăm châu Á hồi tháng 4, ông Obama đã nói rất trực tiếp về vấn đề Biển Đông. Các bài phát biểu của Tổng thống Obama, Ngoại trưởng John Kerry và mới đây là Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri- la, nhấn mạnh vào hai yếu tố chính.
Thứ nhất, Mỹ là một cường quốc ở Thái Bình Dương. Các đồng minh an ninh của Mỹ cùng sự hiện diện của quân đội Mỹ trong nhiều thập niên qua đã duy trì hòa bình trong khu vực, tạo các điều kiện cho phép tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và chính trị. Trung Quốc, Việt Nam, các quốc gia còn lại trong khu vực trong những năm qua được hưởng lợi từ sự hiện diện quân sự của Mỹ và hệ thống các khối liên minh. Tôi tin họ sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong tương lai bởi những cam kết và mục đích của Mỹ không phải để kích động chiến tranh. Đó là để ngăn chiến tranh.
Thứ hai, Mỹ muốn nói rằng trong thế kỷ 21, tại khu vực năng động và quan trọng về kinh tế ở châu Á, không có lý do nào mà tranh chấp lại không thể giải quyết một cách hòa bình. Đó là sự tập trung vào giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao, phù hợp với luât pháp quốc tế, hình thành khuôn khổ các cuộc thảo luận mà ASEAN và các nước khác đã tiến hành trong thời gian vừa qua.
- Ông bình luận gì về lo ngại Trung Quốc có thể di chuyển giàn khoan về phía nam, tới quần đảo Trường Sa, hoặc sớm thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông?
- ADIZ ở quần đảo Trường Sa hoặc Biển Đông vẫn là một giả thiết. Điều này chưa xảy ra và nó không nên xảy ra. Tôi rất hy vọng rằng nó không xảy ra. Thông thường, vào thời điểm mà căng thẳng trong khu vực đang ở mức cao, các bên liên quan nên, và phải, kiềm chế. Tôi nghĩ rằng sự kiềm chế và thận trọng nên là những yếu tố chi phối hành vi của tất cả các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là những bên có tranh chấp ở Biển Đông.
- Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tải lên website một tài liệu với tiêu đề "Hoạt động của giàn khoan HYSY981 - - Sự khiêu khích và căng thẳng trong khu vực". Tài liệu này có giúp ích cho ngài hiểu thêm về bối cảnh khu vực không?
- Tôi đã thấy tài liệu đó và đọc nó với sự quan tâm. Quan điểm của Mỹ là chúng tôi không đứng về phía Trung Quốc hay Việt Nam trong những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi không đánh giá tuyên bố của Trung Quốc mạnh hơn hay của Việt Nam mạnh hơn.
Việt Nam và Trung Quốc đều khẳng định tuyên bố chủ quyền của họ là không thể tranh cãi. Rõ ràng, Việt Nam không chấp nhận những tuyên bố của Trung Quốc và Trung Quốc cũng vậy. Việt Nam đã duy trì các tuyên bố chủ quyền trong một thời gian dài. Hơn nữa, Việt Nam cũng khai thác dầu khí ở khu vực này, nơi Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế, tính từ đường cơ sở của họ.
Có một sự đồng thuận rằng các quốc gia nên phối hợp hành động trong khu vực nhạy cảm để giải quyết những khác biệt. Tôi nhấn mạnh trong các cuộc họp chung cũng như song phương với Việt Nam và Trung Quốc rằng, quan điểm của Mỹ là cả hai bên cần giảm căng thẳng. Hai bên cần kiềm chế, đồng thời đảm bảo hành vi và hoạt động các tàu là an toàn.
Khuyến nghị của tôi là Trung Quốc nên rút giàn khoan ra khỏi Biển Đông, cả Trung Quốc và Việt Nam nên rút tất cả tàu về. Không phải vì Mỹ có quan điểm ai đúng ai sai trước các yêu sách của mình, mà vì cách làm đó sẽ tạo không gian cho tiến trình ngoại giao, giải quyết căng thẳng
- Mỹ quan ngại như thế nào về sự leo thang gần đây của Trung Quốc trong việc khai hoang ở khu vực quần đảo Trường Sa? Mỹ đánh giá hành động của Trung Quốc nhằm thực hiện quyền kiểm soát với khu vực tuyên bố chủ quyên này ở mức nào?
- Đã có nhiều bài viết phản ảnh về các hoạt động ở Biển Đông như cải tạo đất đai, xây dựng tiền đồn quân sự. Điều này đi quá xa so với quy định duy trì nguyên trạng, đặc biệt là hiện trạng, mà Trung Quốc cùng với 10 nước ASEAN cam kết trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. DOC còn quy định các bên cần kiềm chế, không chiếm đóng những thực thể không có người ở, nói cách khác là cam kết duy trì mọi thứ y nguyên.
Chắc chắn những hành động trên trên không phù hợp với mục đích tạo thuận lợi cho việc đàm phán, nhanh chóng tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Đó là cam kết mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, ASEAN và Trung Quốc đã thực hiện và tái khẳng định.
Biển Đông và các tuyến hàng hải nơi đây có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Biển Đông là nơi có nguồn thủy sản, trữ lượng dầu mỏ và các loại khoáng sản phong phú. Thế giới cần sự tự do trên các tuyến hàng hải này. Thế giới cần các nguồn tài nguyên trong khu vực được quản lý một cách có trách nhiệm và bền vững.
Mỹ không phải là một bên tranh chấp và không hưởng lợi từ biện pháp giải quyết cuối cùng trong tranh chấp lãnh thổ. Những lời khuyên chân thành mà Mỹ gửi tới các quốc gia liên quan là họ nên thể hiện sự kiềm chế và tìm cách hợp tác, giải pháp ngoại giao để dung hòa bất đồng hoặc gạt bỏ chúng.
Ngoại giao là một sự lựa chọn. Sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế là lựa chọn khác. Tuy nhiên, với mỗi lời khuyên đi kèm, chúng tôi đều đưa ra một cảnh báo. Ép buộc hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ là không thể chấp nhận được. Mỹ từng thẳng thắn lên tiếng chỉ trích và lên án những hành động thuộc thể loại đó.
- Làm thế nào các thể chế chung trong khu vực có thể chuyển thông điệp về chủ quyền, ổn định và nếu có thể, có ảnh hưởng tốt hơn đến quan niệm hàng hải của Trung Quốc thông qua việc tạo bầu không khí tích cực?
- Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) cùng các Hội nghị Quan chức cấp cao (SOM) vừa được tổ chức trong những ngày vừa qua. Trung Quốc, 10 quốc gia ASEAN, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Mỹ, Hàn Quốc có thể cùng ngồi lại và thảo luận mang tính xây dựng, thẳng thắn và trực tiếp. Chúng ta có thể lắng nghe ý kiến từ những quốc gia chủ đạo, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, cùng các nước khác đánh dấu một cột mốc trong tiến trình ngoại giao. Chúng ta đều hy vọng cột mốc này sẽ mang lại một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp và hơn nữa là đảm bảo các hành động có trách nhiệm trong khu vực.
Trung Quốc, Việt Nam, Philippines cũng như các quốc gia có liên quan không chỉ có cơ hội để đưa ra lập luận mà còn được nghe ý kiến từ nước khác. Tôi không phải người ngây thơ hay lãng mạn. Tôi không tin rằng chỉ cần nghe và lập luận phản bác có thể giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, điều này là quan trọng đối với chính phủ các nước, giúp họ thu thập đủ thông tin để đánh giá ảnh hưởng từ một quyết định đến quốc gia láng giềng và danh tiếng của họ trên thế giới.
Tôi biết rằng phái đoàn Trung Quốc đã ghi nhận những mối quan ngại đang lan rộng về việc nước này triển khai giàn khoan dầu một cách đột ngột, đơn phương và khiêu khích. Tôi biết họ ghi nhận được sự lo ngại về tiền lệ cư xử trong đó các nước nhỏ hơn bị đe dọa và thách thức. Tôi hy vọng và tin rằng họ cũng ghi nhận những gợi ý mang tính xây dựng do Mỹ cũng như các phái đoàn khác đưa ra trên tinh thần thỏa hiệp chứ không phải lên án.
Đó là một ví dụ cho thấy các diễn đàn quốc tế đang đóng góp vào việc tăng cường liên lạc và thúc đẩy hiểu biết. Vấn đề còn lại là xem xét hiệu quả của những diễn đàn này. Chúng tôi tin rằng khu vực này có thể làm nhiều hơn trong việc phát triển các thể chế có khả năng thiết lập các quy tắc và đảm bảo được các nước tuân theo.