(Vietpeace) Nói đến Đối ngoại Nhân dân-một kênh hoạt động ngoại giao của Việt nam, chúng ta nhớ nhất đến những thành công trong những năm kháng chiến để giành độc lập cho đất nước.
Nhân dân Thế giới biểu tình phản đối chiến tranh tại Việt Nam
Việc lập được trên thực tế một mặt trận rộng khắp trên thế giới ủng hộ nhân dân ta chống xâm lược đã trở thành di sản vô giá về những chủ trương đúng đắn của Việt Nam, một nước nhỏ, đã biết huy động mọi nguồn lực đoàn kết và giúp đỡ quốc tế, kết hợp với nhân tố quyết định là“sức mình” để giành chiến thắng đối với các thế lực mạnh hơn gấp bội. Các kinh nghiệm hoạt động ngoại giao nhân dân trong thời kỳ đó tiếp tục nóng hổi cho thời nay khi đất nước ta, tuy đã chuyển qua giai đoạn mới với ưu tiên cao nhất cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nhưng vẫn đứng trước những nhu cầu cấp thiết về bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
40 năm nay từ sau chiến tranh, đất nước đã chuyển vào thời kỳ mới, tuy nhiên trên thực tế Việt Nam mới được hưởng hòa bình thực sự trong không đầy 25 năm từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi chúng ta từng bước ra khỏi sự bao vây cấm vận và các cuộc chiến tranh phía Tây Nam và phía Bắc. Những thành quả đạt được về phát triển và bảo vệ an ninh đất nước trong 4 thập niên qua cũng gắn với việc kiên trì thực hiện phương châm đối ngoại Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, mà biểu hiện rõ ở sự phát triển của Đối ngoại Nhân dân. Thông qua “cuộc chiến chiếm trái tim” của nhân dân các nước, Việt Nam tiếp tục nhận được những sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước mình từ phía bạn bè, đối tác quốc tế. Hàng năm giá trị viện trợ theo kênh dân gian vẫn giữ ở mức cao với hàng tỷ đồng, nhưng quan trọng hơn, tình cảm hữu nghị và mong muốn hợp tác với Việt Nam ngày càng gia tăng. Tôi nhớ mãi hình ảnh hai người mẹ, một người Mỹ và một người Việt Nam, đều mất con trai duy nhất trong chiến tranh, đã ôm nhau rơi lệ trong chuyến thăm Việt Nam của đoàn “Tổ chức Cây Hòa bình” Mỹ sang giúp xây dựng trường học cho các em nhỏ ở Quảng Trị. Ngoại giao nhân dân phải là cầu nối tích cực nhất từ trái tim đến trái tim Việt-Mỹ để tiến tới hòa giải hoàn toàn; để người Mỹ tự thấy phải có trách nhiệm nhân văn tích cực hơn trong hợp tác với phía Việt Nam nhằm khắc phục tối đa có thể những hậu quả chiến tranh như loại bỏ hệ quả của chất độc Da cam, rà phá bom mìn.., để quan hệ giữa hai nhân dân và hai nước đã là “đối tác toàn diện” được phát triển bền vững dựa trên một nền tảng của sự cảm thông, hữu nghị, hợp tác chân thành và bình thường hóa hoàn toàn. Nhân lên những việc làm của các cựu binh Mỹ, các tổ chức xã hội và phi chính phủ trong các dự án nhân đạo, hợp tác tích cực với Việt Nam để khắc phục các vấn đề do chiến tranh để lại, kể cả các đóng góp của họ vào tìm kiếm hài cốt các chiến sỹ đã hy sinh của Việt Nam, là những bậc thang của tiến trình đó. Những giòng khách quốc tế đến du lịch, kết bạn và hợp tác với Việt Nam ngày càng đông. Và điều quan trọng là gia tăng số đoàn của giới trẻ các nước thăm Việt Nam như một biểu hiện của sự hấp dẫn về uy tín và hình ảnh đất nước đang phục vụ cho tương lai. Đối ngoại Nhân dân đã không ngừng được mở rộng trên cả nước với sự tham gia của người dân mọi giới xã hội và các địa phương.
Trước các yêu cầu mới của thời kỳ “Hội nhập Quốc tế”, Đối ngoại Nhân dân Việt Nam cần đổi mới hơn nữa về nội dung và nhất là phương cách hoạt động để đạt hiệu quả cao hơn, với nhận thức rằng không chỉ nhu cầu của đất nước đã thay đổi mà điều kiện và xã hội quốc tế cũng đã có nhiều biến đổi cơ bản.
Đất nước đi vào thời kỳ “Hội nhập Quốc tế” đồng nghĩa với sự tham gia của toàn dân, của mọi giới và địa phương vào đối ngoại của đất nước nhằm các mục tiêu mở rộng hợp tác quốc tế vì phát triển và an ninh. Năm 2015 này không gian phát triển của Việt Nam sẽ được rộng mở chưa từng có với sự tham gia của nước ta vào các khu vực mậu dịch tự do có tỉ lệ O% thuế quan trên đa số các mặt hàng và dịch vụ. Nước ta sẽ là thành viên của một Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành lần đầu tiên trong lịch sử khu vực. Trong khi đó, môi trường an ninh và công cuộc bảo vệ độc lập chủ quyền vẫn còn nhiều mối đe dọa nghiêm trọng, nhất là từ phía Biển Đông. Thế giới thì biến đổi khôn lường, và Việt Nam ta như ở trong một tâm điểm của sự tranh chấp lợi ích của các nước lớn ở Đông Nam Á. Các cường quốc lại đang ra sức tận dụng “Ngoại giao công chúng” để đạt các mục tiêu của họ.
Hơn bao giờ hết, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ cần được nâng lên mức mới trong kênh Đối ngoại Nhân dân. Sự mở rộng tiến trình hội nhập quốc tế đồng nghĩa với sự tăng vọt số lượng và tính đa dạng của các đối tác và nguồn lực. Ở đây tôi muốn đề cập đến sự đổi mới bằng điều thường gặp.Trong các tiếp xúc với các bạn bè quốc tế, có người Việt chúng ta vẫn tỏ ngạc nhiên hay thậm chí “khó chịu” khi khách nước ngoài hỏi “Mục đích chuyến đi (hay cuộc gặp” của bạn là gì vậy ?” bởi lẽ thường ta đã có nếp nghĩ vì cần nhau thì mới đến gặp nhau, vậy hỏi làm gì về mục đích! Nhưng sự việc đã không đơn giản như vậy. Cái khác nhau chính là ở cách suy nghĩ, chuẩn bị chu đáo, đến nơi đến chốn nhằm đạt kết quả cho mỗi cuộc gặp gỡ hay hoạt động của phía ta với các bạn bè, đối tác, mà về phong cách này, thì người Việt ta còn khác xa nhiều bạn bè quốc tế. Chúng ta thường nói rất giỏi về những điều “chung chung”, “nguyên lý”, nhưng kém xa người về tính cụ thể, thiết thực, nhằm kết quả cuối cùng của công việc. Và với lối tư duy đó, hành động thường nửa vời, dễ thỏa mãn, và ngắn hạn! Cái truyền thống và “sức làm việc đến cùng” trong thời chiến, cái thời mà chúng ta tranh thủ từng người nước ngoài cụ thể như đã suy giảm quá nhiều trong thời bình. Không có người nước ngoài nào đến Việt Nam lại không có lợi ích, mục tiêu mong muốn đạt được. Và nếu các đoàn ta đi thăm khảo sát nước ngoài tìm đối tác thì phải có người lo “duy trì và bảo dương” các mối liên hệ cho đến khi được việc. Vậy câu chuyện về mục đích không chỉ là nhắc nhở bản thân chúng ta về cách làm việc, vấn đề đi kèm là cần hiểu biết kỹ về đối tác, về những điều họ đang mong muốn khi họ đến hoặc gặp gỡ với phía ta. Chỉ có thể đạt hiệu quả công việc khi ta chuẩn bị chu đáo các cuộc gặp gỡ, đón tiếp bám sát mục đích rõ rệt. Để có thông tin thời nay cần sử dụng tổng hợp nhiều kênh và mạng quan hệ quốc tế cũng như sự phối hợp thường xuyên giữa các lực lượng, địa phương trong nước về đối ngoại nhân dân.
Phương cách trong quan hệ quốc tế cũng không khác gì là công nghệ trong phát triển kinh tế. Với các phương tiện kỳ diệu của cách mạng thông tin, sự tiếp xúc đến từng cá nhân con người dù “cách xa ngàn dặm” vẫn dễ dàng và nhanh chóng được thực hiện. Và sức mạnh của đối ngoại nhân dân trong điều kiện này là ứng dụng rộng rãi hơn nữa các phương tiện đó để cung cấp thông tin chất lượng và đúng đối tác. Chúng ta do nhiều nguyên nhân mà sự ứng dụng này đang quá chậm. Mặt khác, tùy từng đối tác khác nhau về các mặt, nhất là về văn hóa và trình độ phát triển, cần hướng sự đổi mới về phương cách phù hợp đến từng tộc người ở từng nước cụ thể. Dân chúng các nước lớn thường dễ tác động bằng chính những người của nước họ truyền đạt lại thông tin. Nói với dân Mỹ có hiệu quả hơn là thông qua chính người Mỹ (nên vận động hậu trường đã thành một nghề); người Nhật chỉ muốn biết về thế giới hay đi du lịch thông qua các quảng cáo bằng tiếng Nhật. Người Việt ta thì như đang mắc bệnh “chuộng ngoại”! Theo đây, xây dựng một mạng lưới bạn bè thông hiểu nhau thật cần thiết cho việc tiến hành các cuộc vận động và mở rộng đối ngoại nhân dân. Kho dữ liệu thông tin về mạng quan hệ vì vậy là không thể thiếu và cần được thường xuyên bổ sung, cập nhật.
Đổi mới tiếp theo của Đối ngoại Nhân dân là về ưu tiên các lĩnh vực hoạt động. Hàng chục năm trong thời đấu tranh vì giải phóng, ưu tiên gần như tuyệt đối của lĩnh vực hoạt động này là làm sao tranh thủ được tình đoàn kết hữu nghị của mọi tầng lớp nhân dân các nước đối với sự nghiệp đó của Việt Nam. Ngày nay bản thân nhu cầu cấp bách về phát triển nhanh chóng kinh tế-xã hội đất nước đã xác định các lĩnh vực, vấn đề và đối tác ưu tiên đó. Đối ngoại nhân dân phải là qua kênh dân gian đóng góp vào mở rộng sự hợp tác cùng có lợi vì phát triển giữa Việt Nam và các nước. Cái quán tính trông chờ ở sự “giúp đỡ”, “viện trợ”một chiều lâu nay khi làm việc với các đối tác cần được thay thế bằng nỗ lực đưa ra các dự án có thể hợp tác vì cùng phát triển. Kết quả hoạt động mà chưa nhằm mục tiêu thúc đẩy hợp tác là chưa đúng hướng và đúng tầm.
Điều quan trọng bao quát, nhưng chưa phải là nội dung cuối cùng khi nói đến đổi mới vào thời điểm này, là nhu cầu tạo ra một bước chuyển mới về nhận thức tầm quan trọng của kênh đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới. Và trên cơ sở đó cần thực hiện các biện pháp có tính đột phá về đầu tư nguồn lực, về tổ chức và đào tạo lực lượng, và nhất là tìm các phương cách hoạt động mới. Khi môi trường quốc tế đã có nhiều thay đổi căn bản thì không thể cứ theo lối nghĩ và cách làm “cải tiến thêm tý nữa”mà được. Ngoại giao nhân dân đang còn rất nhiều tiềm năng mở rộng đối tác và lĩnh vực hợp tác, và việc khai thác chúng đòi hỏi một tầm nhìn mới đi liền với tổ chức được những đội ngũ nòng cốt có năng lực cao về hội nhập và khả năng thu hút sự hợp tác, và phải rất năng động. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các Hội thành viên hiện đang nỗ lực cho các hướng đổi mới đó.
Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến PCT Liên hiệp Hội, Chủ tịch Hội Việt-Mỹ.