
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác đối ngoại nhân dân là một giải pháp quan trọng nhằm phát triển đa dạng mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới, là một phương cách khai thác mối quan hệ nhân dân trong nhiều hoàn cảnh, là tiền đề và cầu nối quan trọng phát triển quan hệ phi chính phủ, dẫn đến quan hệ chính thức giữa các chính phủ. Công tác đối ngoại nhân dân thời kỳ này đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện đường lối chính sách đối ngoại kháng chiến; trước hết là vận động quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam với phương châm “làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết”.
Cương lĩnh chính trị năm 1930 của Đảng khẳng định: Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của Cách mạng thế giới, "liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản trên thế giới nhất là với quần chúng vô sản Pháp". Nhận thức được việc giành chính quyền đối với một Đảng mới ra đời trong một đất nước thuộc địa rất cần đến sự ủng hộ của nhân dân thế giới, nhất là nhân dân Pháp và nhân dân các nước thuộc địa, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng đến việc tranh thủ tình cảm hữu nghị, sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân các nước đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta, xây dựng quan hệ hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước. Đồng thời, Đảng ta cũng thể hiện rõ sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa, phụ thuộc ở châu Á, Phi, Mỹ Latinh, chủ trương gắn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta với việc góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của nhân dân thế giới chống Chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, ủng hộ Liên Xô, cách mạng Trung Quốc, ủng hộ Mặt trận Nhân dân Pháp và tranh thủ sự ủng hộ của Mặt trận này đối với cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân ta.
Để hỗ trợ thực hiện chính sách đối ngoại đối với Mỹ qua con đường đối ngoại nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thành lập Việt - Mỹ thân hữu hội ngay sau khi Cách mạng tháng 8 thành công,
Ngày 21/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và nhân dân các nước Đồng minh tố cáo chính sách lật lọng của thực dân Pháp phá hoại Hiệp định sơ bộ 06/3/1946, Tạm ước 14/9/1946; gửi Lời kêu gọi đến Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an tháng 12/1946 nêu rõ nguồn gốc và tình hình cuộc chiến tranh ở Đông Dương và đề nghị ủng hộ việc vãn hồi hoà bình ở Việt Nam.
Đầu năm 1950, nước ta giành thắng lợi lớn về chính trị, ngoại giao: Trung Quốc, Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân Đông Âu, Mông Cổ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 11/2/1950, Hội Việt - Hoa hữu hảo (tiền thân của Hội hữu nghị Việt - Trung ngày nay) được thành lập do đồng chí Hồ Tùng Mậu làm Hội trưởng; ngày 23/5/1950, Hội hữu nghị Viêt - Xô được thành lập. Đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhiều hội hữu nghị với các nước XHCN bắt đầu được thành lập. Một số cán bộ được cử đi công tác ở bộ phận thường trực của các tổ chức dân chủ quốc tế (thanh niên, sinh viên, công đoàn…); nhiều đoàn đại biểu nhân dân đi thăm các nước bạn và tham dự các hội nghị quốc tế…
Tháng 4/1949, Hội đồng Hòa bình thế giới ra đời (Việt Nam được coi là một trong những nước tham gia sáng lập) cùng với hàng loạt các tổ chức hòa bình khác ở nhiều nước. Để tích cực hưởng ứng và góp phần vào phong trào hoà bình thế giới, trong lúc nhân dân ta đang kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thành lập Uỷ ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam vào ngày 19/11/1950.
Sự ra đời của Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam (đổi tên thành Ủy ban Hòa bình Việt Nam tháng 5/1988), một trong những tổ chức chính trị - xã hội đầu tiên được thành lập để hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân, gắn sự nghiệp bảo vệ hoà bình, độc lập của nhân dân ta với sự nghiệp bảo vệ hoà bình trên thế giới.
Trong khi quan hệ ngoại giao chính thức của nước ta với các nước còn hạn chế, các đại biểu của Uỷ ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hòa bình ở các nước XHCN và các nước Tây Âu sử dụng diễn đàn của Hội đồng Hòa bình thế giới để nêu cao sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của phong trào hòa bình thế giới, nâng cao vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.
Năm 1953, Đại hội Hòa bình Việt Nam lần thứ hai đã họp tại Việt Bắc nhằm quán triệt tình hình nhiệm vụ mới, đề ra kế hoạch hoạt động vì hòa bình ở ngoài nước và trong nước phục vụ cho giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước, Đại hội đưa ra chủ trương “thêm bạn bớt thù”, hoạt động đối ngoại tập trung vào việc xây dựng,củng cố quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước xa gần, vận động nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Một trong những định hướng quan trọng của công tác đối ngoại và vận động quốc tế của ta trong thời kỳ này là đoàn kết với phong trào nhân dân Pháp đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, hoà bình và chống chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương. Tháng 7/1950, ta đã mời đồng chí Léo Figuères, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, Nghị sĩ Quốc hội Pháp, Tổng thư ký Hội Liên hiệp sinh viên Pháp, Phó Chủ tịch Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới, sang thăm vùng tự do Việt Bắc nhằm làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, cuộc chiến tranh bẩn thỉu của thực dân Pháp ở Đông Dương và dấy lên phong trào chống chiến tranh ngay trên đất Pháp. Tiêu biểu cho các phong trào chống chiến tranh của Pháp ngay trong lòng nước Pháp là vụ bà Raymonde Dien nằm ngang đường ray tại một ga xe lửa ở Paris để ngăn cản một đoàn tàu chở vũ khí sang cho quân đội Pháp ở Việt Nam và người lính hải quân Henri Martin đã phất cờ phản chiến trong hàng ngũ hải quân Pháp.
Từ 1950 đến 1953, chín hội nghị quốc tế bảo vệ hoà bình quan trọng đều ra nghị quyết ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Tháng 10/1953, Đại hội công đoàn thế giới lần thứ III với sự tham gia của đại biểu 79 nước đã quyết định lấy ngày 19-12, Ngày toàn quốc kháng chiến của Việt Nam, làm “Ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam”.
Như vậy, hoạt động đối ngoại nhân dân giai đoạn 1945 - 1954 đã phối hợp và phục vụ tích cực cho mặt trận quân sự, mặt trận chính trị và ngoại giao góp phần quan trọng tạo nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như việc ký kết thành công Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia.
NN