Chết để Việt Nam đi tới
Không chỉ có những người làm công tác đối ngoại nhân dân, mà ngay cả những người trẻ như chúng tôi cũng dễ dàng nhận ra ngay từ những phút đầu bức tranh sơn dầu nhân vật Norman Morison (1933-1965). Bởi trong cuốn sách lịch sử ngay từ bậc tiểu học, chúng tôi đã được nghe câu chuyện về ông, về người cha biến mình thành ngọn đuốc sống phản đối chiến tranh ở Việt Nam.
Triển lãm ảnh sơn dầu của họa sỹ Đức Huy về những bạn bè quốc tế.
Dưới nét vẽ của họa sĩ Đức Huy, mái tóc đen bóng được chải gọn về phía sau, đôi mắt sáng, hơi sâu là điểm nhấn của toàn bức tranh. Ông được nhiều người Việt Nam biết đến nhất là năm 1965, khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam và dùng không quân đánh phá các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Ông đã nhiều lần xuống đường biểu tình phản đối. Nhưng cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam ngày một khốc liệt hơn, ông nghĩ rằng khẩu hiệu, băng rôn và các cuộc tuần hành không làm những nhà cầm quyền chú ý thì phải dùng tới biện pháp cuối cùng: "Ngọn lửa của thân thể mình!" Thời điểm đó, ông có vợ và hai con gái (cháu bé Emily mới mười tám tháng tuổi). Chiều 2/11/1965, ông đưa cháu bé Emily đến sát Lầu Năm góc, phía dưới văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, bên dòng sông Pôtômác. Sau khi viết thư gửi lại cho vợ, ông để cháu Emily ra xa rồi tưới xăng, châm lửa tự thiêu. Ánh lửa bùng lên như một thông điệp của người dân Mỹ đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Lấy thân mình làm ngọn đuốc sống phản đối chiến tranh ở Việt Nam không chỉ có Norman Morison, bà Alice Herz (25/5/1882-16/3/1965) một góa phụ người Đức gốc Do Thái cũng là một người chọn cái chết để đòi hòa bình trên đất nước Việt Nam. Là một trong số 4 người bạn quốc tế là nữ, so với bức tranh gốc, bức tranh sơn dầu của họa sĩ Đức Huy vẫn giữ nguyên được nét đẹp từ mái tóc xoăn vào nếp, gương mặt thanh tú, tri thức của một nhà giáo.
Để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam bà đã sử dụng các phương pháp khác nhau như viết bài kêu gọi, mit tinh tuần hành, biểu tình… Năm 1965, sau khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc và đổ quân vào miền Nam Việt Nam, bà đã tự thiêu ở Detroit - Michigan vào ngày 16/3/1965 để phản đối cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ.
Trong thư gửi cho con gái, bà viết: "Mẹ chọn cái chết tỏa sáng của một Phật tử để phản đối một nước lớn đang cố tiêu diệt một nước nhỏ mà chẳng vì một lý do gì cả". Cái chết của bà đã gây tiếng vang lớn trong dư luận quốc tế, dâng lên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân các nước trên thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.
Mái tóc vàng ruộm, nụ cười tươi là những nét vẽ về bà Raymonde Dien (13/5/1929). Cuối năm 1949, biết tin có đoàn tàu chở vũ khí sang Đông Dương sắp đi qua nhà ga thành phố Tua (Pháp), bà đã vận động nhiều người chặn đoàn tàu chở vũ khí. Riêng bà, bà nằm ngang trên đường ray khi tàu vào ga để chặn đoàn tàu. Raymonde Dien - Nữ chiến sỹ hòa bình Pháp, tham gia phong trào chống thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam. Ngày 2/9/2004, bà vinh dự được nhận Huân chương hữu nghị do Nhà nước ta trao tặng. Tên bà hiện được đặt cho một con đường tại quận 7, TP HCM.
Trọn đời dâng hiến
Người đàn ông đến từ xứ sở sương mù ấy có cái tên thực dễ nhớ, trẻ nhỏ mồ côi, tàn tật, các cụ già cô đơn không nơi nương tựa... gần như ai cũng dễ dàng gọi tên ông "Mít Tơ Len". Ông được biết đến với hình ảnh một người Anh luôn hoạt động tích cực, phi lợi nhuận vì mục đích giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ông chính là Len Aldis (1930).
Một cách để người Việt tri ân những người bạn.
Trong bức tranh sơn dầu, ông vẫn xuất hiện với nụ cười hiền hậu làm sáng bừng gương mặt hồng hào và làn tóc bạc trắng như mây. Ông biết và tới Việt Nam từ khi ở tuổi thiếu niên. Trong nhật kí của mình ông đã từng viết: "Tôi sinh ra tại Anh vào một ngày tháng 10 lạnh giá năm 1930, lúc đó chắc cha mẹ tôi cũng như chú bé tí hon vừa chào đời là tôi không thể biết được rằng một phần rất có ý nghĩa của đời tôi lại gắn bó chặt chẽ với đất nước có tên là Việt Nam".
Năm 1989, lần đầu tiên ông đến Việt Nam, chứng kiến nỗi bất hạnh của những người bị nhiễm chất độc da cam. "Phải làm gì hơn nữa cho Việt Nam?" - câu hỏi ấy không lúc nào ngừng day dứt tâm trí Len Aldis. Trở về London sau chuyến đi năm 2000, ông quyết định mở một chiến dịch vận động lớn đòi bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Để khởi đầu, Len cặm cụi viết một loạt bài báo kể lại những gì mắt thấy tai nghe qua các chuyến thăm Việt Nam của chính mình. Tiếp đó là những bức thư ngỏ, có hàng nghìn chữ ký ủng hộ, do Len soạn thảo được đăng tải trên nhiều tờ báo lớn của Anh, Bỉ, Nhật Bản, Pakistan... gửi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, đương kim Tổng thống George Bush, cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara... đòi họ phải chịu trách nhiệm hoặc lên tiếng ủng hộ việc bồi thường cho hơn 1 triệu nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Không có nét của một nhà chính khách, cũng không phải một nhà hoạt động xã hội, ở ông Raymond Aubrac ( 1/7/1914 – 2013) lại có nét trầm ngâm của một người Pháp thầm lặng, giản dị. Với nhân dân Việt Nam, ông Raymond Aubrac được biết đến qua mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những đóng góp của ông với hòa bình của Việt Nam trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước. Ông là một người bạn Pháp thủy chung, đồng lòng sát cánh với nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới của Việt Nam cũng như trong việc vun đắp tình hữu nghị và hợp tác Việt - Pháp.
Ông Fidel Castro, nguyên Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba. Người nổi tiếng với câu nói "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình".
Gắn bó với Việt Nam từ năm 1946, khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris và mời Người ở cùng gia đình trong vòng 3 tháng nhân dịp Chủ tịch sang thăm nước Pháp, ông Aubrac còn là người đã giúp đỡ ký kết Bản thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp (năm 1955); trao đổi thông điệp giữa Hà Nội và Washington để xác định chấm dứt vô điều kiện việc Mỹ ném bom xuống Việt Nam (năm 1967); kêu gọi và góp phần làm chấm dứt ném bom xuống các đê sông Hồng (năm 1972).
Năm 1955 và 1967, ông đã sang Mỹ nhiều lần gặp Ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kurt Waldheim và Giáo hoàng Jean Paul VI để tổ chức các cuộc gặp tìm giải pháp hòa bình cho chiến tranh ở Việt Nam. Ông đã có đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc của Việt Nam. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông đã thuyết phục chính quyền Mỹ cung cấp hồ sơ và bản đồ cài bom, mìn ở hàng rào điện tử Mc Namara (Vĩ tuyến 17) để giúp Việt Nam tháo gỡ bom mìn do quân đội Mỹ cài trong chiến tranh.
Sám hối
Trong số 30 bức tranh sơn dầu những người bạn nước ngoài có đóng góp cho Việt Nam cho lẽ nhiều người Mỹ sẽ nhận ra George Mizo (1945-2002). Không phải ở gương mặt vuông vức, nét mặt đậm chất Mỹ mà bởi trước đây ông đã từng là cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ông là một trong những cựu chiến binh Mỹ sớm thức tỉnh lương tâm, ân hận và muốn được hợp tác góp phần xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân trong chiến tranh trước đây.
Năm 1963, khi còn là sinh viên, ông đã gia nhập quân đội Mỹ với hàm thượng sĩ. Năm 1964, George Mizo được điều sang chiến đấu tại Việt Nam. Tháng 2/1968, Geoge Mizo bị thương lần thứ 3 và được về nước. Được chứng kiến hậu quả nặng nề của cuộc chiến do Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ông quyết định phản chiến, lên tiếng đấu tranh cho hòa bình và tự cam kết dành trọn thời gian còn lại của cuộc đời mình để giúp đỡ người dân Việt Nam. Vì những hoạt động phản đối chiến tranh ở Việt Nam, ông bị quân đội Mỹ đưa ra xét xử ở Tòa án binh.
Sau một thời gian bị bắt giam (1968-1970), George Mizo được trả tự do. Với quyết tâm cao, ông tiếp tục đấu tranh cho tới khi Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (ngày 27/1/1973). Ông là đồng sáng lập Ủy ban Quốc tế Làng hữu nghị Việt Nam năm 1993. Từ 18/3/1998, Làng hữu nghị Việt Nam đã đón những "công dân" đầu tiên; đến nay Làng thường xuyên điều dưỡng luân phiên từ 150 đến 160 người, trong đó có nhiều nạn nhân chất độc màu da cam.
Không chỉ có George Mizo, Kosta Sarantidis (1927), người có tên Việt Nguyễn Văn Lập cũng là người bạn buông súng vì Việt Nam. Bức tranh sơn dầu ông Nguyễn Văn Lập làm nhiều người khó quên bởi đôi mắt buồn.
Ông Norman Morison (1933- 1965), công dân Mỹ đã tự thiêu tại Lầu Năm Góc ngày 2- 11- 1965 để phản đối sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Việt Nam. Hình ảnh ông đưa người con gái Emily tự thiêu vì hòa bình sau vẫn được người Việt biết đến trong bài "Emily, con" của nhà thơ Tố Hữu.
Năm 1943, ông cùng một số thanh niên Hy lạp bị phát xít Đức bắt đi lính và đưa sang Đức. Năm 1944, ông đã bỏ trốn khi bị đưa sang nước Áo. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, ông bị bắt đưa vào trại tập trung ở Italia và tham gia đội lính lê dương theo rủ rê của bạn bè. Năm 1946, ông bị điều sang Việt Nam; được chứng kiến những trận càn, cướp bóc, giết chóc tra khảo dã man của quân đội Pháp, ông đã hiểu ra lẽ phải.
Được tiếp xúc với những người kháng chiến Việt Nam bị bắt và được giác ngộ, ông tìm cách giải thoát cho một chiến sỹ Việt Minh đang bị bắt tên là Lê Trung Biên và 25 chiến sĩ khác vào đêm 2/6/21946. Ông tham gia hàng ngũ Việt Minh ở Liên khu Vày 4/6/1946 với tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập. Cuối 1946, ông được phái đến công tác ở Tuy Hòa và năm 1948 chuyển ra Đà Nẵng làm công tác binh vận.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ông được tập kết ra Bắc, là sỹ quan quân đội phục vụ sân bay Gia Lâm. Sau đó ông chuyển ngành làm phiên dịch tiếng Đức tại nhà máy in Tiến Bộ, lái xe tại mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) rồi ở mỏ than Na Dương, Lộc Bình (Lạng Sơn)… Ông hiện là Chủ tịch Hội hữu nghị Hy lạp - Việt Nam, có nhiều hoạt động đóng góp cho quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân 2 nước.
Muốn về đất Việt sống muôn thu
Bà Sybille Weber (1925-10/10/2008) đã sang Việt Nam trên 20 lần. Các đối tác và bạn bè Việt Nam có nhiều dịp tiếp xúc và làm việc với Bà Weber đều rất quý mến và cảm phục bà vì đi đến đâu bà cũng tranh thủ được tình cảm của mọi người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em, vì bà luôn đồng cảm với họ, lúc nào cũng trăn trở một điều là có thể làm gì để giúp đỡ họ nhiều hơn.
Cuộc đời của bà gắn liền với Phong trào đoàn kết với Việt Nam, đặc biệt là khi tổ chức Hành động giúp đỡ Việt Nam (HAV) được thành lập năm 1965, nhằm vận động quyên góp giúp đỡ vật chất cho nhân dân Việt Nam. Bà liên tục là Tổng thư ký tổ chức HAV cho đến ngày tổ chức này ngừng hoạt động vào năm 2000.
Ngay trong những năm chiến tranh, HAV đã xây dựng được một mạng lưới những người đóng góp thường xuyên cho quỹ đoàn kết với Việt Nam (mỗi tháng chuyển vào tài khoản đoàn kết một khoản tiền nhất định), kể cả những người có thu nhập thấp. Mạng lưới này được duy trì trong suốt hàng chục năm, kể cả sau khi chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Trong 35 năm hoạt động HAV đã quyên góp được khoảng 200 triệu DM/EURO tiền mặt và một khối lượng lớn hàng viện trợ vật chất không thể thống kê hết giá trị ủng hộ Việt Nam. Đặc biệt, HAV là tổ chức duy nhất ở CHLB Đức đã cung cấp nhiều thiết bị y tế và thuốc men quan trọng cho Việt Nam trong chiến tranh (cung cấp phần lớn nhu cầu thuốc ký-ninh chống sốt rét cho chiến trường miền Nam hồi đó). Sau chiến tranh, HAV và cá nhân Bà Weber đã tập trung mọi nỗ lực giúp đỡ Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh với khoảng 100 dự án lớn nhỏ rải khắp các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt ở các tỉnh miền núi, nông thôn và dành cho các đối tượng đặc biệt như phụ nữ, trẻ em ... Thông cảm với những khó khăn của chị em phụ nữ thiếu từ cây kim, sợi chỉ, Bà Weber đã đề xướng dự án viện trợ cho Hà Nội một nhà máy sản xuất kim khâu (5 triệu DM), đây là dự án kinh tế duy nhất của HAV, nhưng cũng mang tính chất xã hội thiết thực. Ngoài ra HAV còn giúp đỡ xây dựng 42 xưởng may ở khắp Việt Nam để tạo công ăn việc làm, trước hết là cho phụ nữ.
Năm 1980 tổ chức HAV và cá nhân bà Weber đã được Nhà nước tặng Huân chương Hữu nghị để ghi nhận những đóng góp to lớn của bạn cho Việt Nam.
Ngày 10/10/2008, bà Sybille Weber đã mất tại CHLB Đức. Trong di chúc để lại bà bày tỏ nguyện vọng thiết tha sau khi mất được yên nghỉ vĩnh hằng tại Việt Nam, nơi trái tim và hoạt động đoàn kết của bà đã gắn bó trọn đời. Ngày14/3/2009, Lễ truy điệu và an táng di hài bà Weber đã được tổ chức rất trọng thể và đầy tình nghĩa sâu nặng tại nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh (nghĩa trang Lạc Cảnh, quận Thủ Đức).
Bà Weber muốn nằm lại trong lòng thành thành phố Hồ Chí Minh, thì ông Milo Roten (15/4/1936 – 25/7/2012) lại muốn được dải tro của mình hòa vào dòng Mêkông sau cả cuộc đời làm các dự án nhân đạo cho trẻ em và nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Mái tóc ánh kim hất ngược lại phía sau. Đôi mắt to sau gọng kính và bộ râu rậm là những nét vẽ về ông Milo Roten. Ông sinh ra tại Thụy Sỹ. Từ năm 1970-1995, ông làm việc tại Tổ chức Terre des Hommes - Đức, chuyên giúp đỡ trẻ em Việt Nam bị thương tật trong chiến tranh. Sau năm 1975, ông đã tiếp nhận và triển khai các dự án của Terre des Hommes tại Việt Nam; khởi xướng và điều phối nhiều dự án viện trợ, đặc biệt dành cho trẻ em và nạn nhân chất độc da cam, các nhà trẻ, trường mẫu giáo, chương trình chỉnh hình và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại Việt Nam với lòng say mê nhiệt tình trong suốt quãng đời làm việc của mình cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 1995.
Tận mắt chứng kiến, giúp đỡ người dân và trẻ em nạn nhân chiến tranh ở Bến Tre trong chuyến đi từ thiện đầu tiên đã khiến ông Milo Roten quyết định gắn bó và dành cả cuộc đời cho các hoạt động từ thiện ở Việt Nam, suốt hơn 40 năm. Công trình cuối cùng mang dấu ấn của ông tại ViệtNam là Trường Mầm non xã Núa Ngam (huyện Điện Biên - tỉnh Điện Biên) vừa được khánh thành vào ngày 28/6/2012.
Ông đã đột ngột từ trần vào ngày 25/7/2012 tại Áo. Và di nguyện của ông trước khi mất là tro thi hài của mình được rải trên một nhánh dòng Mekong đổ ra biển tại tỉnh Bến Tre.
Nói về 30 người bạn qua những bức tranh sơn dầu, ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chia sẻ: "Trong cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất tổ quốc, xây dựng đất nước, chúng ta luôn luôn có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Có thể nói, hàng triệu người trên thế giới đã đoàn kết và ủng hộ Việt Nam. Với tình cảm và đạo lý "uống nước nhớ nguồn" chúng ta luôn nhớ ơn những người bạn quốc tế đó. Đây là lần đầu tiên, trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Liên hiệp chúng tôi hoàn thành 30 bức tranh sơn dầu về những người bạn tiêu biểu nhất ở các châu lục. Những người có câu nói bất hủ, có nghĩa cử đặc biệt, hành động anh hùng hoặc chính cuộc đời họ đã dành cho sự nghiệp đoàn kết với nhân dân Việt Nam chúng ta".