Đối ngoại nhân dân là gì?
Theo cuốn Hoạt động đối ngoại nhân dân Việt Nam (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam biên soạn năm 2003), "Đối ngoại nhân dân là khái niệm để chỉ các hoạt động đối ngoại không thuộc ngoại giao nhà nước và đối ngoại của Đảng, do các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và các cá nhân thuộc mọi tầng lớp nhân dân thực hiện".
Trong thực tiễn mấy chục năm qua ở Việt Nam, "làm" đối ngoại nhân dân một mặt là những tổ chức - và cá nhân thuộc các tổ chức đó - mà đối ngoại chỉ là một phần trong toàn bộ hoạt động của mình, như Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, khoa học - kỹ thuật, văn học - nghệ thuật, nhân đạo - từ thiện…, mặt khác là những tổ chức mà toàn bộ hoạt động đều liên quan đến đối ngoại, thậm chí sinh ra và tồn tại là để làm đối ngoại - như Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và các tổ chức thành viên.
Ngoại giao công chúng
Ở Mỹ, cũng có khái niệm "ngoại giao nhân dân" (people’s diplomacy hoặc people-to-people diplomacy), nhưng thường được hiểu như đồng nghĩa với "ngoại giao công chúng" (public diplomacy).
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ (Từ điển Quan hệ Quốc tế xuất bản năm 1987), ngoại giao công chúng là "những chương trình do chính phủ chủ trì nhằm đưa thông tin đến hoặc tác động vào dư luận công chúng ở các nước khác; công cụ chủ yếu là các xuất bản phẩm, phim ảnh, giao lưu văn hóa, phát thanh và truyền hình". Alan K. Henrikson, Giáo sư môn Lịch sử Ngoại giao trường Đại học Tufts, nói rõ hơn: "Ngoại giao công chúng có thể được định nghĩa, một cách đơn giản, là các quan hệ quốc tế do các chính phủ thực hiện thông qua các phương tiện truyền thông công chúng và các mối liên hệ với đông đảo các thực thể phi chính phủ (các chính đảng, tập đoàn, nghiệp đoàn, công đoàn, cơ quan giáo dục, tổ chức tôn giáo, các nhóm dân tộc thiểu số... kể cả những cá nhân có nhiều ảnh hưởng) nhằm tác động vào chính sách và hành động của các chính phủ khác".
Ngoại giao công chúng.
Ngoại giao công dân
Ở Mỹ, còn có khái niệm "ngoại giao công dân" (citizen diplomacy). Theo từ điển mở Wikipedia, đó là "sự tham gia của người dân bình thường với tư cách đại diện một nước hoặc một sự nghiệp, một cách vô tình hoặc cố ý", hoặc "sự tham gia của các cá nhân công dân Mỹ vào những chương trình và hoạt động chủ yếu là tự nguyện của khu vực tư nhân, nhằm tăng cường tri thức xuyên văn hóa, sự hiểu biết giữa người Mỹ và người dân các nước khác, thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau".
Như vậy, chủ thể của đối ngoại nhân dân Việt Nam là người dân, thường là thông qua các tổ chức của mình; chủ thể của ngoại giao công dân Mỹ cũng là người dân, nhưng chủ yếu là những cá nhân; còn chủ thể của ngoại giao công chúng Mỹ là chính phủ.
Có từ bao giờ?
Nhìn từ góc độ một lĩnh vực hoạt động, có thể hình dung rằng đối ngoại nhân dân Việt Nam đã có từ lâu. Ví dụ:
Phan Bội Châu (1867 -1940): Năm 1905 sang Trung Quốc rổi Nhật Bản để vận động giúp đỡ phong trào Duy Tân; năm 1905-1909 đưa hàng trăm thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản học tập chính trị và quân sự để về phục vụ cách mạng Việt Nam.
Phan Châu Trinh (1872 - 1926): Năm 1906 sang Trung Quốc rồi Nhật Bản gặp nhiều nhà chính trị; năm 1911 sang Pháp gặp Hội Nhân quyền, viết sách báo tố cáo thực trạng chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam.
Sớm hơn nữa, có thể kể đến Phố Hiến (Hưng Yên) và Hội An. Từ thế kỷ 17, các thương cảng sầm uất này hẳn đã chứng kiến, cùng với các hoạt động thương mại và thủ công nghiệp nhộn nhịp, những giao lưu văn hóa đậm đà giữa người dân địa phương và người nước ngoài (Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, các nước khác ở Đông Nam Á, Ấn Độ, các nước Trung Đông, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp...).
Tuy nhiên, xét từ góc độ một lĩnh vực công tác có lý luận, có bài bản, đối ngoại nhân dân Việt Nam chỉ mới bắt đầu từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (1911) và từng bước phát triển sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930). Cho đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập (1945), công tác đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng là đối ngoại nhân dân.
Một "binh chủng" đặc thù đắc lực
Với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nền ngoại giao hiện đại của Việt Nam từng bước hình thành một cách hoàn chỉnh, gồm ba bộ phận cấu thành là công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, trong đó đối ngoại nhân dân được coi như một binh chủng đặc thù đắc lực.
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong khi chưa có nước nào trên thế giới công nhận Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và biên giới nước ta đang bị bao vây tứ phía, một số đoàn đối ngoại nhân dân của ta - tuy còn rất ít ỏi - đã lặn lội ra nước ngoài để giới thiệu cuộc chiến đấu của nhân dân ta, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới.
Năm 1947, đại biểu thanh niên Việt Nam đã giương cao cờ đỏ sao vàng tham dự một đại hội thanh niên châu Á tổ chức tại Calcutta (nay là Kolkata), Ấn Độ. Cũng tại thành phố này, cũng năm đó, các tầng lớp thanh niên, sinh viên tiến bộ Ấn Độ đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn chống cuộc "chiến tranh tái chiếm" (war of reconquest) của Pháp ở Việt Nam, khi tàu chiến của Pháp chở quân sang Việt Nam ghé vào cảng Calcutta.
Năm 1949, 11 chiến sĩ hòa bình Việt Nam đã tham dự Đại hội nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình, họp đồng thời tại Paris và Praha; và năm 1950, khi Hội đồng Hòa bình Thế giới chính thức ra đời theo quyết định của Đại hội, Việt Nam được coi là một trong những thành viên sáng lập của Hội đồng.
"Tiền trạm" cho ngoại giao nhà nước
Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước - một người làm ngoại giao nhân dân xuất sắc.
Một đặc điểm và cũng là thế mạnh của đối ngoại nhân dân là trên cơ sở đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nó có thể thực hiện một số biện pháp đối ngoại trong những hoàn cảnh cụ thể mà đối ngoại Đảng và ngoại giao nhà nước, do thời điểm chưa thích hợp hoặc điều kiện mặt này mặt khác chưa thuận lợi nên chưa thể triển khai. Có trường hợp đối ngoại nhân dân đã làm "tiền trạm" cho quan hệ ngoại giao nhà nước.
Năm 1974, đại biểu Hội Liên hiệp sinh viên giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia một đoàn quốc tế đi dự Đại hội sinh viên Bangladesh. Trong thời gian ở Bangladesh, đại biểu ta được Thủ tướng Sheikh Mujibur Rahman tiếp, đến chào lãnh đạo Đảng Cộng sản, đi thăm nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều giới, nhiều tổ chức quần chúng, trao đối ý kiến về tình hình mỗi nước, tình cảm của Chính phủ và nhân dân Bangladesh đối với Việt Nam, và triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam - Bangladesh. Trên cơ sở báo cáo và kiến nghị của đại biểu ta, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã quyết định mở Đại sứ quán tại Dhakar.
Năm 1989-1990, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc đã 10 năm, nhưng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc vẫn chưa bình thường. Với sự hướng dẫn và giúp đỡ của các cơ quan Đảng và Chính phủ, Hội Tem Việt Nam đã phối hợp với Hội Tem Trung Quốc tổ chức thành công hai cuộc triển lãm tem Việt Nam tại Bắc Kinh và tem Trung Quốc tại Hà Nội nhân dịp Quốc khánh hai nước, góp một bước nhỏ vào quá trình đưa quan hệ hai nước chính thức trở lại bình thường cuối năm 1991.
Bình tĩnh và hóm hỉnh
Đối ngoại nhân dân thường không theo một "khuôn phép" có sẵn nào cả. Đối tác thường không chú ý giữ – thậm chí không biết – những thể thức tế nhị, xã giao mà đối tác trong đối ngoại Đảng và nhất là ngoại giao Nhà nước thường phải chú ý. Đó là chưa kể những lời bình luận thiếu thiện chí, những câu hỏi móc đầy ác ý. Không biết xì hơi, mở van an toàn, không giữ được cái đầu nguội thì dễ sa vào bẫy khiêu khích và hỏng việc. Trong nhiều trường hợp, vẫn phải đấu tranh, vẫn phải phản công đến cùng, nhưng một cách bình tĩnh, thông minh, và nếu có thể hóm hỉnh nữa thì càng tuyệt.
Một lần, bà Nguyễn Thị Bình đi thăm Ấn Độ. Dọc đường từ sân bay về trung tâm thành phố Bombay (nay là Mumbai), có nhiều băng vải đỏ chạy hàng chữ vàng "Welcome Madame Bình" (Hoan nghênh bà Bình). Nhưng cũng có nhiều băng vải đen chạy hàng chữ trắng "Madame Bình go home" (Bà Bình cút về nước). Tại một cuộc gặp gỡ các nhà báo, một phóng viên nước ngoài hỏi Bà Bình "có chú ý đến" những băng vải đen đó không, và nếu có, thì Bà "có bình luận gì?" Không khí trở nên nặng nề; mọi người im phăng phắc chờ đợi. Bà Bình nhẹ nhàng trả lời: "Họ nói đúng đấy. Bà Bình không có ý định ăn đời ở kiếp ở đây. Thăm vài hôm, rồi Bà cũng sẽ về nước, tất nhiên." Phòng họp như vỡ òa; các nhà báo, kể cả người vừa nêu câu hỏi, đều cười vui vẻ.