Đối ngoại nhân dân góp phần quan trọng trong xây dựng đất nước, bảo vệ hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ
(Vietpeace) Sau Chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác đối ngoại nhân dân cũng bước vào thời kỳ mới: góp phần xây dựng tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ.
Quan hệ đối tác được mở rộng, đa phương hoá, đa dạng hoá; nội dung hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú, gắn với các mặt của đời sống xã hội. Chủ thể tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng được mở rộng. Những bước phát triển đó đã giúp chúng ta vừa khôi phục, củng cố được quan hệ với bạn bè truyền thống, vừa có thêm nhiều bạn bè, đối tác mới, tranh thủ được nhiều nguồn lực hỗ trợ cho sự nghiệp khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển đất nước
Thời kỳ 1975 - 1986
Sau Chiến thắng 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước cùng bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng môi trường hoà bình và ổn định để xây dựng đất nước chưa được bảo đảm: quan hệ với Campuchia xấu đi sau những cuộc tấn công quân sự qua biên giới do Chính quyền Pol Pot tiến hành; quan hệ với Trung Quốc ngày càng căng thẳng; quan hệ giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á vẫn còn lạnh nhạt.
Kinh tế Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn do hậu quả chiến tranh nặng nề, cơ chế quan liêu bao cấp kéo dài, các thế lực thù địch bao vây, cấm vận, chống phá chính quyền trong nước, tư duy quản lý từ thời chiến khi chuyển sang thời bình chưa kịp thời thay đổi, duy ý chí…
Trước tình hình đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV tháng 12/1976 nêu rõ: “Trong giai đoạn mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng hàn gắn những vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, củng cố quốc phòng; tiếp tục kề vai sát cánh với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và tất cả các dân tộc trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội chống chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ”.
Từ năm 1976, các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của hai miền Nam Bắc lần lượt hợp nhất, cùng đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Quốc tế Nhân dân. Ngày 17/11/1977, Ủy ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước được thành lập. Ngày 26/01/1978, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định giải thể Ban Quốc tế Nhân dân. Chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Ban Quốc tế Nhân dân được chuyển về Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.
Thời kỳ này, công tác đối ngoại nhân dân tập trung vào công tác vận động nhân dân thế giới ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước. Sự ủng hộ của nhân dân thế giới về tinh thần, vật chất có ý nghĩa quan trọng trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, dần thoát khỏi thế bao vây cấm vận và phát triển đất nước. Bên cạnh sự giúp đỡ chí tình của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, qua công tác đối ngoại nhân dân, Việt Nam tiếp tục nhận được sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè năm châu, trong đó có cả bạn bè Tây Bắc Âu và Mỹ. Điển hình là Tổ chức Hành động Giúp đỡ Việt Nam (HilfAktion Vietnam) của Cộng hòa Liên bang Đức đã giúp xây dựng Nhà máy kim khâu Cầu Bươu, Nhà máy dệt 10-10 của Hà Nội; Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế giúp xây dựng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Mặt khác, các tổ chức hòa bình, đoàn kết của Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ vận động dư luận thế giới ủng hộ Việt Nam đòi Mỹ gỡ bỏ cấm vận; tiếp tục kề vai sát sát cánh với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và tất cả các dân tộc trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ.
Do yêu cầu tăng cường ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước đang phát triển, một số ủy ban đoàn kết và hội hữu nghị được thành lập như Uỷ ban đoàn kết với Chi-lê, Uỷ ban đoàn kết với En Xan-va-đo, Ủy ban đoàn kết với Pa-le-xtin, Hội hữu nghị Việt Nam - I-rắc, Hội hữu nghị Việt Nam - Xy-ri, Hội hữu nghị Việt Nam - Hung-ga-ri , Hội hữu nghị Việt Mam - Ru-ma-ni, Hội hữu nghị Việt Nam - Ba-Lan.
Thời kỳ 1986 - nay
Tháng 12/1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng khởi xướng quá trình đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới tư duy đối ngoại. Nghị quyết Đại hội Đảng khẳng định: “Tăng cường hoạt động trên lĩnh vực đối ngoại. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, vì sự nghiệp dân tộc và nghĩa vụ quốc tế. Đấu tranh giữ vững hoà bình ở Đông Dương, góp phần gìn giữ hoà bình ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới chống chính sách của các giới đế quốc chạy đua vũ trang và gây nguy cơ chiến tranh hạt nhân, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc phát triển quan hệ đặc biệt ba nước Việt Nam Lào và Campuchia; đoàn kết và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước, hợp tác toàn diện, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng vàbảo vệ Tổ quốc. Phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác; góp phần tăng cường sức mạnh của cộng đồng xã hội chủ nghĩa.”
Tháng 5/1989, Ủy ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước được đổi tên thành Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng đoàn.
Tháng 12/1989, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) được thành lập như một đơn vị trong Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam. Từ thời điểm này, Liên hiệp có thêm nhiệm vụ làm đầu mối vận động và quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Sau Đại hội lần thứ VII của Đảng, công tác đối ngoại nhân dân đã nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ. Ngày 10/01/1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 22/QĐ-TW tách Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam khỏi Ban Đối ngoại Trung ương thành một tổ chức chính trị - xã hội độc lập, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của công tác đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Ngày 27/7/1993, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 27-CT/TW về nhiệm vụ và tổ chức của Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam: “Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, chuyên trách về đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và vận động viện trợ nhân dân, hỗ trợ cho công tác đối ngoại của Đảng và ngoại giao nhà nước”.
Nghị quyết Đại hội Đảng X đã đề ra nhiệm vụ “phát triển công tác đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”; tích cực tham gia các diễn đàn và hoạt động của nhân dân thế giới, góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hoà bình, phát triển công bằng, bền vững, dân chủ và tiến bộ xã hội; tăng cường vận động viện trợ và nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội”.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI tiếp tục khẳng định rõ nhiệm vụ và vai trò, vị trí của đối ngoại nhân dân: “ Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa ; giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh”.
Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân nói chung và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nói riêng đã khẳng định được vị trí, vai trò trong công tác đối ngoại chung của đất nước, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các hội thành viên đã có những đóng góp to lớn trong việc tập hợp và hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ nhân dân Việt nam trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc; làm cầu nối và đột phá trong việc phá bao vây cấm vận và bình thường hóa quan hệ với các nước lớn thời kỳ sau chiến tranh; thúc đẩy việc mở rộng, đa dạng hóa quan hệ đối tác trong thời kỳ mở cửa và hội nhập quốc tế.
Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ năm 2011
Cho đến nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã thiết lập được mạng lưới đối tác quốc tế gồm hàng nghìn các tổ chức và cá nhân tại các châu lục, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm. Hoạt động của Liên hiệp tập trung vào việc thúc đẩy các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, trong đó có nhiều hoạt động lớn, quan trọng, có chiều sâu và tầm chiến lược, chú trọng hướng tới các địa bàn trọng điểm, có ý nghĩa chính trị cao và hiệu quả thiết thực. Công tác đền ơn đáp nghĩa với bạn bè quốc tế, vận động, hợp tác và đấu tranh chính trị được đẩy mạnh, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, quảng bá hình ảnh và bảo vệ Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần tích cực trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo cuả đất nước; ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, vận động quốc tế giúp khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; đấu tranh trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo với các lực lượng thù địch.
Quán triệt phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng các tổ chức nhân dân khác đã mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, coi trọng phát triển quan hệ chiều sâu với các nước láng giềng và các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng; củng cố quan hệ bạn bè truyền thống, tăng cường quan hệ với các lực lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ, các tổ chức cánh tả; mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân có thiện chí với Việt Nam.
Trong 5 năm gần đây, quan hệ đối tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên đã được mở rộng đáng kể; thiết lập được quan hệ với khoảng 1000 đối tác ở nhiều nước trên thế giới, tăng bình quân 15 - 20%/năm; hiệu quả quan hệ hợp tác được cảm nhận rõ rệt trên nhiều lĩnh vực. Chỉ tính theo kênh hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cử và đón hàng trăm đoàn với hàng chục nghìn lượt người đi và đến từ nhiều nước trên thế giới, chủ trì hoặc phối hợp tổ chức hàng ngàn sự kiện đối ngoại nhân dân ở trong nước. Hoạt động đối ngoại không chỉ tăng về số lượng mà còn có nội dung và phương thức ngày càng phong phú, đa dạng, được nâng cao cả về quy mô, chiều sâu và tính hiệu quả. Thông qua quan hệ và hoạt động đối ngoại của mình, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tích cực đóng góp vào việc tạo môi trường hòa bình thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Cùng với các hoạt động vận động chính trị, đối thoại, đấu tranh dư luận, giới thiệu quảng bá về Việt Nam, tham gia vào những vấn đề toàn cầu, chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa với bạn bè quốc tế…, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tăng cường hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực phát triển, nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/điôxin, khắc phục hậu quả chiến tranh, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục và gắn với công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều mô hình hoạt động mới được thử nghiệm và mang lại kết quả thiết thực.
Bên cạnh các hoạt động hợp tác song phương, quan hệ và hoạt động đối ngoại nhân dân đa phương có bước đột phá mạnh mẽ, nhất là việc Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam tham gia quy chế tư vấn ECOSOC thuộc Liên hợp quốc. Cùng với việc củng cố quan hệ, tham gia có trách nhiệm vào hoạt động của các tổ chức quốc tế dân chủ và tiến bộ truyền thống, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên đa phương đã chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả các diễn đàn, cơ chế hợp tác nhân dân đa phương ở cấp khu vực và quốc tế quan trọng như Diễn đàn nhân dân ASEAN, Diễn đàn nhân dân Á- Âu, Diễn đàn Xã hội Thế giới, Mạng lưới phi chính phủ Châu Á của ECOSOC, Mạng lưới đoàn kết nhân dân Nam - Nam và nhiều mạng lưới nhân dân khu vực và quốc tế khác; chủ động vận động, giới thiệu về Việt Nam, đấu tranh bảo vệ hình ảnh và lợi ích của Việt Nam, đóng góp cho các phong trào nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Bên cạnh công tác hòa bình, hữu nghị, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã triển khai hiệu quả công tác vận động viện trợ và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Mỗi năm, cả nước có thêm khoảng từ 30 đến 50 tổ chức phi chính phủ nước ngoài mới, với khoảng 500 tổ chức hoạt động thường xuyên với giá trị viện trợ đạt khoảng 300 triệu USD/năm, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như khắc phục hậu quả chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, cứu trợ khẩn cấp do thiên tai và tăng cường năng lực cho hội nhập…
Với chính sách đổi mới, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và cũng nhận được nguồn lực quý báu của quốc tế thông qua các khoản hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ các nước và các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài - hầu hết có nguồn gốc từ sự đóng góp của người dân các nước. Các dự án phi chính phủ nước ngoài đã có đóng góp lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Đồng thời đây cũng là một kênh chính trị đối ngoại quan trọng, giúp chuyển tải các thông tin, thông điệp của Việt Nam tới thế giới. Nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã có những đóng góp hiệu quả trong công tác chính trị đối ngoại.
Có thể nói sự ủng hộ, giúp đỡ dưới nhiều hình thức của nhân dân thế giới qua từng giai đoạn lịch sử đã góp thêm sức mạnh để dân tộc Việt Nam, cùng với sức mạnh nội tại của mình, vượt qua chiến tranh bạo tàn, giành độc lập, tự do và xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Có được sự ủng hộ lớn lao của nhân dân thế giới đối với Việt Nam như vậy là nhờ một phần quan trọng của công tác ngoại giao của cả nước, trong đó có đối ngoại nhân dân. Bên cạnh đó, chúng ta luôn không quên đóng góp vào phong trào chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.