Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc từ lòng yêu nước thương nòi đã đến với nhân loại bằng “tình hữu ái vô sản” vì suy cho cùng trên thế giới chỉ có hai giống người: “giống người bóc lột” và “giống người bị bóc lột”. “Tâm công” - đánh vào lòng người - là một trong những phương pháp đặc sắc của ngoại giao truyền thống Việt Nam. Kết hợp truyền thống với hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và đưa “ngoại giao tâm công” của cha ông lên một tầm cao mới trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Chính sự tương đồng về tình yêu hoà bình, hữu nghị và đạo lý, lẽ phải của nhân loại tiến bộ, cùng với tinh thần quốc tế chân chính là cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện “ngoại giao tâm công” nhằm khơi dậy và tăng cường tình đoàn kết, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các nước, các tổ chức, các lực lượng, các nhân sĩ yêu chuộng hoà bình trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa và công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta.
Dù tới nơi đâu, ở châu Âu, châu Mỹ hay châu Á, với chủ nghĩa nhân văn sâu đậm, Người luôn chủ động xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết với các dân tộc trên thế giới. Ngay trong thời kỳ bôn ba tìm đường cứu nước ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ gây dựng tình bạn với nhiều người Pháp bao gồm không chỉ những chiến sĩ lỗi lạc của Đảng Cộng sản Pháp, những chính khách, nhân sĩ, trí thức, và cả những người bình thường.
Để thức tỉnh lương tri loài người tiến bộ, tăng cường sức mạnh của đoàn kết và chính nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy hoà bình, hữu nghị và đạo lý làm tiêu chí để phân biệt bạn thù. Người không bao giờ đánh đồng cả một dân tộc hay một nước với những kẻ cầm quyền gây chiến tranh xâm lược của nước đó để cô lập kẻ thù chính, đồng thời ra sức tranh thủ nhân dân nước đó đứng về phía nhân dân Việt Nam. Người xem họ là bạn, là chiến sĩ cùng mặt trận đấu tranh chống các thế lực hiếu chiến.
Từ những bài báo đầu tiên viết vào những năm đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã lên án sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân thông qua việc miêu tả chân thực hiện thực xã hội bất công ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Người kêu gọi lương tri, khơi dậy chủ nghĩa nhân đạo trong người dân chính quốc. Trong yêu sách gửi nhân dân An Nam (1919) người bày tỏ mong muốn: "Nhân dân An Nam trông cậy vào chính nghĩa thế giới... đặc biệt tin vào lòng rộng lượng của nhân dân Pháp cao cả... vì nhân dân An Nam biết rằng, nhân dân Pháp đại biểu cho tự do và công lý, và không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của mình là tình bác ái toàn thế giới".

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng xã hội Pháp, ủng hộ luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, thành phố Tua, Pháp, tháng 12/1920 (Ảnh: sưu tầm)
Sau khi giành được chính quyền và tiến hành kháng chiến, kiến quốc, Đảng ta xác định: “Mục đích của ta lúc này là tự do, độc lập... bạn của ta trong giai đoạn này là tất cả những nước nào, những dân tộc hay lực lượng nào trên thế giới tán thành mục đích ấy, cùng ta chung một ý chí ấy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chủ trương Việt Nam nên tránh đối đầu chừng nào còn có thể tránh được trong quan hệ với các nước lớn. Người luôn cố gắng tìm ra điểm tương đồng lợi ích giữa Việt Nam và các nước lớn, đồng thời chú ý lợi dụng những mâu thuẫn và khác biệt giữa các nước lớn để tìm ra cách xử lý khôn khéo, linh hoạt phân hóa hàng ngũ đối phương. Người cũng ra sức tránh rơi vào tình thế cùng một lúc phải đối đầu với nhiều nước, mà cụ thể là sách lược “hòa với Tưởng ở miền Bắc để chống Pháp ở miền Nam” và sau đó “hòa với Pháp để đuổi quân Tưởng về nước” trong những năm tháng cam go “ngàn cân treo sợi tóc” của đất nước ta sau Cách mạng Tháng Tám.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam cho rằng, mọi tranh chấp trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau đều có thể chung sống hòa bình và cùng nhau mưu cầu hạnh phúc.
Khi đế quốc Mỹ thay thực dân Pháp trở thành kẻ xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tục gửi thư đến Tổng thống, lãnh đạo cao cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân Mỹ, với lời lẽ chân thành, mong muốn không để chiến tranh chết chóc và hủy diệt cho đất nước Việt Nam. Trong thư gửi Tổng thống Mỹ, Người nêu rõ: "Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ". Trong buổi trả lời phỏng vấn của các nhà báo, nhân sĩ, trí thức ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn mời Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam hoặc Người sẵn sàng sang Mỹ để cùng nhau giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam. Người là một trong số rất ít các vị nguyên thủ quốc gia gửi thư tới nhân dân đất nước đang đối địch và xâm lược nước mình.
Đối với nhân dân tiến bộ Pháp và Mỹ, Hồ Chí Minh khơi dậy niềm tự hào dân tộc của họ để khích lệ nhân dân các nước này đấu tranh chống chính sách gây chiến và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Chính người Pháp đã phải thừa nhận: Hồ Chí Minh đã đánh chìm chủ nghĩa thực dân Pháp mà vẫn giữ được tình hữu nghị với nhân dân Pháp.
Tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng ta phát huy và vận dụng sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Trong gần 30 năm đổi mới, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, từ tuyên bố “muốn là bạn” (Đại hội Đảng lần thứ VII), “sẵn sàng là bạn” (Đại hội Đảng lần thứ VIII), “là bạn và đối tác tin cậy” (Đại hội Đảng lần thứ IX) đến Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng ta khẳng định: Việt Nam là “bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Tinh thần đoàn kết quốc tế, huy động tối đa sức mạnh toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại để “bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” (Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI).
Công tác đối ngoại từ năm 1986 đến nay đã đạt nhiều kết quả xuất sắc, góp phần xứng đáng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Trong thành công chung, có kết quả rất đáng trân trọng của ngoại giao nhân dân với những bước tiến vượt bậc trong tư duy, quan điểm và hoạt động thực tiễn.
Quá trình đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, vừa tạo điều kiện cho các hoạt động ngoại giao nhân dân phát triển rộng mở, đa dạng, vừa đặt ra yêu cầu cao hơn về tính hiệu quả, chất lượng. Theo tinh thần Đại hội XI, ngày 6/7/2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị số 04-CT/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Với phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”, Chỉ thị đề ra mục tiêu cụ thể cho công tác đối ngoại nhân dân: Làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ đất nước, truyền thống và con người Việt Nam, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; đấu tranh với những âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng đất nước; Xây dựng và tăng cường tình cảm hữu nghị của nhân dân các nước với nhân dân ta, vận động nguồn lực tham gia phát triển kinh tế xã hội, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; Góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân, đế quốc, Việt Nam đã quy tụ gần như đầy đủ các lực lượng chính trị khác nhau vào một mặt trận chung chống chiến tranh, bảo vệ hoà bình thế giới. Trong công cuộc đổi mới 30 năm qua, mặc dù phải đương đầu với thử thách nghiệt ngã của lịch sử, Việt Nam không bị lẻ loi, cô lập mà đã trở thành người bạn và đối tác ngày càng tin cậy của cộng đồng quốc tế. Trong tầm vóc của Việt Nam chiến đấu trước kia và Việt Nam đổi mới hôm nay, luôn luôn in dấu của nền ngoại giao nhân dân. Đó là một nền ngoại giao công tâm, hoà bình, nhân nghĩa, một nền ngoại giao hợp tác, phát triển do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đặt nền móng và lãnh đạo.
NN