Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đà Nẵng: Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác đối ngoại nhân dân
(Vietpeace) 1. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh về “tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác với bạn bè quốc tế”
Hồ Chí Minh chủ trương đối ngoại rộng mở, mở rộng lực lượng theo phương châm “thêm bạn, bớt thù”, tránh đối đầu “không gây thù oán với một ai” với mục đích là tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức và nhân dân thế giới, tạo thêm nguồn lực cho cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước.
2. Học tập tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong hoạt động đối ngoại nhân dân của thành phố Đà Nẵng
2.1. Đà Nẵng - vùng đất của hội nhập và phát triển
Một trong các giải pháp phát triển mà Đà Nẵng lựa chọn là nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế với phương châm “chủ động, hội nhập, tăng tốc, phát triển”; “Có quan hệ thân thiện với các thành phố và các quốc gia khác” được xem là 01 trong 27 tiêu chí và chỉ tiêu xây dựng thành phố đáng sống của Đà Nẵng đến năm 2020.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã xác định “Coi trọng việc xúc tiến các hoạt động đối ngoại, cả ngoại giao chính thức và đối ngoại nhân dân” nhằm giữ vững môi trường hoà bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của thành phố. Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã kết nối quan hệ hữu nghị, hợp tác với 39 tỉnh, thành phố của 17 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới; ký 67 thỏa thuận quốc tế với các địa phương nước ngoài trên nhiều lĩnh vực; ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình/kế hoạch về ngoại giao kinh tế và đối ngoại nhân dân đến năm 2015, ngoại giao văn hóa đến năm 2020; các ngành, địa phương, đơn vị đã thiết lập mối quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với 169 tổ chức NGO, các tổ chức nhân dân, tổ chức y tế, giáo dục, tài chính… Đà Nẵng đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch quốc tế, đầu tư nước ngoài, giao lưu văn hoá; từng bước quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế với bạn bè quốc tế.
Theo đó, hoạt động đối ngoại nhân dân của thành phố đã được triển khai đều cả bốn mặt trận: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Các mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với bạn bè, đối tác quốc tế luôn được gìn giữ và phát triển tốt đẹp. Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân trên địa bàn thành phố đã chủ động triển khai thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân với phương châm “độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, năng động, sáng tạo”. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng (Liên hiệp Đà Nẵng) từng bước phát huy vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân, bộ máy tổ chức được kiện toàn, nội dung và phương thức hoạt động được đổi mới, đa dạng hơn.
2.2. Hoạt động đối ngoại nhân dân có vai trò quan trọng trong việc tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Đà Nẵng với bạn bè quốc tế
2.2.1. Hoạt động đối ngoại nhân dân đã góp phần xây dựng và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Đà Nẵng với nhân dân các nước
Những giải thưởng quốc tế Đà Nẵng đạt được từ 2005 - 2015 trong đó có nguyên nhân là tình cảm của bạn bè quốc tế dành cho Đà Nẵng trên cơ sở các quan hệ hữu nghị hợp tác quốc tế bền vững, sâu sắc đã được chính quyền và nhân dân Đà Nẵng nỗ lực xây dựng. Một trong các bãi biển đẹp nhất hành tinh do Tạp chí kinh doanh Forbes bầu chọn (2005), Thành phố bền vững về môi trường ASEAN (2011), Thành phố phát thải carbon thấp (2012), một trong 20 thành phố xanh-sạch-đẹp và giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á” (2013), là thành viên của “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” (2014). Sân bay Đà Nẵng vượt qua 96 sân bay trên thế giới đứng Top 3 những sân bay tốt nhất thế giới trong bảng xếp hạng của Dragon Air hay như việc InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đã được trao giải thưởng cao quý World’s Leading Luxury Resort (2014) - Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới do tổ chức có uy tín World Travel Awards (WTA) trao tặng…
Trên cơ sở định hướng về công tác đối ngoại của thành phố, đến nay Liên hiệp Đà Nẵng và các tổ chức thành viên đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với 57 tổ chức nhân dân ở 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đối tác quốc tế của Liên hiệp Đà Nẵng là các hiệp hội, các lực lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ; các tổ chức, cá nhân, nhân sĩ nước ngoài có quan hệ hợp tác hoặc có thiện chí với Việt Nam và Đà Nẵng. Nhiều tổ chức có vai trò, vị trí đặc biệt tác động đến chính sách đối ngoại giữa các quốc gia với Việt Nam và Đà Nẵng.
Quan hệ hữu nghị hợp tác nhân dân đặc biệt với Lào tiếp tục củng cố và phát triển có chiều sâu thông qua nhiều hoạt động phong phú và hiệu quả: phát triển mối quan hệ hữu nghị với Uỷ ban Mặt trận đoàn kết Lào và Hội hữu nghị Lào - Việt ở các tỉnh Trung - Nam Lào; tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống về quan hệ hữu nghị Việt Nam, Lào, Campuchia; chương trình “ở nhà dân” (homestay) dành cho sinh viên Lào đang học tập tại thành phố Đà Nẵng, chương trình kết nghĩa giữa sinh viên Lào với sinh viên các trường Đại học Đà Nẵng.
Với các nước như Thái Lan, Trung Quốc: Quan hệ hữu nghị nhân dân với Thái Lan chủ yếu thông qua các hoạt động trao đổi đoàn và thông tin với Hội hữu nghị Thái - Việt, làm cầu nối thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục giữa 12 trường học của Thái Lan với các trường Đại học, Cao đẳng, THPT trên địa bàn thành phố; cầu nối cho quan hệ hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp Thái Lan và Đà Nẵng; phối hợp tổ chức 04 hội thảo xúc tiến đầu tư và hội chợ thương mại. Với quốc gia láng giềng Trung Quốc, Liên hiệp Đà Nẵng và Hội hữu nghị Việt - Trung đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc tăng cường tình hữu nghị và hợp tác nhân dân với Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân tỉnh Sơn Đông; tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân, “Diễn đàn nhân dân Việt - Trung”; xây dựng mối quan hệ gắn bó với cộng đồng người Việt gốc Hoa tại thành phố Đà Nẵng...
Với các quốc gia có quan hệ đối tác chiến lượckhác như Nhật Bản, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Liên hiệp Đà Nẵng và các Hội hữu nghị song phương chủ động xây dựng mối quan hệ với các đối tác mới đa dạng trên các lĩnh vực. Hoạt động giao lưu văn hoá Việt - Nga, Việt - Nhật, Việt - Pháp được tổ chức định kỳ hàng năm với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đến từ nước bạn. Lực lượng du học sinh Đà Nẵng đã từng học tập tại các quốc gia này đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động giao lưu hữu nghị này, tạo cơ sở vững chắc để nuôi dưỡng và phát triển mối quan hệ hợp tác. Quan hệ hữu nghị với Ấn Độ tuy mới được Liên hiệp Đà Nẵng thiết lập chính thức từ 2012 nhưng đã có những hoạt động ấn tượng. “Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độlần thứ 6” được tổ chức tại Đà Nẵng với nhiều hoạt động có ý nghĩa chính trị. Theo đó, Hội hữu nghị Việt - Ấn được thành lập nhằm xây dựng và phát triển các mối quan hệ hữu nghị với các địa phương Ấn Độ.
Hoạt động hữu nghị nhân dân với Mỹ chủ yếu thông qua việc tổ chức các chương trình hội thảo, giao lưu hữu nghị Việt - Mỹ nhằm tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt thanh niên, sinh viên về vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước; phối hợp với các tổ chức Cựu chiến binh và phi chính phủ Mỹ tham gia vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam tại Đà Nẵng. Liên hiệp Đà Nẵng và Hội hữu nghị Việt - Mỹ triển khai chương trình hợp tác giáo dục với Trường Đại học SUNY Brockport (Mỹ) ký kết từ năm 2000. Tính đến nay, đã có trên 130 sinh viên Mỹ tham gia chương trình học tập, nghiên cứu về văn hoá, lịch sử, ngôn ngữ, chính trị Việt Nam; tham gia công tác xã hội giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam tại thành phố Đà Nẵng.
2.2.2. Hoạt động đối ngoại nhân dân đã góp phần vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh vì lợi ích của đất nước, đoàn kết quốc tế, ủng hộ phong trào dân chủ, hòa bình và tiến bộ trên thế giới
Trong công tác vận động đấu tranh dư luận, Liên hiệp Đà Nẵng tích cực chủ động tham gia vận động, đấu tranh dư luận trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, hoà bình, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, kêu gọi bạn bè quốc tế ủng hộ công cuộc đổi mới của Việt Nam và thành phố Đà Nẵng, ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề biển Đông, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đặc biệt, trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng biển Hoàng Sa, Liên hiệp Đà Nẵng đã phối hợp với Hội Khoa học lịch sử và Hội Nghề cá thành phố tổ chức lễ mit-tinh và ra tuyên bố yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 cùng các tàu bảo vệ ra khỏi lãnh hải Việt Nam. Ủy ban Hòa bình thành phố phối hợp với Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam và các bên liên quan tổ chức Hội nghị Bàn tròn về mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs); Toạ đàm Vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân; tổ chức đi bộ ủng hộ vụ kiện đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam đối với các công ty hóa chất Mỹ. “Diễn đàn thanh niên, sinh viên quốc tế” được Liên hiệp Đà Nẵng tổ chức hàng năm là cơ hội để thanh niên thành phố quan tâm đến việc đấu tranh dư luận với các vấn đề toàn cầu.
Liên hiệp Đà Nẵng chú trọng việc vận động người Việt Nam ở nước ngoài có quê quán tại thành phố Đà Nẵng tham gia xây dựng, phát triển thành phố. Chú trọng thu hút kiều bào trí thức đóng góp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chuyển giao công nghệ; thu hút doanh nhân kiều bào đầu tư phát triển kinh tế thành phố; tạo mối quan hệ gắn kết giữa Kiều bào với nhân dân thành phố thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi thông tin, nhân đạo, từ thiện. Vận động Kiều bào tham gia việc xây dựng và bảo vệ hình ảnh thành phố Đà Nẵng với bạn bè quốc tế.
2.2.3. Tích cực phát huy vai trò cầu nối trong hoạt động kinh tế đối ngoại, vai trò đầu mối trong quan hệ vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài nhằm góp phần mở rộng quan hệ với các nước, xây dựng tình cảm tốt đẹp giữa bạn bè quốc tế với người dân Đà Nẵng
* Vai trò cầu nối trong hoạt động kinh tế đối ngoại:
Đà Nẵng trong quá trình xây dựng và phát triển rất cần các nguồn lực quốc tế hỗ trợ như vốn vay, các chương trình an sinh xã hội, khoa học công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân bạn bè các nước. Vì vậy Liên hiệp Đà Nẵng đã chủ động mở rộng việc kết nối quan hệ, tổ chức cung cấp thông tin, giới thiệu, vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) triển khai các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đảm bảo an ninh - chính trị. Đối ngoại nhân dân đã từng bước thể hiện vai trò kết nối hiệu quả cho ngoại giao kinh tế. Một số các dự án vốn vay lớn của ODA ở các tổ chức, quốc gia lớn như Nhật Bản, Đức, Ngân hàng Thế giới đều xuất phát từ nền tảng quan hệ hữu nghị tốt đẹp với địa phương các nước này. Kết quả thu hút đầu tư FDI của Đà Nẵng ngày càng tăng trưởng về vốn, quy mô sản xuất chính nhờ vào cơ chế kêu gọi đầu tư hiệu quả của Đà Nẵng cùng với môi trường hòa bình, các mối quan hệ hữu nghị, thiện cảm của người Đà Nẵng dành cho các nhà đầu tư.
* Vai trò đầu mối trong quan hệ vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN)
Trong lĩnh vực vận động viện trợ PCPNN, Liên hiệp Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị khảo sát, xây dựng hàng trăm dự án cơ hội trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giảm nghèo bền vững, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường và hỗ trợ an sinh xã hội và tiến hành xúc tiến vận động, cùng thành phố đã huy động khoảng hơn 700 tỷ đồng (khoảng 35 triệu USD), trong đó có những dự án có tổng kinh phí viện trợ hàng chục tỷ đồng cho hoạt động hỗ trợ y tế, môi trường, phát triển cộng đồng, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Hoà Vang.
Ngoài chức năng quan hệ và vận động chung, trong giai đoạn từ 2010 - 2015, Liên hiệp Đà Nẵng đã trực tiếp triển khai 31 chương trình/dự án trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, sinh kế, phát huy nguồn lực của kiều bào và tình nguyện viên quốc tế. Một số chương trình, dự án không chỉ mang lại giá trị vật chất mà còn cung cấp nhân lực, trí lực và có ý nghĩa trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân thành phố với nhân dân các nước. Tiêu biểu như chương trình viện trợ xe đạp với 10.978 chiếc xe đạp dành cho học sinh nghèo từ 2003 - 2015; chương trình tình nguyện viên quốc tế đạt được kết quả tích cực với trên 200 tình nguyện viên đến từ nhiều quốc gia.
2.2.4. Tăng cường hiệu quả thông tin đối ngoại làm cho bạn bè quốc tế hiểu về đất nước con người, Việt Nam và thành phố Đà Nẵng nhằm xây dựng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp
Về hoạt động thông tin đối ngoại, Liên hiệp Đà Nẵng chú trọng cả nội dung và hình thức thực hiện hướng đến các đối tác bạn bè quốc tế và người dân thành phố, thông qua tổ chức các sự kiện hữu nghị, kênh thông tin đại chúng, xây dựng các ấn phẩm, chuyên trang, sách báo gửi đến bạn bè quốc tế và kênh tuyên truyền trong nhân dân. Thông qua các cuộc tiếp xúc, hội đàm, hội thảo, Liên hiệp Đà Nẵng đã cung cấp cho bạn bè quốc tế quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Ðảng và Nhà nước Việt Nam; về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và các cơ hội hợp tác, đầu tư của thành phố. Các hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị do Liên hiệp Đà Nẵng tổ chức đã góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam và Đà Nẵng. Công tác giáo dục truyền thống về tình đoàn kết quốc tế đã được Liên hiệp Đà Nẵng chú trọng. Cuộc vận động ủng hộ nhân dân Nhật Bản trong trận động đất và sóng thần năm 2011 mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ngoài ra, các chương trình giao lưu thanh niên, sinh viên, học sinh cùng công tác vận động viện trợ PCPNN đã tạo nên những kênh thông tin đối ngoại hữu hiệu.
Liên hiệp Đà Nẵng tích cực tham mưu cho Ban Tuyên giáo, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chỉ đạo và hướng dẫn các nội dung tuyên truyền đối ngoại nhân các sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng của đất nước; phối hợp với các cơ quan báo đài trung ương và địa phương đưa nhiều tin, bài về hoạt động đối ngoại nhân dân. Tiêu biểu như việc phối hợp với Báo Đà Nẵng ra chuyên trang đối ngoại nhân dân hàng quý, xây dựng trang thông tin điện tử có phiên bản tiếng Anh hỗ trợ công tác thông tin cho bạn bè quốc tế và các cơ quan, đơn vị, địa phương có triển khai thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân.
2.2.5. Quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển tổ chức để tăng cường sức mạnh toàn dân trong hoạt động đối ngoại nhân dân
* Xây dựng và phát triển tổ chức:
Hiện nay, Liên hiệp Đà Nẵng có 11 tổ chức thành viên bao gồm: Các Hội hữu nghị Việt - Lào, Việt - Thái, Việt - Trung, Việt - Nhật, Việt - Hàn, Việt - Nga, Việt - Đức, Việt - Pháp, Việt - Mỹ, Việt - Ấn và Ủy ban Hòa bình.
Hoạt động của 10 Hội hữu nghị song phương và Uỷ ban Hoà bình đã có những bước phát triển trong việc kết nối đối tác; tổ chức các hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị; tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân; xây dựng 23 cơ sở Hội gồm Chi hội, Câu lạc bộ ở các địa phương, đơn vị, trường học…
* Phát huy vai trò “đại sứ nhân dân” của người dân Đà Nẵng:
Liên hiệp Đà Nẵng đã ký kết Kế hoạch phối hợp với Đại học Đà Nẵng để tổ chức các hoạt động tuyên truyền đối ngoại trong sinh viên; ký kết Kế hoạch phối hợp với UBMTTQVN thành phố để huy động nguồn lực các hội, đoàn thể tổ chức thực hiện công tác đối ngoại nhân dân. Đến nay, Đại học Đà Nẵng và Liên hiệp đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, từng bước huy động sinh viên tham gia. Dưới sự chỉ đạo của UBMTTQVN thành phố và vai trò cầu nối của Liên hiệp Đà Nẵng, hơn 100 tổ chức Hội, đoàn thể của thành phố đều xây dựng các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với 03 - 05 tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong đó có những đối tác tin cậy, có uy tín; trong năm đã đón tiếp hàng trăm đoàn khách từ các tổ chức, cá nhân bạn bè quốc tế; tổ chức nhiều chương trình ủng hộ các phong trào dân chủ và tiến bộ của nhân dân thế giới. Liên hiệp Đà Nẵng phối hợp với các Hội, đoàn thể trong việc triển khai công tác thông tin đối ngoại trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thành phố Đà Nẵng.
3. Những bài học kinh nghiệm, giải pháp trong tương lai về công tác đối ngoại nhân dân theo tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Một là xác định đúng mục tiêu, chủ thể, đối tượng của hoạt động đối ngoại nhân dân của thành phố Đà Nẵng.
Hai là, không ngừng xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu bền với các địa phương và các tổ chức nhân dân các nước - xem đây là nền móng vững chắc trong hoạt động đối ngoại nhân dân của Đà Nẵng. Liên hiệp Đà Nẵng cần mở rộng việc kết nối đối tác với bạn bè quốc tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc thiết lập quan hệ với các tổ chức nhân dân của 39 địa phương thuộc 17 quốc gia trên thế giới mà Đà Nẵng hiện đang chính thức quan hệ hợp tác. Làm cầu nối cho các hội, đoàn thể kết nối quan hệ hữu nghị với các tổ chức nhân dân các nước tương ứng.
Ba là, hoạt động đối ngoại qua kênh nhân dân cần thực hiện theo phương châm “Kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng”. Đối với bạn bè quốc tế, Đà Nẵng cần tận dụng cơ hội thông tin đối ngoại qua gần một triệu khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng hàng năm; qua gần 80.000 kiều bào chiếm gần 10% dân số thành phố. Cần khuyến khích lực lượng các du học sinh Đà Nẵng tại các nước tích cực tham gia trong hoạt động giao lưu hữu nghị và họ sẽ là những nhân tố tích cực kết nối những tấm lòng bè bạn. Ngày nay, người dân đã tham gia với vai trò “đại sứ nhân dân” trở thành một kênh truyền thông tin đối ngoại đến bạn bè quốc tế thông qua các con đường “phi kinh tế, phi chính trị, phi ngoại giao” như du học, kết hôn, du lịch, trao đổi ngôn ngữ…
Bốn là, xác định rõ mục tiêu của hoạt động đối ngoại nhân dân không phải chỉ để làm vừa lòng để thu hút đầu tư và du khách quốc tế mà trước hết là vì mình, vì sự phát triển của thành phố, quảng bá hình ảnh để nâng cao vị thế thành phố, là để nâng cao tầm văn hóa, chất lượng con người và xây dựng nền móng vững chắc cho quan hệ chính trị, hợp tác bền vững với bạn bè quốc tế. Kể cả đấu tranh chống lại các dư luận xuyên tạc.
Năm là, con người là chủ thể, có ý nghĩa quyết định sự thành công của các hoạt động đối ngoại nhân dân. Cần chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển các mối quan hệ giao lưu, hợp tác với bạn. Mặt khác, người dân Đà Nẵng là chủ thể quan trọng quyết định việc đón nhận hay khước từ quan hệ hữu nghị hay các thông tin của bạn bè quốc tế. Vì vậy, cần xây dựng một nếp sống văn hóa, văn minh, một thái độ cởi mở, tin cậy, một tình cảm thân thiện, một ý thức biết tôn trọng các giá trị văn hóa của các dân tộc, của nhân loại để người Đà Nẵng thực sự tự tin bước vào cùng một “sân chơi” bình đẳng với bạn bè quốc tế.
Cuối cùng và quan trọng hơn hết, là vận động nhân dân thực hiện phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ”, mọi tổ chức nhân dân phải “dấn thân” tích cực vào hoạt động thông tin đối ngoại này.
4. Kết luận
Có thể khẳng định, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh mang tính nhân dân sâu sắc, phù hợp với khát vọng hòa bình, tự do, công lý của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Với chủ trương tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và thực hiện phương pháp ngoại giao “tâm công”, cùng với thời gian, những giá trị tư tưởng của Hồ Chí Minh về ngoại giao nhân dân vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Đặc biệt là trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp trong mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới.
Huỳnh Đức Trường - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Đà Nẵng