.jpg)
Cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân đã vận động quần chúng trong nước và quốc tế đồng tình, ủng hộ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, làm cầu nối giữa nhân dân Việt Nam với cộng đồng quốc tế, góp phần thúc đẩy hợp tác về kinh tế, văn hoá, khoa học giữa Việt Nam và các nước. Đảng và Nhà nước đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân trong thời kỳ hội nhập và mở rộng quan hệ quốc tế.
Thủ đô Hà Nội có vai trò và vị thế đặc biệt, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của đất nước, cửa ngõ giao lưu quốc tế; là nơi tập trung các cơ quan Trung ương của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức và tập đoàn kinh tế quốc tế; là nơi diễn ra các hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước. Ý thức được tầm quan trọng này, hoạt động đối ngoại nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng đã nhận được sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy, sự quan tâm sâu sắc của UBND Thành phố.
Thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng khoá VII ngày 20/9/1994 về "Mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân ", Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 27-CT/TU, ngày 12/12/1997 của Thành uỷ Hà Nội khoá XII "Về việc tăng cường công tác đối ngoại nhân dân ở thành phố Hà Nội", Chỉ thị 04-CT/TU ngày 23/6/2006 về “Tăng cường và mở rộng công tác đối ngoại nhân dân ở thành phố Hà Nội” và Thông tri 04 của Thành uỷ Hà Nội về công tác đối ngoại nhân dân; Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch 45/KH-UB ngày 29/3/2012 về việc thực hiện hai văn bản của Ban Bí thư TW Đảng và Thành ủy Hà Nội tiếp tục đối mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, tạo một bước chuyển mạnh mẽ, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Hiện nay, Thủ đô Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị và hợp tác với gần 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới, trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với 187 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hà Nội cũng tham gia tích cực tại các diễn đàn đa phương cũng như duy trì quan hệ tốt với các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Hà Nội.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội - cơ quan chuyên trách công tác đối ngoại nhân dân của Thủ đô Hà Nội, được thành lập năm 1992. Khi mới thành lập, Liên hiệp Hà Nội chỉ có 3 Hội hữu nghị thành viên, đến nay sau hơn 20 năm hoạt động, đã có 24 Hội và tổ chức thành viên với hơn 25.000 hội viên. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội, Liên hiệp Hà Nội luôn giữ vai trò nòng cốt trong các hoạt động hoà bình, hữu nghị; phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của Thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các Hội hữu nghị của Trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động góp phần tích cực trong việc tăng cường và mở rộng công tác đối ngoại nhân dân ở Thủ đô; duy trì tốt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; chủ động trong các hoạt động đối ngoại nhân dân, tạo sự thân thiện và cởi mở với bạn bè quốc tế.
Hiện nay, Liên hiệp Hà Nội đã có quan hệ thường xuyên với hơn 40 đối tác là các tổ chức quốc tế ở Việt Nam và nước ngoài. Thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa, cũng như trao đổi đoàn, tạo điều kiện để bạn bè quốc tế thêm hiểu biết về di tích, danh lam thắng cảnh, văn hóa, con người Hà Nội, tôn vinh giá trị văn hóa của Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình - Thành phố duy nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức UNESCO thế giới công nhận năm 1999, góp phần tăng cường tình đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam, nhân dân Thủ đô Hà Nội với bạn bè quốc tế.
Liên hiệp Hà Nội đã kịp thời nắm bắt chủ trương của Đảng và Nhà nước về đường lối đối ngoại, đồng thời chủ động tổ chức những hoạt động phù hợp, đảm bảo tính thời sự, luôn có sự đổi mới về nội dung, hình thức, mang lại hiệu quả tuyên truyền cao, đáp ứng lòng mong đợi của bạn bè quốc tế. Các hoạt động nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn như ngày Quốc khánh, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các sự kiện quốc tế nổi bật như ASEM, APEC, ASEAN đều được chú trọng quan tâm tổ chức với quy mô lớn, tập hợp nhiều tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế, tạo hình ảnh đẹp về Thủ đô năng động, phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó luôn đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa, phong tục tập quán, đất nước, con người Việt Nam và Hà Nội, giới thiệu tiềm năng hợp tác đầu tư, chống lại các luận điệu xuyên tạc, thù địch để bạn bè thế giới hiểu hơn và đến với Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các đối tác nước ngoài, Liên hiệp Hà Nội tích cực quảng bá hình ảnh Việt Nam đổi mới, Thủ đô Hà Nội nghìn năm tuổi - Thành phố vì hòa bình, điểm đến an toàn và thân thiện. Đối với chương trình “Du xuân hữu nghị” hàng năm, Liên hiệp Hà Nội luôn lựa chọn những di tích lịch sử, địa điểm làng nghề như: Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Đền Và, Chùa Mía, Đền Phù Đổng, khu di tích Cổ Loa, Làng gốm Bát Tràng, Chùa Thầy, Đền Hát Môn… để giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Đặc biệt nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Liên hiệp Hà Nội đã tổ chức Cuộc thi quốc tế tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội trên mạng internet bằng 6 ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Quốc tế ngữ và tiếng Việt, liên tục trong 10 năm từ năm 2000 đến năm 2010, với mỗi năm một chủ đề khác nhau tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, con người Thăng Long - Hà Nội, thu hút hàng nghìn người dự thi bao gồm hơn 30 quốc tịch khác nhau.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 15 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”, nhằm giới thiệu, quảng bá về văn hóa, con người Hà Nội, khơi dậy niềm tự hào của nhân dân Thủ đô về Thành phố hòa bình, Liên hiệp Hà Nội phối hợp tổ chức thành công một chuỗi hoạt động chào mừng như: Cuộc thi tìm hiểu “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”; Triển lãm “15 năm Hà Nội - Thành phố vì hòa bình; Tọa đàm “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, 15 năm hội nhập và phát triển”, Chạy vì hòa bình và hoạt động điểm nhấn “Ngày hội văn hóa hòa bình”. Tại Ngày hội, lãnh đạo Thành phố đã trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô” cho 12 người nước ngoài có đóng góp tích cực trong các hoạt động đối ngoại nhân dân của Thủ đô.
Hàng năm, Liên hiệp Hà Nội tổ chức lớp học tiếng Việt dành cho các nhà ngoại giao đang làm việc tại Hà Nội. Cùng với việc học tập trên lớp, Liên hiệp Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như tham quan các làng nghề, các di tích văn hóa để tăng cường thực hành tiếng Việt cho các học viên. Thông qua việc học tiếng Việt, các nhà ngoại giao có điều kiện tiếp cận dễ dàng và hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam và Hà Nội.
Hoạt động từ thiện, nhân đạo cũng được Liên hiệp Hà Nội hết sức chú trọng. Liên hiệp Hà Nội đã tổ chức tiếp nhận một số dự án phi chính phủ, vận động một số hội hữu nghị, đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Vì biển đảo quê hương”, các gia đình khó khăn ở Hà Nội, đồng bào lũ lụt miền Trung, nhân dân Thái Lan bị ngập lụt, nhân dân Nhật Bản gặp thảm họa động đất... Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ hàng năm, Liên hiệp Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động tri ân, thăm viếng các nghĩa trang, trao quà cho các gia đình chính sách, các thương bệnh binh tại các tỉnh miền Trung. Hàng năm, Liên hiệp Hà Nội phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam - Canada và Đại sứ quán Canada tổ chức cuộc chạy Vì trẻ em Hà Nội mỗi năm quyên được khoảng 1 tỷ đồng ủng hộ bệnh nhi gặp khó khăn của Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội và Quỹ Nhịp tim Việt.
Để hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng nâng cao về chất lượng, xứng đáng với vị thế của Thủ đô, Liên hiệp Hà Nội đang triển khai đề án nâng cấp trang web, mở thêm chuyên mục, có trang bằng tiếng Anh để phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của bạn bè quốc tế; xây dựng những phóng sự, nội dung chuyên sâu về đối ngoại nhân dân phát trên Đài truyền hình Hà Nội và đưa tin trên các báo giấy, báo mạng; tiếp tục đẩy mạnh phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả” và những kinh nghiệm quý trong hoạt động; tăng cường tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân các nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước và Thủ đô; tập trung phát huy mạnh mẽ sức mạnh của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, không ngừng đổi mới, chủ động và sáng tạo trong triển khai các hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; không ngừng củng cố, kiện toàn, mở rộng tổ chức các Hội và tổ chức thành viên tới các quận, huyện, thị xã của Hà Nội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực thông qua các hình thức giới thiệu, vận động, đấu tranh…; củng cố tổ chức chi hội hữu nghị tại các quận, huyện với những mô hình khác nhau và thành phần đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại nhân dân của Thành phố; đẩy mạnh công tác phi chính phủ và nhân đạo từ thiện; quan tâm đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cả về bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ công tác, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tiếp tục mở rộng và đổi mới nội dung, hình thức các hoạt động hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế; tích cực vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp trí tuệ, vật chất góp phần xây dựng Thủ đô, đất nước; mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các hội hữu nghị, các tổ chức nhân dân của các nước, góp phần thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch,… phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội