Đối ngoại nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ: tập hợp rộng rãi sự ủng hộ của nhân dân thế giới chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam
(Vietpeace) Những kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong kháng chiến chống Pháp đã được vận dụng và phát triển đến trình độ cao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng (1954), Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam vẫn tích cực hoạt động trong phong trào hòa bình thế giới. Ủy ban đã mở cuộc vận động và thu được 5 triệu chữ ký hưởng ứng Tuyên bố Béc-lin đòi năm nước lớn ký Công ước Hòa bình (1955), tham gia Hội nghị thế giới chống bom A&H đầu tiên ở Nhật Bản (tháng 8/1955), bày tỏ sự nhiệt tình ủng hộ của nhân dân ta đối với sáng kiến hòa bình của các nước xã hội chủ nghĩa, đoàn kết với các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ủng hộ năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước. Ủy ban đã tích cực góp phần mở rộng phong trào hòa bình, đoàn kết, hữu nghị trong các nước Á - Phi, tham gia thành lập Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á - Phi (AAPSO) tháng 1/1958.
Trên thế giới, hệ thống xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa tạo thành ba dòng thác cách mạng tấn công nhiều phía vào chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động trên thế giới. Hầu hết các nước thuộc địa ở Á, Phi và Mỹ La-tinh đã giành lại quyền độc lập dân tộc và nhờ vậy đã thúc đẩy tiến bộ xã hội, tạo ra một lực lượng đông đảo trong phong trào Không liên kết.
Ngoài Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới và Ủy ban Đoàn kết Nhân dân Á - Phi của Việt Nam, một số hoạt động hòa bình đoàn kết, hữu nghị còn được tiến hành thông qua kênh của Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình của Việt Nam (thành lập tháng 10/1956), tranh thủ thêm được sự đồng tình, ủng hộ của phong trào quốc tế ngữ thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Thời kỳ này, Hội Quốc tế ngữ là thành viên của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam và do đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, làm Chủ tịch.
Để giúp chỉ đạo trực tiếp Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới, Ủy ban Đoàn kết Nhân dân Á - Phi, Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình, các hội nghị và ủy ban đoàn kết song phương, Ban Bí thư đã cho thành lập Đảng đoàn các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị tháng 4/1968. Đây là bước chuẩn bị cho việc hình thành một tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách công tác đối ngoại nhân dân. Ngày 05/6/1974, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Quốc tế Nhân dân, do đồng chí Xuân Thủy làm Trưởng Ban
Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước đã hình thành trên thực tế từng bước, bắt đầu phát triển sâu rộng khi chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ thất bại (1963 - 1964), đã cổ vũ mạnh mẽ mặt trận đoàn kết trong nước của nhân dân Việt Nam và mặt trận đoàn kết Việt - Lào - Campuchia. Sự đoàn kết chiến đấu, quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa nhân dân ba được đánh dấu bằng Hội nghị nhân dân Đông Dương ở Phnôm Pênh tháng 3/1965 và Hội nghị cấp cao của nhân dân ba nước Đông Dương cuối tháng 4/1970.
Các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh luôi coi cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam là tấm gương sáng đã sớm dấy lên phong trào đoàn kết, hữu nghị với Việt Nam, bằng nhiều hình thức phong phú và sôi nổi. Trong đó, Cuba và Ấn độ là những nước đi đầu trong phong trào thế giới ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam. Người Việt Nam không bao giờ quên câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Cuba Phi-đen Ca-xtơ-rô tại Hội nghị đoàn kết ba Châu lần thứ nhất tổ chức tại Ha-ba-na (1966): “Máu của Việt Nam cũng là máu của Cuba. Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” và khẩu hiệu của nhân dân Ấn Độ “Tên anh là Việt Nam, tên tôi là Việt Nam, tên chúng ta là Việt Nam” khẳng định sự đoàn kết ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Tại các nước tư bản, phong trào đoàn kết với nhân dân Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ và lan rộng trong các tầng lớp nhân dân. Hàng trăm tổ chức đoàn kết với Việt Nam đã được hình thành với nhiều hoạt động phong phú ở Italia, Thụy Điển, Đan Mạch, Vương quốc Anh, Nhật Bản…
Hội đồng Hòa bình Thế giới, Tổ chức Đoàn kết Nhân dân Á - Phi, các tổ chức dân chủ quốc tế (công đoàn, phụ nữ, thanh niên, sinh viên, nhà báo, luật gia…) đã tổ chức nhiều hoạt động rộng lớn lên án đế quốc Mỹ xâm lược, bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Các hội nghị của các tổ chức này đều có nghị quyết ủng hộ Việt Nam như các Đại hội hòa bình thế giới kể từ Đại hội Henxinki tháng 7/1965, Đại hội đoàn kết nhân dân Á - Phi tháng 6/1966, cuộc gặp gỡ của thanh niên và sinh viên tháng 8/1969 ở Henxinki “Vì thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam”...
Bạn bè quốc tế đã đến Việt Nam để trực tiếp bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với nhân dân ta. Ủy ban Công đoàn quốc tế đoàn kết với lao động và nhân dân Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội tháng 10/1963. Hội nghị Đoàn kết Quốc tế với Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và bảo vệ hòa bình tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11/1964 đã quyết định lấy ngày 20/12 - ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - làm Ngày đoàn kết của nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Nhiều người bạn quốc tế đã đến Việt Nam trực tiếp giúp đỡ về y tế, chăm sóc người bị thương, đem viện trợ nhân đạo đến nhân dân ta.
Ở nhiều nước đã diễn ra các hoạt động lên án tội ác của Mỹ. Đặc biệt là Tòa án quốc tế Béctơran Rútsen (Bertrand Russell) thành lập tháng 11/1966 đã tổ chức hai phiên xử tháng 5/1967 ở Xtốckhôm và tháng 11/1967 ở Côpenhaghen kết tội Mỹ đã phạm tội ác chiến tranh, tội ác xâm lược và tội ác diệt chủng.
Thời gian này, Chính phủ Việt Nam đã cho thành lập Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ, gọi tắt là Ủy ban Việt - Mỹ. Ủy ban Việt - Mỹ đã tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh đòi Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trọng tâm các hoạt động là tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ liên tục, mạnh mẽ của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới đối với nhân dân Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu chính trị của kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ủy ban đã làm đầu mối quan hệ với tất cả các tổ chức và cá nhân của phong trào phản chiến ở Mỹ.
Phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ thực sự là một phong trào nhân dân chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, làm rung động nước Mỹ. Báo chí Mỹ gọi đó là “Cuộc chiến tranh ở trong lòng nước Mỹ”. Phong trào tập hợp nhiều tầng lớp thanh niên, sinh viên, phụ nữ, công nhân, trí thức, nhà báo, chức sắc tôn giáo… với các hình thức đấu tranh phong phú: phổ biến là hội thảo về tội ác chiến tranh, đòi rút quân Mỹ về nước và biểu tình, tuần hành đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Trong một số trường hợp đã nổ ra bạo động để phản đối chiến tranh. Nhiều thanh niên Mỹ đã đốt thẻ quân dịch, trốn quân dịch, bỏ ra nước ngoài để không phải đi lính, đòi bãi bỏ chế độ quân dịch… Đặc biệt, nhiều vụ tự thiêu của người dân Mỹ để phản đối chiến tranh Việt Nam: ông Norman Morrison tự thiêu trước Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Roger Allen LaPorte tự thiêu trước trụ sở Liên Hiệp Quốc, bà Alice Herz tự thiêu ở thành phố Detroit… đã dấy lên hồi chuông thức tỉnh nhân loại tiến bộ thế giới, đánh mạnh vào chính sách xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.
Cuộc gặp gỡ Việt - Mỹ tại Bratislava (Tiệp Khắc) tháng 9/1967 là một sự kiện quan trọng trong quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hai đoàn đại biểu từ hai miền của Việt Nam (đoàn miền Bắc do ông Nguyễn Minh Vỹ dẫn đầu, đoàn miền Nam do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu) đã gặp đoàn đại biểu của nhân dân Mỹ, đem đến cho các bạn niềm tin vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân tiến bộ Mỹ cũng đón hàng trăm người từ trong và ngoài phong trào phản chiến ở Mỹ vào thăm miền Bắc Việt Nam với mục đích trực tiếp trải nghiệm cuộc chiến tranh anh dũng của nhân dân ta chống cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ và tận mắt chứng kiến những tội ác dã man của không quân Mỹ gây ra cho dân thường Việt Nam. Những tư liệu, ảnh, phim, băng ghi âm… họ mang về đã làm rõ thêm tội ác chiến tranh của Mỹ và tính chính nghĩa của Việt Nam trong dư luận Mỹ và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào phản chiến ở Mỹ phát triển mạnh mẽ.
Đáp lại sự ủng hộ chí tình của nhân dân thế giới, nhân dân Việt Nam không quên làm nghĩa vụ quốc tế của mình. Bản thân cuộc chiến đấu của nhân dân ta đã là sự đóng góp thiết thực và tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sự hình thành trên thực tế Mặt trận nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ và ủng hộ nhân dân Việt Nam chính là bước phát triển mới của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới. Ở nhiều nước, phong trào đoàn kết với Việt Nam đã thực sự là một sự tập hợp lực lượng đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Nhìn lại lịch sử thế giới chưa có cuộc đấu tranh của một dân tộc nào được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi và mạnh mẽ như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam và cũng chưa bao giờ số phận của một dân tộc nhỏ và số phận của nhân dân thế giới lại gắn chặt với nhau như vậy.
Có thể nói, Mặt trận đoàn kết ủng hộ Việt Nam đã trở thành một phong trào rộng lớn mang tính toàn cầu và tiếng nói ủng hộ Việt Nam của nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ ngày càng thêm sức nặng, góp phần buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi đàm phán, tiến tới ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973, dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của nhân dân ta vào mùa Xuân 1975.