Năm Tân Sửu đã khép lại với nhiều biến động to lớn, nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) chính thức có hiệu lực từ ngày 22/01/2021 thể hiện một bước tiến mới trong nỗ lực đạt được một thế giới hòa bình, không vũ khí hạt nhân của nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam mà Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy ban Hòa bình Việt Nam cùng với các tổ chức nhân dân Việt Nam là những tổ chức luôn tích cực đi đầu. Tuy nhiên, xu thế đó đã và đang bị thách thức bởi chủ nghĩa bá quyền, các hành động đơn phương và cạnh tranh nước lớn. Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trở thành trung tâm trong chính sách đối ngoại của nhiều nước và cũng là một trong những tâm điểm của cạnh tranh nước lớn. Khủng hoảng Myanmar đã và đang đặt ASEAN trước thách thức chưa từng có đối với sự đoàn kết của khối cũng như vai trò trung tâm của ASEAN. Phong trào nhân dân thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiếu nguồn lực, chậm đổi mới, thiếu tập hợp lực lượng rộng rãi ở cấp độ quốc tế; và chịu tác động lôi kéo, chi phối của các nước lớn.
Năm 2021 đánh dấu thời điểm đất nước ta bước vào giai đoạn chiến lược quan trọng. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các mục tiêu phát triển đến năm 2025, 2030 và 2045 với khát vọng phát triển về một Việt Nam thịnh vượng, có vị thế cao trong cộng đồng quốc tế. Đảng ta xác định đối ngoại có vai trò tiên phong, là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển và lần đầu tiên khẳng định đối ngoại nhân dân là một “trụ cột” của “nền ngoại giao toàn diện, hiện đại”.Năm 2021 cũng là năm đầu tiên Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam triển khai đường lối đối ngoại của Đảng hội Đảng XIII và đã đạt được những thành công trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có đối ngoại nhân dân đa phương.
Củng cố các cơ chế truyền thống và mở rộng các cơ chế mới
Toạ đàm Phong trào nhân dân thế giới và khu vực trong bối cảnh tình hình quốc tế mới (Hà Nội, ngày 17/6/2021)
Tích cực triển khai thực hiện đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng XIII đã đề ra,tiếp tục bám sát Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, với phương châm chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tham gia hiệu quả, thực chất vào các cơ chế, diễn đàn, khuôn khổ hợp tác quốc tế và khu vực, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, đồng thời đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới vì hòa bình, phát triển bền vững và tiến bộ xã hội.Ta tiếp tục tham gia tích cực, khẳng định được vai trò nòng cốt tại các diễn đàn hợp tác nhân dân đa phương quan trọng của khu vực và thế giới như: Diễn đàn Nhân dân Á-Âu (AEPF 13), Hội nghị Quốc tế chống Bom Nguyên tử và Khinh khí, Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC)…; bên cạnh đó, không ngừng mở rộng tham gia vào các cơ chế, diễn đàn mới, đặc biệt trong khuôn khổ Liên hợp quốc và tiểu vùng Mê Công. Lần đầu tiên, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia vào các cơ chế trong khuôn khổ Liên hợp quốc như: Diễn đàn Chính trị Cấp cao về phát triển bền vững (HLPF 2021), các hoạt động trong khuôn khổ và bên lề Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA 76). Ngoài ra, ta cũng tham gia tích cực vào một số cơ chế, diễn đàn đa phương mới như: Quốc tế Tiến bộ (PI), Mạng lưới Hòa bình và Hành tinh (PPN), Văn phòng Hòa bình Quốc tế (IPB).
Bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc và đóng góp có trách nhiệm
Trong các hoạt động đối ngoại nhân dân đa phương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên luôn quan tâm và góp phần tích cực thúc đẩy và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trên nhiều vấn đề như: chủ quyền biển đảo, an ninh nguồn nước sông Mê Công, chất độc da cam, dân chủ nhân quyền,.... Bên cạnh đó, ta cũng luôn thể hiện trách nhiệm với phong trào nhân dân thế giới thông qua những ý kiến giá trị và hành động thiết thực được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của nhân dân thế giới trong xây dựng và duy trì một thế giới hòa bình, tiến bộ xã hội, trong cuộc đấu tranh loại bỏ vũ khí hạt nhân, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, bảo vệ môi trường, bảo đảm sinh kế cho người dân và trợ giúp những người dễ bị tổn thương trong xã hội...; đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Chúng ta bước sang Năm Mới 2022 trong điều kiện quốc tế có những thuận lợi mới nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức, tác động trực tiếp đến công tác đối ngoại, trong đó có đối ngoại nhân dân đa phương. Hòa bình, hợp tác và phát triển là nhu cầu cấp thiết của mọi quốc gia và cũng là xu thế cần được thúc đẩy. Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và chi phối mạnh mẽ quan hệ quốc tế. Đại dịch không chỉ cho thấy sự cấp bách trong hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu nghiêm trọng, mà còn nhắc nhở nhân loại về những thách thức an ninh phi truyền thống đang đe dọa hòa bình, phát triển và hành tinh của chúng ta. Cùng với đó, cạnh tranh nước lớn, chính trị cường quyền, chủ nghĩa dân tộc, dân túy tiếp tục có xu hướng gia tăng; các điểm nóng, xung đột, mất ổn định khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh đó, đối ngoại nhân dân đa phương có nhiệm vụ quan trọng nhằm đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Một trong những bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thế hệ lãnh đạo đã đúc kết, và gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là“kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia-dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế”. Đó là kim chỉ nam cho công tác đối ngoại nhân dân và cũng chính là phương thức vận động quốc tế trên các diễn đàn nhân dân đa phương khu vực và thế giới, trong đó nêu cao lập trường nguyên tắc của Việt Nam là dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, luôn vì lợi ích của nhân dân, đóng góp có trách nhiệm và đồng hành cùng nhân dân thế giới trong nỗ lực chung vì hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội. Bài học tiếp theo là không ngừng mở rộng quan hệ đối tác theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá. Việc mở rộng đối tác, xây dựng mạng lưới quan hệ nhân dân khu vực và quốc tế đa tầng nấc là cơ sở cho việc phát triển quan hệ hợp tác nhân dân trong tương lai và cũng chính là để vận động sự ủng hộ, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng,tiếp tục có những đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đóng góp cho phong trào nhân dân thế giới, trong năm 2022, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tập trung tổ chức thành công Đại hội lần thứ 22 của WPC; tiếp tục tham gia tích cực vào các cơ chế đa phương quan trọng trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2022, các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công…; đồng thời, tiếp tục củng cố quan hệ với các đối tác truyền thống, mở rộng mạng lưới bạn bè quốc tế; vận động dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam, thúc đẩy và bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; đồng thời tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, phát triển bền vững và tiến bộ xã hội.
Bước vào mùa Xuân Nhâm Dần, chúng tôi - những người làm công tác đối ngoại nhân dân đa phương cảm thấy tự hào về những kết quả đã đạt được trong năm qua, tin tưởng mạnh mẽ vào tương lai và tiếp tục rèn luyện bản lĩnh vững vàng để vượt qua mọi thử thách, khó khăn nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Mùa xuân với sức sống và ý nghĩa tượng trưng cho sự khởi đầu mới tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta, nhắc nhở trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước và dân tộc, truyền thống và tương lai nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để mỗi năm trôi qua, khi nhìn lại ta có thể tự hào đón nhận câu thơ bất hủ của Bác Hồ kính yêu “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua…”.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên (Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Ủy ban Việt Nam Đoàn kết Á-Phi-Mỹ La tinh và Hội Quốc tế ngữ Việt Nam) là thành viên nòng cốt, tích cực trong các cơ chế, diễn đàn nhân dân khu vực và thế giới như:thành viên Ban Tổ chức khu vực của Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF); thành viên Ban Tổ chức quốc tế và điều phối nhóm Hòa bình-An ninh của AEPF; thành viên Ban Chấp hành WPC;tham gia Ban Lãnh đạo Tổ chức Đoàn kết Á-Phi (AAPSO); thành viên của Hội Quốc tế ngữ toàn cầu (UEA); thành viên Nhóm Công tác về COVID-19 của PI; thành viên Nhóm NGO của UN ECOSOC...Ngoài ra, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam có Quy chế Tư vấn đặc biệt tại UN ECOSOC và Quy chế Tư vấn phi chính phủ với AICHR
Nguyễn Thị Thu Hiền
Phó Trưởng ban Ban Công tác đa phương