Chủ tịch Hồ Chí Minh và bạn bè quốc tế (Ảnh tư liệu)
Văn hóa hòa bình trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ nhất, hòa bình là khát vọng của mỗi con người, của bất kỳ dân tộc nào và của cả nhân loại, bởi trong mấy nghìn năm qua, loài người luôn mong muốn được sống trong một thế giới hòa bình. Giải thích về nguồn gốc của khát vọng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”(1). Có thể nói, tư tưởng hòa bình của Hồ Chí Minh - người chiến sĩ hòa bình quốc tế chân chính - đã được hình thành từ rất sớm và Người luôn kiên định theo đuổi tư tưởng này trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình.
Ngày 18-6-1919, trong thời gian hoạt động ở Pháp, thay mặt những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Hội nghị Hòa bình Véc-xây (Pháp), bản Yêu sách của nhân dân An Nam(2). Đây là hội nghị của các nước thắng trận trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất bàn về phân chia lại thế giới và thiết lập một trật tự hòa bình, an ninh mới, được khai mạc vào ngày 18-1-1919, kéo dài trong vòng hai năm. Các nước thắng trận đã tuyên bố trước thế giới cuộc đấu tranh của họ là “văn minh chống dã man”, là trao trả độc lập thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc đã nêu tám yêu sách với những lời lẽ ôn hòa cùng cách ứng xử hòa bình. Đây là bản Tuyên ngôn văn hóa hòa bình đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng, bản yêu sách đã không nhận được hồi âm. Tiếp đó, ngay trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần đưa ra đề nghị năm điểm thông qua cựu sĩ quan tình báo người Pháp Giên Xanh-tơ-ni (Jean Sainteny) gửi tới Chính phủ Pháp, đề xuất bầu một nghị viện do một người Pháp làm chủ tịch qua cuộc phổ thông đầu phiếu. Sau năm năm, muộn nhất là 10 năm, nước Pháp sẽ trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam, Pháp sẽ được hưởng những ưu tiên về kinh tế. Chính phủ Pháp vẫn “im lặng”. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong thư gửi những người Pháp ở Đông Dương (ngày 20-10-1945), Người đánh giá cao tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, cống hiến của nước Pháp cho văn hóa, khoa học văn minh và nêu lên những điểm tương đồng giữa hai dân tộc là khát vọng độc lập, tự do, đồng thời kêu gọi: “Hỡi những người Pháp ở Đông Dương! Các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hòa bình - một nền hòa bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ - phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da ư”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thay mặt nhân dân, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi thông điệp hòa bình hữu nghị đối với nhân dân toàn thế giới. Việt Nam muốn “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai(4). Việt Nam sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam”(5). Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trong thời gian từ tháng 12-1946 đến tháng 3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tám lần gửi thông điệp cho Tổng thống, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, đề nghị hòa bình. Đặc biệt trong thư ngày 10-1-1947, Người nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”(6). Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954) được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì đường lối thống nhất đất nước bằng con đường thi hành hiệp định. Người vẫn bày tỏ: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được”(7).
Đối với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư cho các tổng thống Mỹ, đề nghị Mỹ đàm phán để tìm giải pháp hòa bình. Trong lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ (tháng 11-1968), Người phân tích: “Trải qua gần một trăm năm dưới ách nô lệ thực dân và hơn 20 năm chống chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc, hơn ai hết, nhân dân ta rất thiết tha yêu quý hòa bình để xây dựng đất nước. Nhưng phải là hòa bình thật sự trong độc lập, tự do”(8).
Thứ hai, văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh thấm đậm tinh thần nhân ái, khoan dung. Muốn có hòa bình lâu dài phải tạo lập trước hết một nền văn hóa hòa bình mà linh hồn của nó chính là lòng nhân ái, khoan dung. Người nhận xét: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái”(9). Người có niềm tin vào cái thiện trong mỗi con người: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”(10). Người tin rằng, những con người lầm lạc vẫn có thể cải tạo, trở thành có ích cho xã hội: “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”(11).
Khoan dung Hồ Chí Minh được dựa trên công lý, chính nghĩa, tự do, bình đẳng, không thỏa hiệp vô nguyên tắc với tội ác và bất công xã hội, với những vi phạm quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của các dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lựa chọn giải pháp hòa bình, tránh bạo lực trong xung đột Pháp - Việt Nam. Người đã khôn khéo ký kết Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946, rồi Tạm ước ngày 14-9-1946 với Pháp, mặc dù phải nhân nhượng rất nhiều. Người phân biệt nhân dân Pháp và thực dân Pháp, theo đó “chỉ đánh bọn thực dân, còn đối với những kiều dân không làm hại gì cho nền độc lập của ta, ta sẽ phải bảo vệ tính mệnh và tài sản của họ”(12). Người đã tìm mọi cách để hạn chế những thương vong trên chiến trường cho cả hai phía. Người khẳng định “trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”(13). Để hạn chế thương vong, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng binh vận, địch vận. Tại Hội nghị quân sự lần thứ năm (tháng 8-1948), Người nhắc nhở: “Địch vận là tìm cách làm sao phá được địch mà không phải đánh. Cái đó là việc chính trị”(14). Mặt khác, Người cũng luôn nhắc nhở nhân dân và chiến sĩ phải đối xử nhân văn với tù binh Pháp. “Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng... Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh”(15), “một dân tộc yêu chuộng hòa bình, công lý, nhân đạo”(16).
Đối với người Việt Nam “ở phía bên kia”, Người nói: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài... Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta... Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”(17). Tấm lòng khoan dung, độ lượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức có tên tuổi, kể cả các quan lại cao cấp của chế độ cũ. Họ đã đi theo cách mạng và kháng chiến, không quản ngại gian khổ, hy sinh. Không chỉ với những người lầm lạc mà cả với những người đối lập, Người cũng thể hiện một tấm lòng khoan dung, độ lượng khi họ đã ăn năn, hối cải.
Thứ ba, hòa bình trong văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh là hòa bình chân chính trong độc lập, tự do. Hòa bình không có nghĩa là đầu hàng, nhân nhượng trong những vấn đề thuộc về nguyên tắc. Trước hết, hòa bình phải đi liền với độc lập dân tộc, là chân lý, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời đấu tranh cho độc lập và củng cố độc lập dân tộc. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, Người đã trích bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 và khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(18). Trong thư gửi những người Pháp ở Đông Dương, Người nói rõ: “Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập. Các bạn yêu đồng bào của các bạn và muốn họ được tự do... Nhưng chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi”(19). Người kêu gọi nhân dân Pháp: “Hỡi những người Pháp ở Đông Dương! Các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hòa bình - một nền hòa bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ - phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da ư”(20). Ngày 1-1-1966, trong bức thư chúc mừng nhân dân Mỹ nhân dịp đầu năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân Việt Nam rất thiết tha với hòa bình, nhưng hòa bình thật sự không thể tách khỏi độc lập thực sự. Vì đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, cho nên nhân dân Việt Nam phải chống lại để bảo vệ độc lập và gìn giữ hòa bình”(21). Đáp lại luận điệu vu cáo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “phá hoại hòa bình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với thế giới: “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, nhưng hòa bình không thể tách rời độc lập dân tộc. Nhân dân Việt Nam biết rằng muốn có hòa bình thực sự thì phải có độc lập thực sự; và đấu tranh cho độc lập dân tộc tức là đấu tranh bảo vệ hòa bình”(22). Trong thư trả lời Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn, Người khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự”(23).
Thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tranh thủ mọi cơ hội hòa bình, nhưng kiên quyết đấu tranh chống chiến tranh. Người là hiện thân cho ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức. Tháng 7-1945, Người nói: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(24). Tinh thần đó được thể hiện mạnh mẽ trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(25). Ngay sát thời điểm nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc do thực dân Pháp gây hấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh... Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách... Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi... Dù sao, tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy”(26). Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(27).
Tha thiết với hòa bình nên khi xung đột xảy ra, Người kiên trì thuyết phục Chính phủ Pháp “lập lại ngay nền hòa bình để tránh cho hai nước chúng ta khỏi bị hao người thiệt của, và để gây lại sự cộng tác và tình thân thiện giữa hai dân tộc chúng ta”(28). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người đã đưa ra nhiều sáng kiến chấm dứt cuộc chiến. Đặc biệt, trong thư trả lời Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn, ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình”(29). Về giải pháp giải quyết cuộc chiến tranh, Người khẳng định: “Chỉ cần để quốc Mỹ chấm dứt xâm lược, chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rút quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, để nhân dân Việt Nam giải quyết lấy công việc của mình như Hiệp định Giơnevơ 1954 đã quy định, thì tức khắc có hòa bình ở Việt Nam”(30).
Thứ năm, một nét đặc biệt của văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh là trong chiến tranh sẵn sàng tạo điều kiện cho kẻ thù rút lui trong danh dự. Người cho rằng, đối với kẻ thù, cái chính là đánh bại ý chí xâm lược của chúng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi xuất hiện khả năng thương lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng, và muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình, thì nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sẵn sàng nói chuyện”(31). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi ý chí xâm lược của Mỹ bị đánh bại, Việt Nam đã cùng Mỹ thương lượng hòa bình để chấm dứt chiến tranh. Người cũng nêu ra một cách giải quyết mang đậm tính nhân văn, đó là sẵn sàng “trải thảm đỏ” hay nối “nhịp cầu vàng”(32) để Mỹ rút quân về nước.
Trong công tác tuyên truyền, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở các chiến sĩ: Ta chiến thắng rồi công tác tuyên truyền chỉ nên biểu dương tinh thần anh dũng của quân dân ta, không nên sỉ nhục Pháp. Vì như thế sẽ kích động tinh thần tự ái dân tộc của họ. Sau này đối với Mỹ, Bác cũng căn dặn như thế(33).
Ý nghĩa dân tộc và thời đại của văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh - giá trị vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Tiếp thu truyền thống dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng hòa hiếu, hòa bình, đề cao văn hóa đối thoại trong quan hệ với các nước, kể cả với kẻ thù xâm lược(34).
Năm 1923, nhà báo Liên Xô Ô-xíp Man-đen-xtam, đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai... Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”(35). Văn hóa của tương lai mà Ô-xíp Man-đen-xtam nói đến chính là văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh, là sự kết tinh hoàn hảo nhất tinh hoa của văn hóa phương Đông và phương Tây, các giá trị truyền thống và hiện đại của nhân loại(36).
Tư tưởng về văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh đã đi trước thời đại và tỏa sáng mạnh mẽ. Tháng 9-1981, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công bố “Ngày Quốc tế Hòa bình” dành cho việc kỷ niệm, củng cố những lý tưởng hòa bình, và năm 1982, đã quyết định lấy Ngày 21-9 là Ngày Quốc tế hòa bình. Ngày 13-9-1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động về văn hóa hòa bình. Những nội dung này đã được phản ánh trong văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh cả trong tư tưởng và hành động thực tế.
Những năm gần đây, thế giới và khu vực chứng kiến những diễn biến nhanh, phức tạp, chứa đựng các yếu tố bất an, bất định, bất ngờ, tác động đa chiều đến môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia, trong đó có nước ta. Nhiều nước và khu vực trên thế giới phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và bất ổn. Đặt trong bối cảnh đó, những giá trị nhân văn cao đẹp của văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh càng tỏa sáng, soi đường cho Việt Nam xây đắp hòa bình, giải quyết những vấn đề của quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam thời gian tới là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại;... chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(37), nhằm mục tiêu “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc”(38). Về nhiệm vụ đối ngoại, Đại hội khẳng định, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại. Do đó, có thể thấy:
Một là, giữ vững môi trường hòa bình ổn định và bảo vệ độc lập, chủ quyền là hai trong năm nhiệm vụ của ngoại giao Việt Nam. Để thực hiện hai nhiệm vụ trên, cần sử dụng các công cụ khác nhau, như chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, luật pháp, văn hóa, tư tưởng, “sức mạnh cứng”, “sức mạnh mềm”...
Hai là, văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh là một nguồn “sức mạnh mềm” của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển tư tưởng của nhân loại về một nền hòa bình bền vững. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân loại cần chung tay xây dựng một thế giới hòa bình vì đó là một khát vọng vĩnh hằng. Tuy nhiên, đó phải là “một nền hòa bình chân chính”, “trong độc lập tự do”, “bình đẳng, bác ái”, “xây trên công bình và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh”, “phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da”, “là điều cần thiết phải có để một dân tộc mong muốn kết bạn với dân tộc khác”. Cùng với đấu tranh cho hòa bình, phải kiên quyết chống chiến tranh xâm lược, chiến tranh đế quốc, chiến tranh phi nghĩa. Người cho rằng, đấu tranh và ủng hộ phong trào đấu tranh giành và bảo vệ quyền dân tộc cơ bản, giành và bảo vệ công bằng, bình đẳng, dân chủ trong quan hệ quốc tế chính là tạo ra nền tảng để xây dựng một trật tự quốc tế mới bảo đảm cho hòa bình trên thế giới. Đó chính là những yếu tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nhân loại trong tương lai(39).
Ba là, Việt Nam đã thực hiện khá thành công Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020 và đã ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, với mục tiêu là sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước(40).
Để văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh tiếp tục là nguồn lực tinh thần vô giá, tiếp sức cho Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ hòa bình và xây dựng tương lai tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam cũng như nhân dân thế giới, cần tiếp tục lưu ý các vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh đó, văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh là vấn đề tương đối mới, do đó cần tiếp tục được nghiên cứu sâu, nhất là việc vận dụng trong thực tế.
Thứ hai, “sức mạnh mềm” Việt Nam là sự đóng góp tư tưởng nhân loại về một nền hòa bình bền vững, vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành chiến lược ngoại giao công chúng đóng vai trò hết sức quan trọng, trong đó văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh phải được coi là một trong các vấn đề trọng tâm của ngoại giao công chúng. Ngoại giao công chúng không hẳn là ngoại giao văn hóa. Ngoại giao công chúng là phương thức ngoại giao đa chủ thể, sử dụng các phương tiện truyền thông đa dạng, nhằm tác động đến tình cảm, suy nghĩ của công chúng nước ngoài, tạo hình ảnh đẹp, hiệu ứng tích cực về đất nước mình, qua đó tác động tới chính sách, quan hệ ngoại giao với chính phủ nước ngoài. Ngoại giao công chúng bao trùm cả ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế, thông tin, tuyên truyền đối ngoại... Ngoại giao công chúng cũng là thành tố tạo nên “sức mạnh mềm” của quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng đầu tiên cho ngoại giao công chúng ở Việt Nam - đó chính là “ngoại giao tâm công” - ngay từ những ngày đầu tiên khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, nhờ đó đã giành được sự ủng hộ quý báu của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới và các tổ chức quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao văn hóa - một trong ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam - quảng bá văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh ở trong nước và nước ngoài. Năm 2020, Việt Nam đã tổng kết 10 năm Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”. Thành tựu có nhiều, dư địa còn lớn, cần tiếp tục triển khai chương trình này trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm, giúp hình thành nên những giá trị trường tồn. Đây là hoạt động có ý nghĩa vô cùng lớn, thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, nhất là ở các dân tộc thuộc địa; đồng thời, tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về một thế giới hòa bình, bình đẳng, hạnh phúc.
Thứ tư, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bằng biện pháp tổng hợp và chống bạo lực, chiến tranh phi nghĩa.
Thứ năm, sau những năm tháng chiến tranh, hòa bình có ý nghĩa và giá trị đặc biệt sâu sắc đối với Việt Nam, vì vậy việc xây dựng văn hóa hòa bình ngay trong lòng nhân dân cũng đóng vai trò không nhỏ. Ngày nay, hòa bình không chỉ bao hàm độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia mà còn là môi trường bền vững, an ninh con người, xã hội công bằng, hòa thuận, lối sống nhân văn. Tác động hai mặt của phát triển kinh tế, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đang đặt ra thách thức về giá trị sống và quan hệ xã hội, dẫn đến tình trạng bạo lực gia tăng. Mặt khác, hướng tới một xã hội văn minh nhân ái đòi hỏi đẩy lùi bạo lực, đặt ra yêu cầu về giáo dục để trở thành một công dân tốt, góp phần vì mọi người và xã hội. Phấn đấu cho văn hóa hòa bình là phấn đấu vì chất lượng và ý nghĩa của cuộc sống. Hưởng ứng Ngày Quốc tế hòa bình của Liên hợp quốc (ngày 21-9), nhiều địa phương ở nước ta, như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... đã tổ chức “Ngày hòa bình, phi bạo lực”, được đông đảo người dân tham gia. Đó cũng là tư tưởng văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh cần tiếp tục nhân rộng.
Hòa bình luôn là mong ước, là khát vọng thường trực và hiện hữu của nhân loại, là đích đến trong mọi hành trình và là sợi dây để kết nối toàn cầu. Văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh là “sức mạnh mềm” Việt Nam. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ độc lập, chủ quyền là hai nhiệm vụ đối ngoại quan trọng được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Triển khai mạnh mẽ, hiệu quả Chiến lược ngoại giao văn hóa, Chiến lược ngoại giao công chúng đến năm 2030, mà văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại trên./.
GS, TS. VŨ DƯƠNG HUÂN
Q.Hoa t.h / TCCS