Chiến dịch Trị-Thiên năm 1972 giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm là bản hùng ca bất tử trong lịch sử chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.
Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng. Một vùng đất đẫm máu xương và nặng nghĩa ân tình với nhân dân cả nước.
50 năm sau ngày giải phóng, Quảng Trị đã cùng cả nước vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tỉnh Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam, cũng là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất. Khát vọng cháy bỏng về hòa bình, thống nhất, vươn lên, đã tạo động lực để quân và dân Quảng Trị chiến đấu chiến thắng kẻ thù và xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị
Cách đây 50 năm, với khí thế tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 cùng thắng lợi của chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971, sau khi phân tích tình hình giữa ta và địch trên các chiến trường, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã ra nghị quyết tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972 giải phóng Trị-Thiên nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng địch, giải phóng những vùng đất đai rộng lớn, làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, buộc địch phải chấp nhận một giải pháp chính trị theo điều kiện của ta.
Trước sức mạnh tiến công, nổi dậy và hợp đồng quân binh chủng, sau hơn 1 tháng, quân đội ta đã chọc thủng tuyến phòng thủ Quảng Trị “con đê ngăn chặn” vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam của chính quyền Mỹ-Ngụy. Ngày 1/5/1972, quân địch phải rút khỏi thị xã Quảng Trị. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng gồm hơn 10 vạn dân.
Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ
Giữa tháng 6/1972, ngụy quyền phản công hòng chiếm lại Quảng Trị. Một trong những điểm tấn công có ý nghĩa chiến lược là khu vực Thành cổ. Đây chính là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là “mùa Hè đỏ lửa,” với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có.
Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị được tiến hành trong bối cảnh ta vừa giành được thắng lợi lớn sau 2 đợt tiến công giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị, nhưng không giành được thắng lợi trong đợt 3 tiến công vào phía Nam sông Mỹ Chánh vì không còn yếu tố bất ngờ, địch đã huy động ra Thừa Thiên-Huế đại bộ phận lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch.
Trong khi đó đế quốc Mỹ đã “Mỹ hóa" trở lại toàn bộ hỏa lực trên chiến trường từ không quân đến hải quân với một quy mô và cường độ chưa từng có, nên đợt tiến công thứ 3 của ta từ ngày 20 đến 26/6/1972 đã không thành công.
Giữa tháng 6/1972, ngụy quyền phản công hòng chiếm lại Quảng Trị. Một trong những điểm tấn công có ý nghĩa chiến lược là khu vực Thành cổ. Đây chính là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là “mùa Hè đỏ lửa,” với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có.
Trong 81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9/1972, hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn. Hàng nghìn chiến sỹ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này.
Ngày 16/9/1972, quân ta chủ động rút khỏi Thành cổ sau khi đã gây tổn thất nặng nề cho địch.
Chiến dịch tiến công và nổi dậy năm 1972 giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu chống địch tái chiếm vùng giải phóng Quảng Trị là chiến thắng oanh liệt, có ý nghĩa lịch sử to lớn; là một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, mở đường cho đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Vùng đất nặng nghĩa ân tình với nhân dân cả nước
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Trị là một chiến trường khốc liệt nhất của cả nước. Không có địa phương nào ở miền Bắc lại không có con em của mình trực tiếp chiến đấu ở mảnh đất này. Vì vậy, Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng. Một vùng đất nặng nghĩa ân tình với nhân dân cả nước.
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Quảng Trị trở thành nơi hành hương của người dân cả nước, để thắp hương, thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn, tưởng nhớ hơn một vạn cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng đã anh dũng chiến đấu và nằm lại trên mảnh đất này. Đó là những người con từ mọi miền đất nước theo tiếng gọi của Tổ quốc đã lên đường chiến đấu, bằng niềm tin quyết thắng đã khẳng định được sức mạnh kiên cường của con người trước bom đạn và những điều kiện sống ngặt nghèo nhất của chiến tranh.
Cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn khẳng định: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự, những con người Việt Nam, với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại."
Đánh giá về sự kiện lịch sử trọng đại này, Đảng ta khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 21, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc."
Sức sống mới trên miền “đất lửa”
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng các thế hệ người dân Quảng Trị vẫn luôn mang trong mình sự tự hào, vì đã từng sống trên vùng đất tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với hơn 400 di tích chiến tranh còn lại, 72 nghĩa trang liệt sỹ với gần 60.000 liệt sỹ trong cả nước an nghỉ, trong đó, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, có trên 21.000 liệt sỹ an nghỉ, Quảng Trị thực sự là bảo tàng chứng tích chiến tranh và là địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước.
Quảng Trị một thời hoa lửa, nay đang trên con đường hội nhập và phát triển. Những năm gần đây, tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhất là đầu tư vào năng lượng; phấn đấu đến năm 2025, tổng công suất các dự án nguồn điện đạt khoảng 5.000 MW; đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung.
Tỉnh cũng chú trọng phát triển du lịch biển đảo; trong đó phấn đấu đưa tam giác Cửa Việt-Cửa Tùng-đảo Cồn Cỏ, thành điểm du lịch quốc gia. Đồng thời, phát huy thương hiệu du lịch đã được xây dựng là “Ký ức chiến tranh-Khát vọng hòa bình," với hệ thống với trên 400 di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 4 Di tích quốc gia đặc biệt gồm: Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; Đường Hồ Chí Minh; Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị.
Từ vùng đất bị chiến tranh tàn phá đến hoang tàn, Quảng Trị đang vươn mình phát triển./.
Q.Hoa t.h / TTXVN