Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ trong hai ngày 12 và 13/5 tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr; đồng thời thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11-17/5.
Chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ lần này là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, tự tin mở cửa trở lại, triển khai chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Chuyến thăm tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện đang phát triển tốt đẹp, phù hợp với mục tiêu, lợi ích chung của hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ.
Kể từ khi Việt Nam-Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đến nay, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã trở thành đối tác toàn diện từ chính trị-ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khoa học-công nghệ, đến quốc phòng-an ninh; với động lực hợp tác ngày càng củng cố, mạnh mẽ hơn, các lĩnh vực hợp tác ngày càng rộng, sâu, đa dạng, thực chất, hiệu quả và lợi ích hài hòa có tầm quan trọng chiến lược.
Quan hệ Đối tác toàn diện ngày càng phát triển mạnh mẽ
Sau khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đến ngày 5/8/1995, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ.
Ngay sau đó, hai nước đã khai trương Đại sứ quán tại Washington và Hà Nội (vào tháng 8/1995).
Tháng 11/2000, Tổng thống Hoa Kỳ William J. Clinton thăm Việt Nam. Ông Clinton là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam. Ông Clinton được xem là người đóng góp quan trọng vào quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ cả khi còn đương chức lẫn lúc đã rời nhiệm sở.
Cái bắt tay lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng, ngày 21/6/2005, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 19 – 25/6/2005, đánh dấu sự phát triển mới trong quan hệ song phương sau 10 năm bình thường hoá. Đây cũng là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam sau 30 năm kết thúc chiến tranh. (Ảnh: AP/TTXVN phát)
Tháng 6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Việt Nam thăm Hoa Kỳ sau chiến tranh. Trong chuyến thăm này, hai nước đã ký Thỏa thuận Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật cũng như các thỏa thuận về sự phê chuẩn quốc tế, tình báo và hợp tác quân sự. Thủ tướng, cùng với hơn 100 đại diện của khu vực công và tư nhân đến thăm ba thành phố khác và ký kết nhiều hợp đồng kinh doanh lớn.
Tháng 11/2006 Tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush có chuyến thăm 4 ngày đến Việt Nam trong khuôn khổ các cuộc họp của các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC).
Tháng 6/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống George W.Bush. Chủ tịch nước đã hội kiến với Tổng thống George W. Bush để thảo luận về hợp tác kinh tế và thương mại. Thứ trưởng Bộ Thương mại Nguyễn Cẩm Tú và Phó Đại diện Thương mại Karan Bhatia ký kết Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) vào ngày 21 tháng 6.
Tháng 7/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Kết quả lớn nhất của chuyến thăm là hai bên đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, định hình khuôn khổ quan hệ song phương cho giai đoạn mới cũng như hướng phát triển của quan hệ trong những năm tới.
Tháng 7/2015, kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ. Sau cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, hai bên đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ, cho thấy sự thẳng thắn, cởi mở giữa lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ trong trao đổi các vấn đề trước đây được coi là nhạy cảm. Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong tương lai sẽ thực chất hơn, sâu sắc hơn khi hợp tác các mặt không bị cản trở bởi những khác biệt.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Barack Obama, ngày 7/7/2015, tại Nhà Trắng ở Thủ đô Washington D.C trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 6-10/7/2015. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Hoa Kỳ của người lãnh đạo cao nhất Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ sau khi kết thúc chiến tranh, đánh một dấu mốc quan trọng mới, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tháng 5/2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam. Hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Phủ Chủ tịch, Tổng thống Obama thống nhất công bố quyết định quan trọng của Mỹ về việc xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ được ký kết sau cuộc hội đàm cấp nhà nước này thể hiện rất nhiều nội dung cam kết về tăng cường hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều văn kiện, dự án quan trọng, quy mô lớn được ký kết.
Tháng 5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Chuyến thăm đã mở ra chương mới trong quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hai bên cam kết duy trì và phát triển đà quan hệ, đồng thời đạt được nhận thức chung về khuôn khổ mới hợp tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới, tạo nên những động lực mới góp trong quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, góp phần vào hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Tháng 11/2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 từ 11-12/11.
Trong Tuyên bố chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được đưa ra nhân chuyến thăm, hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Tháng 2/2019, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai tại Hà Nội với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.
Tháng 9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 và có một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, còn có các cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Tổng thống Joe Biden và Đặc phái viên John Kerry bên lề Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh (tháng 10/2021)…
Các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước thời gian qua đã thực sự làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, thúc đẩy đà phát triển quan hệ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau.
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song hai bên vẫn duy trì các cơ chế đối thoại dưới hình thức trực tuyến và linh hoạt duy trì các trao đổi lẫn nhau thông qua hình thức viết thư và điện đàm.
Trong các cuộc trao đổi, phía Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam “hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng,” tiếp tục đánh giá cao vị thế và coi trọng quan hệ với Việt Nam, đề nghị hai bên tiếp tục có các bước đi để tăng cường quan hệ, trong đó ưu tiên hợp tác kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng, y tế, năng lượng.
Hợp tác kinh tế-thương mại tăng trưởng vượt bậc
Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ được coi là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước.
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)
Hiện Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đã tăng hơn 170 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên 77,6 tỷ USD vào năm 2019; 90,8 tỷ USD năm 2020 và hơn 111,56 tỷ USD năm 2021. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.
Đặc điểm quan trọng trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ là tính bổ trợ cho nhau. Cụ thể, Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử…
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu là những mặt hàng mà Hoa Kỳ có nguồn cung dồi dào.
Về đầu tư, đến tháng 3/2022, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam, như: Intel thông báo bổ sung đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh; đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang…
Phía Hoa Kỳ thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số. Mới đây, ngày 29/3/2022, tập đoàn Vinfast cũng đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD tại bang North Carolina (Hoa Kỳ).
Trong thời gian tới, các bộ, ngành Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chủ động hợp tác để giải quyết một cách toàn diện những quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi.
Thúc đẩy và duy trì hợp tác quốc phòng-an ninh
Hợp tác quốc phòng-an ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được xác lập ngay từ khi bình thường hóa năm 1995 và đã có những tiến triển tích cực, thực chất trong việc xử lý hậu quả chiến tranh và những hợp tác trên các phương diện khác.
Tháng 6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ. Đặc biệt, ngày 23/5/2016, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, thực hiện một bước tiến có ý nghĩa, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin giữa hai bên để tăng cường hợp tác đối phó hữu hiệu với các nguy cơ về an ninh trong khu vực.
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, sáng 1/6/2015, tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh ký Tuyên bố Tầm nhìn chung giữa Bộ Quốc phòng hai nước về quan hệ quốc phòng. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Các lĩnh vực hợp tác song phương đã được mở rộng sang tác đào tạo quân y, hợp tác cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ thảm họa, gìn giữ hòa bình, chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực phòng chống khủng bố, an ninh mạng, an ninh nguồn nước… Hoa Kỳ đã tích cực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực lực lượng cảnh sát biển, hải quân Việt Nam, hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế của Việt Nam.
Việt Nam-Hoa Kỳ cùng các nước tích cực hợp tác duy trì tự do hàng hải và thực thi Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc UNCLOS 1982 tại khu vực Biển Đông. Hai bên ủng hộ quan điểm về bảo đảm tự do, an ninh hàng hải, hàng không và tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS; giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hay đe doạ dùng vũ lực; không có những hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực
Năm 2000, Việt Nam-Hoa Kỳ đã ký Hiệp định hợp tác về khoa học-công nghệ vào năm 2000 và thành lập Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học-công nghệ. Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) chính thức được ký kết ngày 6/5/2014 đã mở ra cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hạt nhân dân sự đầy tiềm năng.
Hoa Kỳ và Việt Nam bước đầu hợp tác về khoảng không vũ trụ với Tuyên bố ý định chung về trao đổi hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu không gian (tháng 12/2011) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Hợp tác về giáo dục-đào tạo, y tế cũng là nhân tố quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Hoa Kỳ đã duy trì và tăng ngân sách cho các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có dự án tẩy độc các điểm nóng nhiễm chất dioxin, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Trong thời gian qua, Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đặc biệt chặt chẽ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 và phục hồi sau đại dịch.
Hoa Kỳ đứng đầu trong số các nước cung cấp vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, đã viện trợ gần 39 triệu liều vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế này cùng với nhiều vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch khác. Phía Hoa Kỳ đã chuyển cho Việt Nam 111 tủ lạnh âm sâu để bảo quản vaccine Pfizer; đề xuất viện trợ bộ xét nghiệm nhanh CUE do Hoa Kỳ sản xuất và phối hợp chuyển giao công nghệ vaccine mRNA mới nhất và thuốc điều trị cho đối tác Việt Nam.
Hoa Kỳ cũng đã mở Văn phòng Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Việt Nam (tháng 8/2021).
Ngược lại, khi tình hình chống dịch tại Hoa Kỳ cấp bách, Việt Nam cũng đã hỗ trợ Hoa Kỳ thiết bị bảo hộ cá nhân và khẩu trang vải kháng khuẩn được phía Hoa Kỳ trân trọng và đánh giá cao…
Có thể nói, từ khi bình thường hóa quan hệ, lợi ích chung giữa hai nước đã và đang ngày càng tăng lên, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Tiếp nối những kết quả tốt đẹp đã đạt được, chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài trên tất cả các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh./.
Q.Hoa t.h / TTX