"Chiều hải cảng" do nhạc sỹ Sedoi sáng tác trong thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô (trước đây). Lời bài hát được nhạc sĩ Tân Huyền dịch sang tiếng Việt và đã đi vào tâm thức bao người Việt, góp phần cổ vũ, động viên lớp lớp thanh niên Việt Nam lên đường tham gia cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Với nhiều ý nghĩa, bài hát đã được Dàn đồng ca Nga Turetskiy chọn để trình diễn tại chương trình nghệ thuật “Unity Songs” nhân dịp kỷ niệm Ngày thống nhất dân tộc của Liên bang Nga (04/11) và Ngày cựu sinh viên thống nhất các trường đại học của Liên xô và Nga.
Khi lời ca vừa dứt, cả khán phòng đứng hô vang: Mátxcơva - Hà Nội! Hà Nội - Mátxcơva!
Dàn đồng ca Turetskiy. Ảnh: Hoàng Yến |
Phát biểu tại chương trình, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko cho biết: Chương trình là dịp để Liên bang Nga giới thiệu với công chúng, khán giả Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế tại Việt Nam các giá trị của nền văn hóa, nghệ thuật Nga. Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa đóng vai trò đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, góp phần củng cố và lan toả truyền thống hữu nghị và đoàn kết giữa nhân dân hai nước.
Đại sứ Gennady Bezdetko tin tưởng, thông qua việc tổ chức các chương trình nghệ thuật, hợp tác giao lưu văn hóa, nhân văn giữa Việt Nam và Liên bang Nga sẽ không ngừng được củng cố, ngày càng gắn kết hơn tình cảm giữa nhân dân hai nước.
Trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật của Dàn đồng ca Nga Turetskiy, các nghệ sĩ Nga đã biểu diễn những bản opera cổ điển, các bài hát dân ca Nga và các bài hát ca ngợi Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, như “Kalinka”, “Chim hoạ mi”, “Tình ca du mục”, “Chiều Mátxcơva”, “Chảy đi sông Volga”, “Kachiusa”, “Ngày chiến thắng” ….
Khán giả hát theo những ca khúc ca ngợi Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Ảnh: Hoàng Yến
“Chiều hải cảng” (Вечер на рейде) là ca khúc nổi tiếng, được nhà soạn nhạc Xô-viết Vasily Solovyov Sedoy sáng tác dựa trên lời thơ của Alexander Churkin tại Leningrad vào tháng 8/1941, ngay trước khi thành phố bị Phát-xít Đức phong tỏa. Bài hát kể về tình yêu của người thủy thủ với thành phố hải cảng, với ngôi nhà thân quen đang trong vòng vây của quân thù và một niềm tin vào ngày mai chiến thắng.
Chia sẻ trên báo Komsomolskaya Pravda của Nga hoàn cảnh sáng tác “Chiều hải cảng”, Vasily Solovyov-Sedoy kể: “Vào tháng 8/1941, cùng với một nhóm các nhà soạn nhạc và nhạc công, tôi tình cờ tham gia vào công việc sắp xếp hàng hóa ở cảng Leningrad. Cách đó không xa trên bến cảng có một con tàu, từ đó vang lên âm thanh của đàn accordion và một bài hát. Chúng tôi vừa hoàn thành công việc của mình, vừa nghe các thủy thủ hát rất lâu. Ngày mai, có lẽ họ sẽ tham gia một chiến dịch nguy hiểm. Tôi đã có ý tưởng viết một bài hát về buổi tối tuyệt vời này…”.
Q.Hoa t.h / Thời Đại