Video: TH Thông Tấn
Đồng chủ trì hội nghị là đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia; và bà Men Sam An, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, thành viên Hội đồng cố vấn tối cao của Quốc vương Norodom Sihamuni, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, phát biểu tại Hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện của hai Hội hữu nghị báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của từng hội và kết quả phối hợp hoạt động giữa hai hội trong việc thực hiện Bản ghi nhớ trong năm 2023; bàn phương hướng, nội dung chương trình triển khai thực hiện Bản ghi nhớ năm 2024.
Các đại biểu Việt Nam và Campuchia cũng đã có các tham luận, trao đổi kinh nghiệm hoạt động hữu nghị nhân dân giữa cơ quan, đơn vị và các tỉnh, huyện, xã có chung đường biên giới của hai nước.
Theo đó, năm 2023, hai Hội đã nắm vững và chủ động bám sát những nội dung cơ bản của Bản ghi nhớ để xây dựng kế hoạch hoạt động và tích cực phối hợp triển khai thực hiện với một khối lượng công việc khá lớn và đã thu được những kết quả rất đáng trân trọng trên phần lớn các lĩnh vực, nội dung mà bản ghi nhớ đã đề ra.
Trong đó, khẳng định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục đối với hội viên của hai hội và các tầng lớp nhân dân của hai nước, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia.
Bà Men Sam An, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam, phát biểu tại hội nghị.
Các cấp hội của hai Hội thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình các mặt ở Campuchia và Việt Nam tới hội viên, nhất là về những thành quả phát triển kinh tế-xã hội và các hoạt động đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Hai hội nhất trí tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan chức năng, địa phương của hai nước triển khai nội dung mục II điểm 3 của Bản ghi nhớ.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các hội viên và các tầng lớp nhân dân mỗi nước, nhất là thế hệ trẻ, về tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Campuchia; kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá mối quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước.
Phối hợp tuyên truyền, vận động các cấp hội, hội viên hai nước và nhân dân Campuchia chủ động cung cấp thông tin và tham gia cùng với chính quyền, các đơn vị chức năng trong công tác tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia qua các thời kỳ; cũng như công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử và các đài kỷ niệm biểu tượng cao đẹp về tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Duy trì truyền thống trao đổi đoàn cấp cao và cấp hội, tiếp tục thực hiện các chương trình gặp gỡ hữu nghị, giao lưu văn hoá, ươm mầm hữu nghị, các hoạt động cộng đồng trong xoá đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh.
Dự kiến, năm 2024, Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia sẽ tổ chức 2 đoàn sang thăm Campuchia (Đoàn Cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện và thân nhân liệt sĩ hy sinh ở Campuchia và Đoàn tham dự cuộc họp thường niên giữa hai hội).
Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, nhất là giữa Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) và thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) và giữa các địa phương biên giới; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của hai nước mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh ngày càng thiết thực, hiệu quả…
Q.Hoa t.h / Nhân Dân, TH Thông Tấn