Ngày 10/11, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vòng sơ khảo khu vực miền Nam Cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài năm 2023.
Theo ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo): khu vực phía Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng từ trước đến nay là điểm đến ưa thích của người nước ngoài trên khắp thế giới tới tham quan, học tập và làm việc.
Hiện nay, khu vực phía Nam có trên 4.000 lưu học sinh nước ngoài học tập lấy bằng tại khoảng 50 cơ sở đào tạo và hàng ngàn lưu học sinh nước ngoài đến học tập theo các chương trình trao đổi ngắn hạn đến từ trên 60 quốc gia.
Với việc lấy nền tảng ngôn ngữ là chìa khóa mở cánh cửa đầu tiên trong hành trình học tập đầy hứa hẹn nhưng cũng nhiều thử thách, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam xác định yếu tố then chốt quyết định chất lượng học tập của lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam là trình độ tiếng Việt. Vì vậy, việc nâng cao năng lực tiếng Việt luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong quá trình đào tạo tại tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.
Tiết mục dự thi của Trường Đại học Cửu Long. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
“Dạy học tiếng Việt không chỉ là việc giảng dạy ngôn ngữ, trang bị công cụ tiếp thu kiến thức mà còn là việc quảng bá văn hóa, lan tỏa bản sắc dân tộc và nâng cao năng lực giao tiếp cho lưu học sinh đang học tại Việt Nam nói riêng, người nước ngoài và những người yêu thích ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam nói chung”, ông Phạm Quang Hưng nói.
Với chủ đề “Việt Nam trong tôi", sự sáng tạo và nhiệt huyết của các lưu học sinh nước ngoài đã mang đến những bài hùng biện đa dạng từ kỷ niệm về cuộc sống, kinh nghiệm học tập, danh lam thắng cảnh đến các chủ đề về con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Qua các bài thi, các lưu học sinh đến từ Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Pháp… không chỉ thể hiện năng lực nói tiếng Việt rất giỏi mà còn thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Các thí sinh đã hòa mình vào văn hóa Việt Nam qua việc thể hiện sinh động, thuyết phục những bài hát dân ca, những câu thơ, ca dao, tục ngữ, minh họa các trò chơi dân gian, phong tục tập quán, lễ hội đặc trưng trong những bộ trang phục truyền thống của Việt Nam.
Giải Nhất được trao cho đội thi đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Sau phần trình diễn của 13 đội thi tại khu vực phía Nam, Ban Giám khảo đã trao giải Nhất cho Trường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; 2 giải Nhì cho Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Cửu Long; 3 giải Ba cho Trường Đại học Kiên Giang, Trường Đại học Trà Vinh và Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh.
6 giải Khuyến khích khu vực phía Nam được trao cho các trường: Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Lạc Hồng, Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Đồng Nai.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng đã trao giải triển vọng cho Trường Dự bị Đại học Thành phố Hồ Chí Minh.
4 đội khu vực miền Nam vào chung kết toàn quốc gồm: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cửu Long, Trường Đại học Kiên Giang.
Sau vòng sơ khảo khu vực phía Nam, 12 đội thi xuất sắc được lựa chọn từ 3 cụm thi sẽ tham dự vòng chung kết toàn quốc diễn ra vào ngày 1/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Q.Hoa t.h / Thời Đại