Quang cảnh Tọa đàm điểm cầu tại Hà Nội (ảnh: Tuấn Việt)
Tham dự Tọa đàm về phía Việt Nam có: Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ chủ trì buổi Tọa đàm; đại diện một số cơ quan liên quan lĩnh vực nông nghiệp như: Cục Chăn nuôi; Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Tham tán Thương vụ Sứ quán Việt Nam tại Mỹ.
Về phía Mỹ tham dự có: Công ty tư vấn nguồn lực Việt (Vietnam Resource Group) là đối tác phối hợp tổ chức, với sự hỗ trợ của Tổ chức tư vấn Runckel & Associates (bang Oregon); Công Ty FDA Imports (bang Maryland) chuyên tư vấn cho Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ-FDA; Trung tâm các vấn đề nông nghiệp, Đại học California; đại diện Phòng Nông vụ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội; đại diện Phòng Thương mại Mỹ (AMCHAM) và Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) tại Việt Nam.
Đặc biệt, tham dự Tọa đàm có một số tổ chức hiệp hội nghề nghiệp của Việt Nam và Mỹ cùng với hơn 30 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã của Việt Nam và hơn 10 doanh nghiệp Mỹ hoạt động trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh các mặt hàng nông, thủy, hải sản xuất khẩu.
Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Việt Mỹ phát biểu khai mạc Tọa đàm (ảnh: Tuấn Việt)
Chương trình tọa đàm gồm 02 phiên, gồm phiên giới thiệu chung về thành tựu, kết quả, tiềm năng, triển vọng hợp tác nông nghiệp Mỹ-Việt và phiên giao lưu trực tuyến giữa các công ty Mỹ và Việt Nam có hàng nông sản xuất khẩu (diễn ra ngày 10/9) với các diễn giả 2 nước như Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến; ông Christopher Runckel, nguyên Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Chủ tịch tổ chức Runckel&Associates/Cố vấn Công ty tư vấn VRG; Tiến sĩ William Mathews, Giáo sư Khoa Nông nghiệp, Đại học California; ông Nguyễn Hải Giang, Tổng Biên tập Tạp chí Việt - Mỹ; ông Trần Quang Cường, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Nexfarm; ông Bob Bauer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm bang New Jersey; ông Trung Trịnh, Giám đốc Công ty tư vấn VRG; đại diện Phòng Nông vụ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội; đại diện Phòng Thương mại Mỹ (AMCHAM) và Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) tại Việt Nam.
Ảnh: Tuấn Việt
Tọa đàm được tổ chức nhằm mục đích: Thông qua hoạt động giao lưu nhân dân tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam có điều kiện kết nối, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, cách thức giải quyết các thủ tục với các cơ quan hữu quan của Mỹ liên quan hàng hoá của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ, gia tăng cơ hội cho các hàng hoá nông, thủy, hải sản chủ lực của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Mỹ; Tiếp thu kinh nghiệm, khoa học công nghệ của Mỹ, nhất là công nghệ chế biến sau thu hoạch, để nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông, thủy, hải sản của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ và nước thứ ba; Mở ra các kênh hợp tác mới trên lĩnh vực nông nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hoá nông, thủy, hải sản giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Sự kiện này được tổ chức thành công sẽ là tiền đề cho một diễn đàn thường niên của các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực.
Nông nghiệp là lĩnh vực Việt Nam và Mỹ có nhiều tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu đẩy mạnh hợp tác. Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Mỹ đang tăng mạnh. Trong Quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản đi Mỹ đạt 2,04 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 33,05% trong thị phần giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, Mỹ vượt qua Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt Nam. Một số mặt hàng của Việt Nam có thể mạnh và Mỹ có nhu cầu nhập để đáp ứng tiêu dùng nội địa như rau, củ, quả, cà phê, chè, hạt tiêu, cao su, hạt điều, thủy sản. Tuy nhiên, việc nhập khẩu nông sản vào Mỹ phải thông qua hàng loạt các qui định kỹ thuật kiểm soát nhập khẩu rất khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng đối với hàng nông sản xuất khẩu, từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, bảo quản và vận chuyển nông sản sang Mỹ.
Ở chiều ngược lại, thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy Việt Nam là nhà nhập khẩu lớn thứ 7 hàng nông sản của Hoa Kỳ, với tổng trị giá 3,3 tỷ USD năm 2020. Mỹ hiện là nhà cung cấp hàng hóa nông nghiệp lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Các sảm phẩm nông nghiệp chủ lực của Mỹ xuất sang Việt Nam là đậu tương, lúa mì, ngũ cốc, hạt cây và các sản phẩm từ sữa, bông.
Sáng kiến tổ chức Toạ đàm:“Giao lưu Việt - Mỹ: Những cơ hội hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp và kinh doanh nông sản” theo hình thức bán trực tuyến do Hội Việt-Mỹ đề xuất không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn góp phần tăng cường hợp tác giao lưu nhân dân, phát huy vai trò, thế mạnh của đối ngoại nhân dân phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước; góp phần thúc đẩy quan hệ “Đối tác toàn diện” Việt-Mỹ ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, hướng tới một tầm cao mới.
Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24 đến 26/8 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã nhấn mạnh hợp tác kinh tế đang là một trong những ưu tiên trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Việc tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam là rất quan trọng đối với chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến cho các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn trong sản xuất và xuất nhập khẩu. Phó Tổng thống Mỹ cam kết giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thương mại kỹ thuật số, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong nông nghiệp; hoan nghênh Việt Nam tham gia Sáng kiến cải tiến nông nghiệp vì khí hậu, áp dụng nông nghiệp thông minh để đối phó với biến đổi khí hậu và sử dụng năng lượng sạch. Đồng thời, nhà lãnh đạo Mỹ mong muốn Việt Nam giảm thuế và mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản Mỹ như ngô, lúa mì và các sản phẩm từ thịt lợn, để nông dân Mỹ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với thị trường Việt Nam, cung cấp cho Việt Nam các sản phẩm có chất lượng cao với giá cả cạnh tranh, đồng thời giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam.
Tuấn Việt / Ban Châu Mỹ