Hiểu về hòa bình
Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, mỗi khi nhắc đến hòa bình, nhiều người thường nói đến “sự vắng mặt của chiến tranh”. Tuy nhiên, quan niệm này chưa toàn diện và đầy đủ.
"Hòa bình không có nghĩa là không có chiến tranh. Hòa bình là sống trong một thế giới không có bạo lực, mọi giá trị, phẩm giá của con người được tôn vinh, vun đắp. Đó là cơ sở xây dựng nền hòa bình bền vững", Đại sứ Nguyễn Phương Nga phát biểu.
Các diễn giả chia sẻ tại chương trình Giao lưu “Tôi yêu Hòa bình” được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày quốc tế Hòa bình 21/9. |
"Xã hội không thể hòa bình nếu như con người không có sự bình yên trong tâm mỗi người. Giáo dục là tạo nên nền móng vững chắc cho hòa bình. Trong các Nghị quyết của Liên hợp quốc cũng nói rõ rằng "chiến tranh đến từ trong tâm của mỗi người". Muốn chấm dứt chiến tranh phải kiến tạo hòa bình trong tâm của mỗi người. Vì vậy, nói đến hòa bình cần hiểu theo nghĩa rộng là phải gìn giữ và kiến tạo hòa bình.
Chương trình giao lưu “Tôi yêu hòa bình” thu hút sự tham gia của sinh viên đến từ trường Đại học hàng hải, Đại học Y dược và Đại học Hải Phòng. |
Theo GS.TSKH.NGND. Vũ Minh Giang, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBHB Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi luôn tìm cách để kết thúc chiến tranh. Khi chiến tranh kết thúc, trong những áng văn của mình, Nguyễn Trãi đã đưa ra tuyên bố phải làm sao để dập tắt muôn đời chiến tranh. Vì vậy, khi quân địch thất bại, chúng ta tạo mọi điều kiện để đạo quân còn lại rút nhanh về nước và không gây hận thù tiếp nữa. Đó là một trong rất nhiều minh chứng cho tấy Việt Nam là dân tộc luôn muốn kết thúc chiến tranh, muốn hòa bình lâu dài.
Dân tộc ta lập nghiệp ở vùng đất địa chính trị, phải đối diện với nhiều thử thách hiểm nghèo nên buộc phải cầm súng đứng lên chống ngoại xâm. Nhưng Việt Nam cũng là dân tộc hiểu hơn ai hết hậu quả, nghiệt ngã của chiến tranh nên tình yêu đối với hòa bình cũng vì thế mà nhân lên gấp bội. Vì vậy chúng ta đã, đang và sẽ tuyên truyền, giáo dục để mọi người thấy giá trị của hòa bình.
"Khi tâm thức hướng tới bình yên, mọi người yêu chuộng hòa bình từ trong tâm thì hành động, suy nghĩ của mỗi người sẽ góp phần tạo ra sự bình yên, hòa bình cho xã hội", GS. Vũ Minh Giang nói.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ tại chương trình. |
"Nhân", "trí" để gìn giữ, bảo vệ hòa bình
Chia sẻ tại tọa đàm, anh Ngô Việt Anh, Phó Bí thư Đoàn thanh niên, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hòa bình trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho rằng: Các bạn trẻ cần ý thức rằng để có được hòa bình, thế hệ ông cha đã phải cầm súng chiến đấu, không ít người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Ngay ở thời điểm hiện tại, Đảng, Nhà nước và nhiều người con của dân tộc Việt Nam vẫn đang ngày đêm đấu tranh để gìn giữ và bảo vệ hòa bình.
Hòa bình xuất phát từ tâm. Mỗi bạn trẻ là tương lai của đất nước. Nếu chúng ta gieo vào trong chính mình hạt giống hòa bình, chúng ta sẽ có được ý thức, phương pháp gìn giữ và phát huy hòa bình cho dân tộc cũng như thế giới.
Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hòa bình trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng cho rằng mỗi người trẻ cần luôn ghi nhớ chữ "Tĩnh". Tĩnh lặng để lắng nghe người khác, để học hỏi được từ thầy cô, từ các bậc cha anh đi trước và cả những người nhỏ hơn mình. Tĩnh lặng để tự rèn luyện bản thân và trưởng thành. Trân trọng để biết ơn nhiều hơn những người mình đang gặp, những điều mình được đón nhận mỗi ngày.
Lãnh đạo Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP Hải Phòng, Ủy ban Hòa bình TP Hải Phòng tặng hoa các đại biểu tham gia chương trình Giao lưu “Tôi yêu Hòa bình”. |
Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, hiện nay hòa bình gắn chặt với phát triển, nếu không có hòa bình bền vững không thể có phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng có cao đến đâu nhưng xã hội không có bình yên, xã hội không có hòa bình thực sự, thì sự phát triển không thể bền vững.
Các bạn sinh viên không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của đất nước. Mỗi người sẽ là một sứ giả hòa bình. Không phải chỉ trong quan hệ quốc tế mà trong cả cách chúng ta ứng xử với người thân, bạn bè và xã hội. Như vậy chúng ta mới có được một môi trường hòa bình bền vững.
Vì vậy phải cố gắng học tập, không chỉ trong nhà trường, mà cả trong sách vở và những người xung quanh. Chỉ có tu thân, rèn luyện mới có thể trở thành những người có đủ năng lực phẩm chất để có thể bảo vệ giữ vững hòa bình cho chính mình, cho gia đình, cho đất nước, và rộng hơn nữa cho khu vực và trên thế giới. Nếu không rèn luyện thì không có "nhân", không học tập không có "trí". Không có hai điều đó không thể bảo vệ và giữ vững được hòa bình.
Ngày Hòa bình thế giới
Ngày Hòa bình thế giới được Liên hợp quốc khởi xuống vào năm 1981 và lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 9/1982. Tới năm 2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức tuyên bố lấy ngày 21/9 hằng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế hòa bình. Ngày này được coi là dịp để LHQ kêu gọi các bên tham chiến trên toàn thế giới cùng từ bỏ vũ khí và đưa ra một phương án thương lượng, đàm phán trong hòa bình; xem xét cách thức tốt nhất để thoát khỏi xung đột và bạo lực; kêu gọi mọi người cùng chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Chính thức là thành viên của LHQ ngày 20/9/1977, ngay từ những ngày đầu tham gia Việt Nam đã chủ động đóng góp tiếng nói về những vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, hợp tác ở Đông - Nam Á. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh giữ nước, bảo vệ dân tộc khỏi ách đô hộ của phong kiến, thực dân và đế quốc, Việt Nam hiểu sâu sắc nỗi đau, mất mát của những vùng chiến sự, những dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết, đòi độc lập. Do đó, không chỉ là riêng ngày 21/9, hàng năm, Việt Nam chúng ta luôn luôn tích cực đóng góp sáng kiến hòa bình khi tham gia vào Liên Hợp Quốc, đồng thời hiện thực hóa sự đóng góp ấy bằng những hành động thiết thực tới các vùng có chiến sự và nghèo đói trên thế giới.
Năm 2023, Ngày Quốc tế Hòa bình có Chủ đề “Actions for Peace: Our Ambition for the GlobalGoals - Hành động vì hòa bình: Tham vọng của chúng ta vì các Mục tiêu Toàn cầu..”.
Long Phạm / Theo Thời Đại