Quang cảnh Hội nghị
Dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương Nguyễn Đình Khang và đại diện lãnh đạo các tổ chức trong Khối thi đua.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao những kết quả nổi bật của các tổ chức trong khối, đặc biệt là những đóng góp quan trọng trong nỗ lực của cả nước phòng, chống dịch COVID-19 và ổn định kinh tế - xã hội. Nhấn mạnh tới bối cảnh cả nước vừa thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị các tổ chức trong Khối thi đua tập trung thực hiện quyết liệt hơn nữa Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về “Đẩy mạnh vận động toàn dân phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục phòng, chống, khắc phục tác động của dịch COVID-19” bằng các chương trình hành động cụ thể của từng tổ chức, gắn với các phong trào, các cuộc vận động đang được thực hiện hiệu quả của Khối trong thời gian qua.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.
“Mặc dù sẽ có nhiều khó khăn hơn các năm trước nhưng các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Liên hiệp tiếp tục chung tay cùng với Mặt trận để vận động ủng hộ Ngày vì người nghèo, tổ chức thành công Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và chuẩn bị Tết vì người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn gợi mở: Các thành viên trong Khối thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Liên hiệp cần tiếp tục triển khai giám sát việc thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ để tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng và nhanh chóng; phản ánh những bất cập hoặc sai phạm để các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Trước hết là phối hợp cùng với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội làm tốt việc chi trả tiền hỗ trợ, không để xảy ra sai phạm trong tổ chức, hội viên, đoàn viên của mình. Các tổ chức trong Khối phải bám sát cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhân dân và doanh nghiệp để phản ánh với Đảng và Chính phủ có biện pháp kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu các tổ chức trong Khối thi đua tích cực tham gia vào quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tổ chức các hoạt động hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và các ngày lễ lớn sự kiện trọng đại của đất nước, của Mặt trận và các thành viên trong Khối. Trong những tháng cuối năm 2020, các tổ chức cần vận động các cơ quan báo chí trực thuộc tham dự Giải báo chí với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí lần thứ 3 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức; đề cử các công trình tiêu biểu của đoàn viên, hội viên tham dự tuyển chọn 75 công trình trong Sách Vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm để tiếp tục thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19, từ đó góp phần vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng ban Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng ban Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết: Trong tình hình đại dịch bệnh COVID-19 diễn ra từ đầu năm 2020, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) gặp nhiều khó khăn PACCOM đã chủ đã chủ động liên hệ với các TCPCPNN để tìm hiểu khó khăn, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức trong quá trình hoạt động. PACCOM sớm đưa vào vận hành phòng họp trực tuyến để trực tiếp trao đổi, chia sẻ với các TCPCPNN trong điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc cần hạn chế. Qua đó, hỗ trợ các tổ chức những vấn đề về thủ tục hành chính , visa, giấy phép lao động, hỗ trợ triển khai một số hợp phần dự án trong khả năng cho phép, đồng thời, vận động các TCPCPNN và các nhà tài trợ hỗ trợ cho Việt Nam phòng chống dịch COVID-19…
Trong công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, PACCOM đã tích cực trao đổi, hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình vận động cho địa phương theo Chương trình Quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2019-2025; đã đăng tải lên trang thông tin điện tử của Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN thông tin về nhu cầu hợp tác, xúc tiến vận động viện trợ PCPNN thời gian tới của 53/63 địa phương cung cấp; tổ chức họp trực tuyến với nhóm Viện trợ khẩn cấp thuộc Trung tâm Dữ liệu PCPNN; xây dựng bảng khảo sát điều tra về tác động của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động để từ đó có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Tính đến ngày 15/7/2020, đã có 55 TCPCPNN hỗ trợ bằng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết bị y tế, tiền mặt… với tổng giá trị lên đên 6.2 triệu USD.
Trong công tác vận động chính trị, PACCOM đã tích cực chia sẻ thông tin về nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh và ổn định xã hội, nhiều bạn bè quốc tế đã có bài viết, bình luận tích cực ca ngợi về công tác chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Đặc biệt, 77 tổ chức PCPNN và Trung tâm Dữ liệu PCPNN đã có thư chung gửi lãnh đạo Việt Namđánh giá cao chủ trương của Việt Nam sẵn sang hi sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân, ủng hộ các biện pháp của Chính phủ Việt Nam, đồng thời cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam….
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương nga và các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị
Báo cáo sơ kết công tác thi đua của Khối nêu rõ, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị trong Khối thi đua đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, đồng hành cùng cả nước chung tay phòng chống dịch bệnh và thực hiện mục tiêu kép. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đơn vị trong Khối đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát huy tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái cùng cả nước đồng lòng vượt qua khó khăn; đến nay số tiền, hiện vật ủng hộ và đăng ký ủng hộ phòng chống dịch COVID-19 thông qua hệ thống MTTQ các cấp đạt trên 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các phong trào thi đua, các cuộc vận động được các tổ chức thành viên trong Khối phát động đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến đã có chuyển biến rõ nét. Công tác khen thưởng được thực hiện đúng quy định, đảm bảo chính xác, kịp thời, công bằng, công khai, dân chủ.
Theo Phó Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Đức Toàn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, các đơn vị trong Khối cần tiếp tục tổ chức triển khai những phong trào thi đua sôi nổi với hình thức phong phú, nội dung thiết thực. Công tác khen thưởng được thực hiện chặt chẽ, đúng người đúng việc, chú trọng người lao động trực tiếp. Các tổ chức thành viên trong Khối triển khai hiệu quả 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, trọng tâm là triển khai giai đoạn 2 phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2020-2025, phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tiếp tục triển khai đồng bộ ở các cấp phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phát hiện, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, tạo chuyển biến rõ nét trong việc khen thưởng cho các điển hình tiên tiến.
NN