Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo Hội nghị (ảnh NY)
Tham dự Hội nghị có hơn 450 đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các đoàn thể chính trị - xã hội; các tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; các cơ quan thông tấn ở trung ương và Hà Nội. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Thay mặt Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp Hữu nghị tham dự Hội nghị và trình bày tham luận “Vai trò của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong triển khai công tác thông tin đối ngoại qua kênh đối ngoại nhân dân, phương hướng 2019”.
Tham luận đã nêu rõ những kết quả nổi bật trong công tác thông tin đối của Liên hiệp Hữu nghị trong năm qua, đóng góp vào thành công chung của công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam năm 2018 với một số thành tựu đáng ghi nhận:
* Các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân được triển khai mạnh mẽ:
Năm qua, Liên hiệp Hữu nghị cử gần 70 đoàn công tác nước ngoài; đón gần 1.400 đoàn (bao gồm các đoàn công tác của phi chính phủ nước ngoài) với trên 3000 lượt người đến từ nhiều quốc gia trên thế giới vào thăm, làm việc, triển khai các dự án nhân đạo và phát triển.
Liên hiệp đã tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng cả song phương và đa phương như: “Gặp mặt hữu nghị mừng Xuân Mậu Tuất 2018”; Phối hợp với Uỷ ban nhân dân và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình “Du xuân hữu nghị 2018”tại tỉnh Thái Nguyên; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, các nước lớn, kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam với các nước: Nhật Bản, Canada, Úc, Italia, Hà Lan, Bỉ, Malaixia; tổ chức thành công triển lãm ảnh “Thành tựu công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam và cải cách mở cửa của Trung Quốc”; Tham dự Diễn đàn Nhân dân ASEAN, Diễn đàn nhân dân Á – Âu...
Thông qua các hoạt động đối ngoại này, Liên hiệp Hữu nghị đã tích cực giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, công cuộc Đổi mới, chính sách đối ngoại của Việt Nam và quan hệ của Việt Nam với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Qua đó tạo điều kiện cho bạn bè quốc tế thấy tận mắt hình ảnh đối mới của Việt Nam trên các lĩnh vực, cũng như những khó khăn, thách thức mà nhân dân Việt Nam đang phải đương đầu
* Liên hiệp Hữu nghị đã phát huy vai trò là đầu mối quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), tích cực tuyên truyền, quảng bá về thành tựu đổi mới, chính sách đối ngoại, thu hút đầu tư, viện trợ của Việt Nam và sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ, cũng những khó khăn, thách thức Việt Nam đang gặp phải.
Các chuyến thăm, tiếp xúc giúp các đoàn chuyên gia, nhà tài trợ nước ngoài có cái nhìn khách quan hơn về Việt Nam và có định hướng hợp tác hiệu quả hơn. Nhiều tổ chức PCPNN tiếp tục là kênh chính trị đối ngoại quan trọng, trực tiếp góp phần hoặc hỗ trợ Việt Nam chuyển tải các thông điệp hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác tới thế giới. Giá trị viện trợ từ các tổ chức PCPNN được duy trì, năm 2018 ước đạt khoảng 280 triệu đô la Mỹ với hàng nghìn dự án giúp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của đất nước, nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Liên hiệp Hữu nghị đã tiến hành tổng kết chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ giai đoạn 2013-2017, hoàn thành dự thảo Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn mới (2018 – 2025).
* Liên hiệp Hữu nghị đã làm tốt công tác đấu tranh với các luận điệu chống phá, sai trái, thù địch
Liên hiệp Hữu nghị đã tham gia tích cực vào các cơ chế, tập hợp lực lượng trong vào ngoài nước đấu tranh trực tiếp quyết liệt, có chiều sâu và hiệu quả với những hành động, luận điệu chống phá, xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch liên quan đến dân tộc, tôn giáo và nhân quyền tại các Diễn đàn lớn như Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2018 (APF) tại Singapore, Diễn đàn nhân dân Á – Âu 2018 (AEPF) tại Bỉ, vận động các tổ chức, cá nhân và bạn bè, đối tác có cảm tình với Việt Nam ủng hộ ta; làm tốt vai trò đầu mối trong quan hệ với “Viện Liên kết Toàn cầu” (IGE) triển khai Đề án “Đối thoại không chính thức về tôn giáo, nhân quyền”( kênh 2). Trong khuôn khổ Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Liên hiệp Hữu nghị đã chủ động vận động các đối tác quốc tế đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Báo cáo quốc gia của Việt Nam qua đó cung cấp những cách nhìn khách quan về tình hình thực hiện quyền con người của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục tranh thủ tận dụng các diễn đàn đa phương, qua sự tham gia của Quỹ Hoà bình và phát triển Việt Nam vào quy chế tư vấn tại Hội đồng Kinh tế - xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC), quy chế tư vấn Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR).
* Tích cực tham gia công tác tuyên truyền biển đảo:
Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên đã tích cực tổ chức/tham gia các hoạt động cung cấp thông tin giúp bạn bè, đối tác quốc tế, cộng đồng người VN ở nước ngoài hiểu bản chất vấn đề Biển Đông và quan điểm của Việt Nam, từ đó tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế. Ví dụ: Hội thảo Biển Đông được tổ chức thường niên tại Hàn Quốc. Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam tái bản cuốn sách về Biển Đông để cung cấp thông tin cho nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
* Nâng cao hiệu quả của các phương tiện thông tin đối ngoại của Liên hiệp Hữu nghị:
Cùng với việc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam, các công cụ thông tin của Liên hiệp và các tổ chức thành viên như Báo Thời đại, Tạp chí Hữu nghị, Trang thông tin điện tử vufo.org.vn, Bản tin và Trang thông tin điện tử vpdf.org.vn của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, các tạp chí, bản tin, đặc san của các tổ chức thành viên như Tạp chí Việt - Mỹ, Tạp chí Bạch Dương, Bản tin Việt - Pháp … và bản tin, trang thông tin điện tử của các Liên hiệp địa phương đã góp phần tích cực vào việc cung cấp thông tin cập nhật về các vấn đề trong nước, quốc tế, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước cũng như quan hệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của nhân dân ta với nhân dân thế giới và những hoạt động vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Hiện tại, chuyên trang Thời Đại online của Liên hiệp Hữu nghị bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Lào và tiếng Khmer đã có lượng bạn đọc ổn định, số lượng bài và lượng truy cập lớn. Bên cạnh chuyên trang điện tử, Báo Thời đại tiếp tục mở các diễn đàn để thu hút bạn đọc và các đánh giá, bình luận vào các dịp kỷ niệm lớn. Hiện tại, Báo đang bước đầu vận hành có hiệu quả hai trang báo điện tử tiếng Lào và Khơ me nhằm đẩy mạnh tuyên truyền tại 2 địa bàn trọng điểm là Lào và Campuchia. Các trang báo bằng tiếng nước ngoài có sự tham gia tích cực của các du học sinh nước ngoài tại Việt Nam đã giúp nâng cao chất lượng tin, bài và ngôn ngữ.
Liên hiệp Hữu nghị chủ động xây dựng nhiều ấn phẩm tuyên truyền song ngữ bằng các ngôn ngữ Anh, Nhật, Trung Quốc,… như xuất bản sách, tạp chí, sản xuất phim tư liệu về quan hệ hữu nghị Việt - Ấn, Việt – Nhật...,; Sản xuất Bản tin hữu nghị - Bản tin hình và vận hành hiệu quả trang facebook chính thức để đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, ngắn gọn, có tính tương tác cao với người đọc và hướng tới giới trẻ, trang đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của bạn bè trong và ngoài nước với nội dung thông tin ngày càng phong phú, đa dạng.
Với những kết quả ấn tượng đã đạt được trong năm qua, đồng chí Nguyễn Phương Nga nêu rõ những nội dung cần tập trung để đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại của Liên hiệp Hữu nghị trong năm 2019.
Đồng chí Nguyễn Phương Nga phát biểu (ảnh NY)
Đồng chí Nguyễn Phương Nga cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến sâu sắc hiện nay, tác động của xu thế dân chủ hoá đời sống chính trị, sự phát triển của công nghệ thông tin và khả năng liên kết, hợp tác giữa nhân dân các nước trong quá trình toàn cầu hoá, đối ngoại nhân dân và tiếng nói của các tổ chức nhân dân ngày càng có ảnh hưởng quan trọng .
Thực tế cho thấy có những vấn đề trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước chưa được đề cập hoặc giải quyết trong các cuộc hội đàm chính thức đã được trao đổi dưới dạng “không chính thức” và giải quyết theo kênh “nhân dân” một cách mềm dẻo, linh hoạt. Nhiều cuộc giao lưu hữu nghị giữa nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam với các nước láng giềng đã góp phần vào việc xây dựng biên giới hữu nghị, củng cố an ninh biên giới, tránh được những xung đột, những tranh chấp không đáng có có thể xảy ra ở những khu vực biên giới nhạy cảm.
Trong bối cảnh đó, năm 2019, công tác thông tin đối ngoại của Liên hiệp Hữu nghị cần tập trung vào các nội dung:
- Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nêu trong Kết luận 16-KL/TW của Bộ Chính trị về "Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020"; "Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020" và Nghị định số 72/ NĐ-CP về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại.
- Tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam, thành tựu công cuộc đổi mới, các sự kiện trọng đại của đất nước, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng;, Phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao,.
- Củng cố và hoàn thiện mạng lưới báo chí, Website của Liên hiệp ; xây dựng thêm các trang báo bằng tiếng nước ngoài như Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc... , chú trọng đến các địa bàn trọng điểm về đối ngoại.
- Tăng cường nghiên cứu nắm bắt thông tin, nâng cao chất lượng dự báo, đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; triển khai đề án và hội thảo khoa học nghiên cứu về công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh ứng dụng mạng xã hội. Phối hợp với Bộ Ngoại giao đấu tranh vận động giúp bảo vệ thành công Báo cáo kiểm điểm định kỳ lần 3 (UPR 3)
- Tích cực phổ biến nội dung Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển, các văn bản pháp lý về biển, đảo...; lập trường chính nghĩa của VN, chủ trương, biện pháp của Đảng và Nhà nước giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông; tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tăng cường sản xuất các ấn phẩm tuyên truyền đối ngoại về vấn đề Biển Đông bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc...
N. Yến