Tham dự hội thảo có đông đại biểu là các giáo sư đại học, chuyên gia, học giả, các nhà nghiên cứu về hải dương học, luật học, Việt Nam học, sinh viên của nhiều trường đại học tại Seoul và nhiều doanh nhân cũng như những người Hàn Quốc quan tâm tới Việt Nam. Đặc biệt, tại hội thảo năm nay có sự tham dự của một số nghị sĩ có tầm ảnh hưởng xã hội của Hàn Quốc.
Tại hội thảo, các học giả đã ôn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ, khẳng định vì đã trải nhiều cuộc chiến tranh nên hơn bất kỳ một dân tộc nào trên thế giới, Việt Nam luôn trân trọng giá trị của hoà bình và việc gìn giữ hoà bình trên thế giới. Đặc biệt, hội thảo tập trung vào việc phân tích về các vấn đề pháp lý mới nhất liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam nói riêng và với một số nước trong khu vực nói chung. Hội thảo cũng đề xuất các phương án giải quyết các tranh chấp hiện nay ở biển Đông. Các ý kiến đều cho rằng, nếu Trung Quốc vẫn cố tình không tuân thủ luật pháp quốc tế, tiếp tục triển khai các hoạt động gây căng thẳng ở biển Đông thì việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông, tạo ra một môi trường ổn định và hoà bình ở khu vực sẽ còn gặp nhiều khó khăn; rằng hai nước Việt Nam và Hàn Quốc nói riêng, các quốc gia nói chung phải coi việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở biển Đông là trách nhiệm của chính mình vì đó chính là điều kiện để đảm bảo hoà bình, an ninh, tự do hàng hải và thương mại quốc tế. Tại hội thảo, các chuyên gia và học giả kêu gọi các bên liên quan cùng hợp tác tích cực với tinh thần trách nhiệm chung, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp chấp ở khu vực biển Đông bằng các biện pháp hoà bình./.
Thu Trang AP