Đoàn Hội hữu nghị Lào - Việt Nam và cán bộ bảo tàng Cay-xỏn Phôm-vi-hản, bảo tàng Xu-pha-nu-vông sang Việt Nam lần này nhằm sưu tầm tài liệu phục vụ cho việc kỷ niệm năm chẵn của các lãnh tụ Lào trong hai năm tới (110 năm ngày sinh của Chủ tịch Xu-pha-nu-vông, 13/7/1909 – 13/7/2019; 100 năm ngày sinh Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản 13/12/1920 – 13/12/2020).
Trong khuôn khổ chương trình hoạt động, Đoàn đã đến thăm Khu Di tích bản Lao Khô, nơi thành lập Ban xung phong Lào - Bắc năm 1948 do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm Trưởng ban; Bản Lao Khô thuộc xã Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La) là một địa danh, một biểu tượng cao đẹp của tình quân dân Việt Nam - Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là một trong những căn cứ cách mạng đầu tiên dọc biên giới Việt Nam - Lào, nơi để lại dấu ấn đậm nét về sự giúp đỡ của người dân trong vùng đối với người chỉ huy của Ban xung phong Lào - Bắc (Lào) là Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Ban xung phong Lào - Bắc đã được đồng bào bản Phiêng Sa nuôi giấu và cho mượn đất để xây dựng cơ sở trong thời gian hoạt động bí mật tại đây.
Đây cũng là nơi lưu giữ những giá trị to lớn về lịch sử, sự gắn bó máu thịt của tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ Tổ quốc. Khu di tích còn là nguồn tư liệu lịch sử quý giá, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, quan hệ đoàn kết đặc biệt, tình cảm thủy chung son sắt giữa hai nước Việt Nam - Lào. Ngày 03/4/2012, Di tích đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Ngày 24/4/2012, Đảng, Nhà nước và Quốc hội hai nước Việt Nam - Lào đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia và động thổ xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào. Khu Di tích được quy hoạch trên diện tích gần 50 ha, gồm: Di tích gốc là khu nền nhà cũ của gia đình ông Tráng Lao Khô và các lán trại của Ban xung phong Lào - Bắc thời kỳ 1948-1951; Đài biểu tượng Hữu nghị Việt Nam - Lào; nhà trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật quan trọng về tình hữu nghị Việt Nam - Lào; nơi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản; Bia dẫn tích tổng quan giới thiệu về di tích; nhà đón tiếp, khu giáo dục truyền thống...
Đoàn tới thăm khu di tích lịch sử Nhà tù Sơn La-Nhà tù Sơn La xây dựng từ năm 1908. Lợi dụng vùng rừng núi xa xôi cách trở, biệt lập với bên ngoài, thực dân Pháp những tưởng nơi rừng thiêng nước độc sẽ làm nhụt ý chí đấu tranh của những người yêu nước…
Tại Hòa Bình, Đoàn thăm địa điểm huấn luyện chính trị và tổ chức Đại hội trù bị của Đại hội II Đảng Nhân dân Lào (nay là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) - Đại hội do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản chủ trì; Đại hội trù bị Đại hội II Đảng Nhân dân Lào diễn ra tại Hòa Bình là dấu mốc quan trọng góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Lào lên một bước mới. Đoàn cũng đã tới thăm Thủy điện Hòa Bình và thắp hương tại tượng đài Bác Hồ.
Tại Hà Nội, Đoàn đi thăm những nơi đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản từng theo học như trường Đại học Đông Dương (nay là Trường Đại học Tự Nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Trung học Phổ thông Trần Phú, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An và gặp gỡ những người từng trực tiếp hoạt động, phục vụ Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông...
Tại buổi gặp gỡ giữa những người từng trực tiếp hoạt động, phục vụ Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản; Chủ tịch Xu-pha-nu-vông với Đoàn, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng Ban Liên lạc toàn quốc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào đã nhắc lại nhiều câu chuyện về một thời sống, chiến đấu tại chiến trường nước bạn, trong đó có nhiều kỷ niệm với Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Ấn tượng về Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản trong lòng vị tướng già là lần tổ chức tổng kết chiến dịch Thượng Lào vào tháng 5/1970. Tại đây, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã khẳng định một lần nữa sức mạnh không gì ngăn nổi trong mối tình đoàn kết chiến đấu giữa hai Đảng, hai dân tộc, hai lực lượng vũ trang Việt - Lào. Những lời nói của đồng chí đã có sức mạnh động viên hết sức to lớn đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Sau này, khi được phân công làm Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương có nhiều dịp gặp gỡ, trao đổi với Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, nhưng những lời nói của đồng chí trong dịp tổng kết chiến dịch Thượng Lào tháng 5/1970 ấy vẫn làm ông nhớ mãi.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương khẳng định, cán bộ chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, các binh đoàn chủ lực cơ động của Quân đội nhân dân Việt Nam tự hào được kề vai sát cánh chiến đấu với Quân đội và nhân dân các dân tộc Lào anh hùng, thông minh, dũng cảm, kiên cường bất khuất.
Nhiều ý kiến tại buổi gặp gỡ cũng bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhân dân và đặc biệt là tầng lớp thanh niên hiện nay của hai nước sẽ tiếp nối truyền thống mà các thế hệ đi trước tạo dựng, tiếp tục vun đắp, phát triển truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện lên tầm cao mới, ngày càng tươi đẹp và có hiệu quả.
Thay mặt Đoàn đại biểu Hội hữu nghị Lào - Việt Nam và các Bảo tàng, Nhà lưu niệm Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Chủ tịch Xu-pha-nu-vông, đồng chí Thongvanh Thongdy (Thoong-Văn Thoong-Đi), Trưởng Phòng Tuyên truyền và Thuyết minh, Bảo tàng Cay-xỏn Phôm-vi-hản cho biết: mục đích chuyến thăm Việt Nam của Đoàn lần này nhằm sưu tầm tài liệu phục vụ cho việc kỷ niệm những năm chẵn của các lãnh tụ Lào trong hai năm tới: 110 năm Ngày sinh của Chủ tịch Xu-pha-nu-vông (13/7/1909 – 13/7/2019); 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản (13/12/1920 – 13/12/2020).
Tại Tuyên Quang, Đoàn đã đi thăm Di tích cách mạng Lào nằm tại tại thôn Làng Ngòi – Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Khu Làng Ngòi bao gồm các di tích: Hội trường Đại hội đại biểu Neo Lào Ítxala; nơi ở, làm việc của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản; nơi ở, làm việc của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông; nơi ở, làm việc của đơn vị bộ đội Lào.
Toàn bộ Khu di tích nằm trên đồi Gò Tre, đồi Tơ thuộc thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Diện tích đã được khoanh vùng bảo vệ là: 1.500m2...
Hai thôn Làng Ngòi và Đá Bàn tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn đã trở thành địa danh lịch sử được biết đến bởi mối tình đoàn kết gắn bó, cùng sẻ chia của 2 nước Việt - Lào. Nơi đây, trong thời gian hơn 1 năm (Cuối tháng 11/1949, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã rời căn cứ kháng chiến Sầm Nưa, vượt Trường Sơn sang Việt Nam qua Hà Tĩnh, Nghệ An, Hòa Bình. Cuối tháng 12/1949, từ Ô Chợ Dừa (Đống Đa), Hà Nội, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông lên căn cứ Tân Trào, huyện Sơn Dương-pv) là nơi ở và làm việc của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, đồng chí Cay-xỏn-phôn-vi-hẳn và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Lào. Giờ đây, tại Tuyên Quang, hai thôn Làng Ngòi và Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn đã trở thành địa chỉ đỏ ghi dấu và giáo dục các thế hệ trẻ về mối đoàn kết hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc Việt - Lào, cùng vun đắp và xây dựng tình hữu nghị bền vững.
Nơi đây không chỉ là nơi làm việc của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, mà tại đây còn diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng của cách mạng Lào: Ngày 13/8/1950, Đại hội Mặt trận Lào kháng chiến đã được tổ chức, đồng thời quyết định nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng Lào…
Đoàn chọn Thái Nguyên là điểm kết thúc của chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam; tại Thái Nguyên, Đoàn đã đến dâng hoa và thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Người sáng lập Đảng cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay tại Di tích Quốc gia đặc biệt An Toàn Khu Định Hóa.
Đoàn tới thăm Di tích Tỉn Keo (nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, từ 1947-1954)…
Chia sẻ kỷ niệm về chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, chị Kipsavanh Keobouathy, Chuyên viên Nhà tưởng niệm Chủ tịch Xu-pha-nu-vông hết sức xúc động khi được đến thăm những địa danh mà Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và Chủ tịch Cay-xỏn-phôn-vi-hẳn từng ở và làm việc tại Việt Nam, được nghe những câu chuyện và trao đổi với các đồng chí lão thành đã từng phục vụ các đồng chí Xu-pha-nu-vông và Cay-xỏn-phôn-vi-hẳn; chị Kipsavanh Keobouathy cho biết bản thân hết sức tự hào và hứa sẽ cố gắng học tập, trau dồi kinh nghiệm cho xứng với những gì thế hệ đi trước đã dày công vun đắp để làm cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Tuấn Việt