Quang cảnh Hội nghị (Photo: NN)
Tham dự Hội nghị có ông Phan Anh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Trưởng ban Ban Điều phối viện trợ nhân dân; bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện tổ chức ActionAid Việt Nam; đại diện các Bộ, ban, ngành, Ủy ban của Quốc hội, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và tổ chức xã hội Việt Nam.
Hội nghị tương tác này nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong phát triển nông thôn” do Ủy ban châu Âu và tổ chức ActionAid phối hợp thực hiện, nhằm tăng cường và nâng cao vị thế của các tổ chức xã hội trong cuộc chiến chống đói nghèo và nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, giảm bất bình đẳng kinh tế và xã hội ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phan Anh Sơn cho biết, trong 3 năm trở lại đây các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 300 triệu/năm, trong đó lĩnh vực y tế chiếm 30 - 33%, tương đương khoảng hơn 100 triệu USD, và lĩnh vực giáo dục khoảng từ 10-12%, tương đương hơn 30 triệu USD.
Ông Phan Anh Sơn mong muốn, thông qua Hội nghị, các đại biểu cùng nhìn nhận một cách thực tế và khách quan về sự kết hợp giữa đầu tư công về phía nhà nước và sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, trong đó có các đối tác là các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; nêu ra những điểm tích cực cần phát huy và khuyết điểm cần khắc phục rút kinh nghiệm; khuyến nghị đối với những người trực tiếp làm công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài để nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp giữa đầu tư công và viện trợ của các tổ chức xã hội trên lĩnh vực y tế, giáo dục trong thời gian tới.
Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng Ban Kinh tế vĩ mô, Viện nghiên cứu quản lí kinh tế, đã khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc thực hiện các quyền cơ bản của công dân thông qua các dự án đầu tư công cho các dịch vụ công thiết yếu.
Về y tế, Việt Nam đứng thứ hai từ dưới lên (2007) và thứ năm từ trên xuống (2014) trong số các nước ASEAN về chi tiêu công cho y tế trên tổng chi y tế, tỷ lệ này có tăng theo thời gian (31% năm 2007 và 54,1% năm 2014). Tuy vậy, khó khăn về đội ngũ y bác sĩ ở tuyến cơ sở (vừa thiếu vừa yếu) ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của nhóm cận nghèo còn thấp (55%) dù được hỗ trợ từ 70% mệnh giá bảo hiểm trở lên.
Về giáo dục, mặc dù chi tiêu công cho giáo dục trên tổng chi cho giáo dục của Việt Nam đứng thứ hai từ trên xuống trong khu vực ASEAN, phần lớn (82%) chi này là cho chi thường xuyên. Điều này có nghĩa các nhu cầu đầu tư để cải tiến chất lượng giáo dục còn rất hạn chế. Các cơ sở đào tạo được giao tự chủ tài chính nhưng lại không được giao tự chủ mức thu học phí, do đó việc tự chủ tài chính là không thực chất.
Bà Hoàng Phương Thảo cho rằng, Nhà nước cần phát huy vai trò chủ đạo của mình trong việc thực hiện các quyền cơ bản của công dân thông qua các dự án đầu tư công cho các dịch vụ công thiết yếu. Quan trọng hơn, cần huy động được người dân tham gia với vai trò bình đẳng trong xây dựng quy hoạch, đóng góp chi phí, thực hiện và giám sát các dự án đầu tư công để nâng cao hiệu quả của các dịch vụ thiết yếu nhất, đáp ứng được nhu cầu phát triển của người dân.
Nội dung thảo luận trong Hội nghị là các vấn đề cũng như giải pháp trong việc đảm bảo duy trì tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho các dịch vụ y tế, giáo dục, đặc biệt tại các khu vực gặp nhiều khó khăn, từ đó có những kế hoạch vận động chính sách để đảm bảo hiệu quả của chi ngân sách nhà nước cho các dịch vụ công ở Việt Nam.
NN