Hội thảo “Vai trò của các tổ chức nhân dân trong ngoại giao đa phương”
(Vietpeace) Sáng 30/11, tại trụ sở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ban Điều phối viện trợ nhân dân, Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân Việt Nam phối hợp với Viện Rosa Luxemburg – Stiftung tổ chức Hội thảo “Vai trò của các tổ chức nhân dân trong ngoại giao đa phương”
Tham dự Hội thảo có, ông Phan Anh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân; đại diện các Bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các tổ chức nhân dân Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Anh Sơn cho biết ngoại giao đa phương ngày càng phát triển và dần dần khẳng định vai trò, vị trí của mình trong đời sống chính trị - kinh tế - đối ngoại của thế giới. Đối với nước ta, ngoại giao đa phương là một bộ phận quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay. Giới thiệu về mục đích Hội thảo, ông Phan Anh Sơn cho biết Hội thảo “Vai trò của các tổ chức nhân dân trong ngoại giao đa phương” nhằm góp phần thông tin góc nhìn tổng quan về sự tham gia của các tổ chức nhân dân và đề xuất, khuyến nghị cho các tổ chức nhân dân phát huy tối đa vai trò khi tham các diễn đàn đa phương trong thời gian tới.
Quang cảnh Hội thảo (Photo: TV)
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao nêu ra một số thành tựu của ngoại giao đa phương: góp phần định hình “luật chơi chung” tại các thể chế/diễn đàn đa phương ở cấp độ tiểu vùng, khu vực và toàn cầu, đóp góp vào các nỗ lực chung vì hòa bình, an ninh và phát triển, qua đó góp phần nâng cao đáng kể vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam; góp phần bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích của ta về an ninh và phát triển; tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương với các nước tại các thể chế đa phương; tranh thủ nguồn lực quốc tế đa phương phục vụ các yêu cầu mới về phát triển kinh tế xã hội.
Để nâng tầm công tác đối ngoại nhân dân đa phương, ông Vũ Anh Quang cho rằng các tổ chức chính trị - xã hội cần chủ động hơn nữa trong tìm kiếm nguồn lực, xây dựng mạng lưới quan hệ với các tổ chức trong khu vực và quốc tế, từ đó tăng cường sự tham gia và có tiếng nói tại các diễn đàn quốc tế và khu vực phù hợp; tăng cường vai trò và sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước (Ban Đối ngoại, Bộ Nội vụ) và các cơ quan điều phối (Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp các hội) trong hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; cần xác định những lĩnh vực thuộc ưu tiên hàng đầu của ta và nghiên cứu có chính sách hỗ trợ (về cơ chế, tài chính) đối với một số tổ chức chính trị - xã hội có đủ năng lực, bộ máy nhằm khuyến khích họ tham gia sâu vào các diễn đàn, cơ chế khu vực và quốc tế nhằm phát huy vai trò, tiếng nói cũng như tranh thủ kênh phi chính phủ để thúc đẩy, bảo vệ lợi ích của ta.
Theo ông Đồng Huy Cương, Phó Trưởng ban Ban Công tác Đa phương thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, sự tham gia của các tổ chức nhân dân Việt Nam tại các diễn đàn nhân dân đa phương như Diễn đàn nhân dân Á - Âu, Diễn đàn nhân dân ASEAN… kết nối được các tổ chức nhân dân, tạo ra các kênh đối thoại và hợp tác, có tác động nhất định đến sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi bên tham gia.
Ông Đồng Huy Cương nhấn mạnh, trong tương lai, để kết nối các tổ chức nhân dân ngày càng bền chặt cần tăng cường chia sẻ thông tin, kết nối giữa các tổ chức nhân dân với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ, kết nối giữa các tổ chức nhân dân với nhau.
Tại Hội thảo các đại biểu cùng thảo luận về vị trí và xu hướng, các chính sách và thành tựu của Việt Nam trong ngoại giao đa phương; sự tham gia của các tổ chức nhân dân Việt Nam trong ngoại giao đa phương; những vấn đề đặt ra và khuyến nghị về đối ngoại nhân dân đa phương. NN