Tham dự đoàn công tác có phóng viên đến từ các đơn vị báo chí Trung ương như Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Lao động, Báo Người đưa tin, Đài Truyền hình Hà Nội, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan báo chí của Liên hiệp.
Sáng 15/11, đoàn công tác làm việc với ông Lê Trung Thành, Trưởng phòng Giáo dục huyện Quản Bạ, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển huyện.

Đoàn làm việc với Ban quản lý dự án (ảnh: TV)
Tại buổi làm việc, ông Lê Trung Thành đã giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quản Bạ và cung cấp thông tin về dự án “ Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong phát triển nông thôn” đang triển khai trên địa bàn huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Huyện Quản Bạ là một huyện biên giới nằm ở khu vực phía bắc tỉnh Hà Giang, có diện tích trên 534,43 km2, là một trong 6 huyện nghèo nhất của tỉnh và nằm trong nhóm 62 huyện nghèo nhất trong toàn quốc thuộc đề án 30A của Chính phủ nhằm xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế cho các huyện đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, huyện Quản Bạ cũng có tiềm năng về phát triển nông nghiệp, cây ăn quả, dịch vụ ăn uống và du lịch....

Đoàn tham quan thực tế dự án làm đường (ảnh: TV)
Tổ chức ActionAid Internationl Việt Nam hoạt động tại 06/13 xã, thị trấn trong huyện: Thị trấn Tam Sơn, xã, xã Quản Bạ, xã Đông Hà, xã Cán Tỷ, xã Thái An, xã Tùng Vải.
Dự án “Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong phát triển nông thôn” được thực hiện tại 4 xã và 01 thị trấn của huyện Quản Bạ: Xã Quản Bạ, Cán Tỷ, Thái An, Tùng Vài và thị trấn Tam Sơn trong thời gian 4 năm, từ 15/1/2013- 15/1/2017.
Ông Lê Trung Thành nhấn mạnh mục tiêu chung của dự án nhằm tăng cường và trao quyền cho các tổ chức xã hội trong cuộc chiến chống đói nghèo và thúc đẩy các quy định pháp luật nhằm giảm bất bình đẳng kinh tế và xã hội tại Việt Nam.

Các phóng viên phỏng vấn người dân về lợi ích của dự án (ảnh: TV)
Chia sẻ về khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, ông Lê Trung Thành cho biết, điều kiện tự nhiên của huyện không thuận lợi, giao thông đi lại khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, đại đa số nhân dân thuộc diện nghèo, nhận thức của học viên tham gia các lớp tập huấn cũng như các buổi hội thảo cơ bản chậm; nhiều người tham gia vào chương trình dự án là lao động chính trong gia đình nên các công việc lao động theo thời vụ cũng ảnh hưởng phần nào đến phong trào và chất lượng học tập, sinh hoạt của các lớp, các nhóm phát triển cộng đồng; kinh nghiệm của các báo cáo viên trong các đợt tập huấn chưa nhiều, một số học viên các lớp tập huấn lần đầu tiên được tiếp cận và vận dụng phương pháp cũng như nội dung vào thực tiễn còn gặp nhiều bỡ ngỡ.
Ông Thành mong muốn tổ chức ActionAid tại Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho các trung tâm học tập cộng đồng tại các xã về vật chất cũng như nâng cao năng lực lập kế hoạch và quản lý trung tâm; các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở về quản trị công; giao lưu chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện chương trình giữa các tỉnh tham gia dự án; hỗ trợ thêm nguồn vốn để thực hiện hoạt động tăng thu nhập cho các nhóm phát triển cộng đồng.
Sau khi làm việc với Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển huyện, đoàn công tác đi tham quan thực tế và tìm hiểu thông tin về dự án “Làm đường tránh lũ và sạt lở đất tại thôn Trúc Sơn, xã Quản Bạ và dự án “Làm nhà sinh hoạt cộng đồng” tại thôn Tùng Vài Phìn, xã Tùng Vài.
NN