Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có GS. TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Hà Lan; GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi. Về phía Hà Lan có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Joops Scheffers; Giáo sư Martijin Van de Groep, Cố vấn trưởng dự án “ Mekong Delta Plan”. Ngoài ra, còn có sự tham dự của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài ngành Việt Nam và Hà Lan…
Tại cuộc hội thảo, TS. Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã trình bày báo cáo về “Đánh giá diễn biến lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2000 và 2011”. Báo cáo đã nêu lên bức tranh tổng quát về đặc điểm và ảnh hưởng của lũ đến kinh tế và hoạt động dân sinh của miền sông nước Tây Nam Bộ; trong đó nhấn mạnh đến mặt lợi và mặt hại của lũ. Theo báo cáo, mỗi khi xảy ra lũ lớn, một vùng rộng lớn Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích gần 2 triệu ha bị ngập ở độ sâu từ 0,5 – 4m. Thời gian ngập lụt của ĐBSCL kéo dài khoảng 3 -5 tháng (từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm). Do bị ngập lụt kéo dài nên cuộc sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, điều kiện vệ sinh môi trường kém. Ở những vùng ngập sâu, dân cư phải di dời tránh lũ, cuộc sống của người dân chưa được an toàn và ổn định. Tuy nhiên, lũ cũng đem lại những lợi ích nhất định cho ĐBSCL như bồi đắp một lượng phù sa lớn, vệ sinh đồng ruộng, cải thiện môi trường, cung cấp nguồn thủy sản nước ngọt từ thượng lưu về, bổ sung nước ngầm và độ ẩm cho mùa khô, đẩy mặn...
GS. Martijin Van de Groep, Cố vấn trưởng dự án “Mekong Delta Plan” đã trình bày báo cáo về dự án “Quy hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long”. Ông cho biết, dự án này đã được Chính phủ hai nước Việt Nam và Hà Lan ký kết, tạo tiền đề phát triển lâu dài về ứng phó với biến đối khí hậu. Hà Lan coi Việt Nam là một đối tác, hỗ trợ và tư vấn cho Việt Nam để thực hiện dự án. Ông đã đưa ra 4 kịch bản kinh tế xã hội cho vùng ĐBSCL gồm: An toàn lương thực - sản xuất gạo và cá là sự ưu tiên hàng đầu; Chuyên môn hóa nền kinh tế nông nghiệp- giá trị nông nghiệp gia tăng là ưu tiên; Công nghiệp hóa hành lang kinh tế - việc làm trong ngành công nghiệp là ưu tiên và Công nghiệp hóa nút kép - tổng sản lượng là ưu tiên. Dựa vào những phát triển hiện tại ở vùng ĐBSCL và các mục tiêu phát triển quốc gia, vùng và ngành, chúng ta có thể nhìn thấy các viễn cảnh phát triển tương lai.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề được đưa ra; trong đó nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới mức độ khả thi, tính sát thực của 4 kịch bản kinh tế xã hội trong báo cáo của GS. Martijin Van de Groep đối với sự phát triển của khu vực ĐBSCL.
N. Yến