Tham dự buổi tọa đàm có bà Nguyễn Thị Hoàng Vân - Tổng thư ký Liên hiệp, ông Nguyễn Văn Huỳnh - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Hòa bình Việt Nam, ông Phạm Văn Chương - Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, bà Đào Thanh Hương - Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Hà Nội, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia ( Bộ ngoại giao), đại diện Ủy ban Hòa bình Việt Nam và Ủy ban Hòa bình Hà Nội, và toàn thể các cán bộ, chuyên viên của Liên Hiệp.
Sau phần phát biểu khai mạc của bà Nguyễn Thị Hoàng Vân - Tổng thư ký Liên Hiệp, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) đã trình bày khái quát về tình hình Biển Đông trong những năm gần đây, đặc biệt là tình hình Hoàng Sa, Trường Sa; về tiến trình xây dựng Luật Biển Việt Nam, và những quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.
Ông Trần Duy Hải cho biết, từ năm 2012 cho đến nay, tình hình tại Biển Đông diễn biến rất phức tạp do Trung Quốc gần đây đẩy mạnh các hoạt động tại đây. Sau khi đưa ra Bản đồ lưỡi bò năm 2009, tháng 6/2012, Trung Quốc tiếp tục mời thầu 9 lô dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 10 lần Trung Quốc đơn phương cấm tàu bè của Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển của Việt Nam. Đỉnh điểm là vụ tàu hải quân Trung Quốc đã bắn cháy tàu cá ở Quảng Ngãi của ông Bùi Quang Phải khi đang tiến hành khai thác thủy sản ở vùng biển Hoàng Sa ngày 20/3.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Chương - Phó chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam khẳng định lập trường quan điểm đúng đắn của Việt Nam về vấn đề chủ quyền cũng như trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Ông cho rằng, Biển Đông là khu vực có ý nghĩa sống còn về địa chiến lược, kinh tế, giao thông và an ninh hàng hải đối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt với Việt Nam. Với cách trình bày cô đọng và có hệ thống, ông đã giúp người nghe hiểu rõ hơn về tiến trình ra đời của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, làm rõ các khái niệm pháp lý về các vùng nước thuộc chủ quyền và chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đồng thời, ông cũng giới thiệu những tư liệu, căn cứ pháp lý về thềm lục địa ở Biển Ðông và hải đảo của Việt Nam, giúp cho các đại biểu có thêm cơ sở khoa học về chủ quyền thềm lục địa và hải đảo của Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt là đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Phần trình bày của các đại biểu đã nhận được sự chia sẻ, tán đồng của những người tham gia tọa đàm. Nhiều ý kiến phát biểu, những câu hỏi liên quan đã được ông Hải và những đại diện có hiểu biết về tình hình Biển Đông giải đáp cụ thể.
Kết thúc buổi tọa đàm, các đại biểu đều nhất trí tranh chấp trên Biển Đông không thể giải quyết trong một thời gian ngắn, cần kiên trì giải quyết bằng đối thoại và biện pháp hòa bình trên cơ sở vì lợi ích của mỗi bên và dựa vào luật pháp quốc tế. Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, các tổ chức thành viên cần làm tốt công tác tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân hiểu đúng về vấn đề biển Đông và đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Thu Hằng