Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã trình bày chi tiết và tham gia tranh luận những vấn đề xoay quanh sinh vật biến đổi gien. Nhiều tác giả trên thế giới đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu về những lợi ích mà sinh vật và cây trồng biến đổi gien có thể mang lại cho con người như: đảm bảo an ninh lương thực và hạ giá thành lương thực qua các áp dụng khoa học, kĩ thuật tiên tiến lên cây trồng và vật nuôi; bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần xóa đói giảm nghèo; giảm tác hại của các hoạt động nông nghiệp với môi trường; giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu và giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính; tăng hiệu quả sản xuất nhiên liệu sinh học nhờ tạo ra các giống cây có khả năng phát triển trong điều kiện bất lợi của môi trường, góp phần ổn định các lợi ích kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà GMO có thể mang lại, có không ít các rủi ro có thể xảy ra và đến nay vẫn còn gây tranh luận trong giới khoa học. Loại thực phẩm có nguồn gốc từ cây trồng biến đổi gien cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người; Đối với môi trường, có thể gây mất cân bằng hệ sinh thái, làm cạn kiệt hoặc hủy diệt các giống cây truyền thống, làm lây lan gien kháng thuốc diệt cỏ trong quần thể thực vật, ngoài ra còn có thể làm phát sinh các loại sâu bệnh mới ...
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn đưa ra những tư liệu điển hình về việc áp dụng công nghệ GMO ở các nước và những dẫn chứng liên quan đến vấn đề chủ quyền, an ninh lương thực trên thế giới, qua đó cùng thảo luận về việc áp dụng công nghệ này tại Việt Nam.
Là một nước nông nghiệp và xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới, Việt Nam cần hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định nghiên cứu, áp dụng và sản xuất công nghệ sinh vật biến đổi gien, nâng cao năng lực quản lý cũng như hệ thống chính sách pháp luật về GMO, không vội vàng, tránh lặp lại những bài học đáng tiếc của một số nước đã đi trước nhằm tạo ra một môi trường khoa học-kĩ thuật cũng như một thị trường nông, thủy sản lành mạnh.
Phan Sơn Hải