Về nội dung “Công tác an ninh quốc gia trong tình hình mới”, Thiếu tướng Vũ Thanh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh, Bộ Công an đã nêu rõ bốn mối đe dọa trực tiếp đến an ninh nước ta trong thời gian tới gồm: Tụt hậu về kinh tế; tình trạng tham nhũng trong bộ máy nhà nước; ảnh hưởng của diễn biến hòa bình đến hệ tư tưởng của nhân dân và một số tư tưởng gây chệch định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó,cho thấy những nhiệm vụ an ninh quốc gia cấp bách trong thời kì mới là: Tăng cường bảo vệ Đảng, chính trị nội bộ; chống chiến tranh, phá hoại của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; giữ gìn an ninh trong nước để ổn định, phát triển kinh tế; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong nước và người Việt ở nước ngoài, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.
Tiếp đó Hội nghị đã cùng nhau thảo luận, đóng góp ý kiến về Chương trình hành động của Liên hiệp thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng do đồng chí Chủ tịch Vũ Xuân Hồng chủ trì. Về công tác đối ngoại nhân dân, Đại hội Đảng lần thứ XI chỉ rõ: “Coi trọng và nâng cao hiệu quả của công tác ngoại giao nhân dân. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu về đối ngoại; chăm lo đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho cán bộ chủ chốt các cấp. Đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với họat động đối ngoại. Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa; giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh”. Về cơ bản, các đại biểu đồng ý với dự thảo, đồng thời nêu mong muốn sớm thể chế hóa các nghị quyết, chính sách của Đảng nhà nước về hoạt động của Liên hiệp và các tổ chức thành viên; tăng cường gắn kết, chia sẻ thông tin về công tác đối ngoại giữa các tổ chức thành viên ở các tỉnh thành và Trung ương; củng cố, sát nhập các tổ chức thành viên ; tăng cường đào tạo đội ngũ kế cận…
Chủ đề về “Đấu tranh chống một số quan điểm sai trái, thù địch thông qua hoạt động đối ngoại nhân dân” do đồng chí Trần Đắc Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trình bày đã cho thấy cuộc đấu tranh tư tưởng trong thời gian tới sẽ mạnh mẽ hơn, đòi hỏi mỗi cán bộ hoạt động đối ngoại phải có nhận thức đúng đắn, tự trang bị tâm lý, tư tưởng vững vàng nếu không sẽ dễ dàng lệch lạc và đi ngược lại với lý tưởng, đường lối lãnh đạo của Đảng, phải xử lý tốt mối quan hệ hình thức và bản chất trong quan hệ đối ngoại, đi vào bản chất của mọi vấn đề, tiếp cận, phân tích một cách biện chứng và tổng thể. Trong quan hệ với các tổ chức bên ngoài, cần chú ý nêu rõ được những giá trị nhân văn, tính chính nghĩa của ta mới có sức thuyết phục với bạn bè quốc tế.
Kết thúc ngày làm việc thứ hai của Hội nghị, các đại biểu đã có buổi tham quan Nhà Truyền thống Liên hiệp và giao lưu văn nghệ thân mật tại trụ sở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam 105A Quán Thánh, Hà Nội.
S. H