Sự khủng hoảng của mô hình
Vấn đề trước tiên đặt ra là liệu công thức được áp dụng phổ biến hiện nay là chế độ đa đảng, tự do báo chí và bầu cử tự do có thực sự đảm bảo được dân chủ tại các nước trên thế giới. Và câu trả lời dựa trên những dẫn chứng thực tế của các đại biểu là không. Trong khi không phủ nhận những tiến bộ của các cải cách dân chủ đã đạt được, những người tham dự cũng đã nói rõ về sự bế tắc của mô hình tại nước họ. “Chúng tôi cứ 4 năm đi bầu cử 1 lần. Vận động bầu cử thì rất quyết liệt. Nhưng sau đó thì chẳng có gì thay đổi. Quyền lực thực tế vẫn thuộc về các nhóm tầng lớp trên (elite).” – Một đại biểu từ một nước châu Á tâm sự. Một đại biểu đến từ Anh nói: “Gọi là đa đảng và bầu cử tự do, nhưng trên thực chất thì nhân dân Anh chỉ có thể lựa chọn 1 trong 2 đảng. Và điều đáng nói nhất là chính sách của 2 đảng này về cơ bản không có gì khác nhau, chủ yếu vẫn phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản”. Một hiện tượng nhiều đại biểu đề cập là xu hướng thu hẹp chương trình tranh cử. Cuộc sống của xã hội, mối quan tâm của người dân gồm rất nhiều vấn đề cần được giải quyết. Nhưng nội dung tranh cử của các chính đảng lớn thì quá hẹp, không phản ánh được những nhu cầu bức xúc của xã hội. Một anh bạn châu Âu nói với tôi là Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam bao quát toàn diện và sâu sắc hơn nhiều so với chương trình tranh cử của tất cả các đảng chính trị ở nước của anh ta gộp lại. Anh Saleh, người Inđônêxia nêu một dẫn chứng về một bộ tộc đang sinh sống rất yên bình và hài hòa với thiên nhiên nhưng sau bầu cử thì chính phủ quyết định trưng dụng đất đai của họ để làm vườn quốc gia và cuộc sống của họ từ đó hoàn toàn bị đảo lộn mà không có ai quan tâm. Và câu hỏi của anh đặt ra là liệu những người dân này có cần một nền dân chủ như thế không? Một số đại biểu phân tích rằng nếu tự do báo chí nhưng báo chí thuộc về tư nhân thì quyền lực thứ tư này trên thực chất chỉ thuộc về người giàu. Hoặc tự do bầu cử nhưng đồng tiền có ảnh hưởng chi phối quá trình vận động và kết quả bầu cử thì cuối cùng là những người giàu là những người quyết định. Và chế độ đa nguyên kiểu đó chỉ là cách để đảm bảo cho quyền lực luôn luôn thuộc về tầng lớp giàu có. Đó là nguyên nhân chính của những bế tắc của các mô hình dân chủ hiện nay. Đó cũng là lý do của vòng luẩn quẩn là các cuộc bầu cử nối tiếp nhau nói chung đều không thay đổi cơ bản được để hướng chính sách phục vụ cho lợi ích của nhân dân lao động. Và vì thế mà một số đại biểu đã nói thẳng rằng họ luôn luôn tẩy chay các cuộc bầu cử ở nước họ Trường hợp Vênêzuêla hay trường hợp Bôlivia được dẫn chứng như những điểm sáng về khả năng thay đổi chế độ thông qua bầu cử tự do. Những cũng có những ý kiến nhận định rằng đó là những trường hợp rất đặc thù khi tình hình xã hội thực sự ở giai đoạn khủng hoảng hay tiền khủng hoảng và nhân dân được thức tỉnh về mặt chính trị. Trả lời câu hỏi về việc liệu có một mô hình dân chủ chung cho tất cả các quốc gia không, bà Hilkka Pietila, một người Phần Lan nhiều năm hoạt động cho phong trào Liên hợp quốc khẳng định là không thể có và mỗi quốc gia cần lựa chọn lấy mô hình căn cứ vào điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị và văn hóa của mình.
Cần có một cái nhìn bản chất
Vấn đề một đảng hay nhiều đảng, thể thức bầu cử, v.v…là những hình thức cụ thể của các thể chế chính trị, không nhất thiết đồng nghĩa với có hay không có dân chủ. Đã đến lúc phải trở lại với vấn đề bản chất của dân chủ là quyền lực phải thực sự thuộc về nhân dân. Đó là suy nghĩ chung của nhiều đại biểu tham dự các hội thảo tại Diễn đàn. Làm sao để đồng tiền không chi phối đời sống chính trị? Làm sao để người dân thực hiện được các quyền tự do của mình một cách bình đẳng, không phụ thuộc vào địa vị và điều kiện kinh tế? Đó là những câu hỏi được đặt ra. Dân chủ không chỉ thể hiện trong các cuộc bầu cử không bị đồng tiền chi phối. Quyền lực của nhân dân cần được đảm bảo thông qua toàn bộ quá trình hoạch định chính sách và vận hành hàng ngày của các cơ quan quyền lực. Nếu quá trình đó bị chi phối bởi lobby, nếu các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp chịu tác động chi phối của các tập đoàn kinh tế thì đó không phải là nền dân chủ của nhân dân. Một số đại biểu còn cho rằng vấn đề dân chủ không chỉ là quan hệ giữa các tổ chức và cá nhân trong đời sống chính trị. Để đảm bảo được dân chủ thực chất thì con người cần tiến tới sự bình đẳng về kinh tế vì sự phụ thuộc về kinh tế chắc chắn dẫn đến sự phụ thuộc về chính trị.
Mục tiêu của dân chủ
Anh Saleh kể về lời nói của một phụ nữ Inđônêxia: “tôi không biết thế nào là dân chủ. Điều tôi quan tâm là chế độ đó có làm cho cuộc sống của tôi trở nên tốt đẹp hơn không”. Trong mỗi xã hội đều có những vấn đề bức xúc cần được giải quyết. Nhưng có bao nhiêu nước mà cuộc sống của người dân đang ngày được càng cải thiện? Có những nơi nào mà phần lớn người dân cho rằng cuộc sống đang trở nên tốt đẹp hơn, rằng ngày mai sẽ tiếp tục tốt hơn ngày hôm qua? Câu trả lời là rất ít. Dân chủ không chỉ có mục đích tự thân. Điều quan trọng nhất để đánh giá về tính phù hợp hay ưu việt của một chế độ là những lợi ích thực tế mà nó đem lại cho người dân. Và đó phải là tiêu chí cao nhất. Thông tin về việc ở một quốc gia được coi là “nền dân chủ lớn nhất thế giới” có đến 250 triệu người hàng thập kỷ nay sống dưới đáy xã hội, không có tài sản, không được học hành, bị phân biệt đối xử đã làm cho các đại biểu phải giật mình và hết sức suy nghĩ về mục tiêu của dân chủ. Làm sao để hoạt động của báo chí, quốc hội, chính phủ và chính quyền các cấp đều lấy trung tâm là cuộc sống của người dân, là những vấn đề của nhân dân chứ không phải chỉ là lợi nhuận của các tập đoàn, chỉ phản ánh sự thỏa hiệp giữa các nhóm giàu có và quyền lực? Làm sao để lợi ích của người nghèo, của nhân dân lao động là bộ phận đa số trong xã hội được bảo vệ trong mỗi xung đột lợi ích không thể tránh khỏi trong đời sống hàng ngày? Phải chăng đó mới là tiêu chí để đánh giá bản chất của mỗi chế độ chính trị tại các quốc gia?
Các đảng chính trị - bức tranh nhiều màu sắc
“Tôi không bao giờ muốn tham gia các đảng chính trị” – đó là lời tuyên bố thường được lặp lại của nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn. Nhưng chính họ là những người rất tích cực tham gia hoạt động xã hội, muốn góp phần cải biến cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Đó thực sự là một vấn đề mâu thuẫn nhưng có nguyên do của nó. Trong khi đa số các đại biểu đều công nhận vai trò quan trọng của các chính đảng trong đời sống chính trị nhưng họ cũng tỏ ra thất vọng về mô hình phổ biến của các đảng hiện nay. Có rất nhiều đảng chỉ là sự liên kết của một nhóm lợi ích, một nhóm thượng lưu mà không hề có mối liên hệ với nhân dân, không đại diện được cho các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Có những đảng chủ yếu chỉ hoạt động vận động bầu cử và tại nghị viện. Và có nhiều đảng về thực chất là công cụ chính trị của các tập đoàn kinh tế. Trong trường hợp đó, thắng lợi của một đảng hay một nhóm đảng trong bầu cử thực chất là thắng lợi của một hay một số nhóm lợi ích này đối với các nhóm khác. Và khi họ nắm quyền lực thì điều dễ hiểu là họ phục vụ cho ai. Làm sao có được đảng chính trị gắn bó mật thiết với nhân dân, đại diện được cho quyền lợi của đa số trong xã hội? Làm sao có được đảng chính trị không chỉ để nắm quyền mà biết sử dụng quyền lực đó để phục vụ cho lợi ích của nhân dân? Và lý tưởng nhất là có được đảng chính trị có mục tiêu và năng lực để đại diện cho lợi ích của toàn dân. Câu trả lời gián tiếp được đưa ra từ phát biểu của ông Francisco Nemenzo, Chủ tịch tổ chức Cuộc đấu tranh của quần chúng Philipin tại phiên toàn thể về Dân chủ và Nhân quyền : “ một chế độ một đảng ở Việt Nam đã đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân hơn bất cứ chế độ đa đảng ở các nước khác”.
Đắc Minh