Thế giới mà chúng ta đang sống vận động và phát triển không ngừng. Kim tự tháp hay Vạn lý trường thành, Sputnhik và Apollo, con người tiếp tục đi lên. Nhưng thế giới cũng đầy rẫy bất công, nợ nần, đói nghèo và dốt nát vẫn chẳng buông tha những kiếp người. Phương Bắc vẫn giàu có hơn phương Nam. Thế giới có gần một phần sáu người đói – WFP, 2009) nhưng lại có 793 tỷ phú đô la (Forbes, 2009), ngót 10 triệu người triệu phú, gần 1 triệu siêu triệu phú (người có từ 30 triệu USD trở lên) . Liệu có thể tiến đến một thế giới công bằng, no đủ và khỏe mạnh hơn cho mọi người, những xã hội trí thức hơn, những đô thị và nông thôn hiện đại, con người thân thiện hơn với môi trường tự nhiên. Dường như người ta vẫn quen nghĩ về thế giới hay đất nước như sự song song tồn tại của nông thôn với mức sống thấp hơn thành thị. Nhưng dù tiếp cận bằng cách nào đi nữa con người vẫn đang đứng trước thực tế thế giới có nông thôn và có thành thị. Mấy ngàn năm về trước và mấy ngàn năm sau nữa cũng vậy. Nay tính bình quân thế giới vẫn còn xấp xỉ 50/50 thành thị và nông thôn. Nhưng tỷ lệ đó đang nghiêng về thành thị, nhất là ở các nước phát triển. Không có nông thôn thì chẳng có cái ăn, cái mặc, không có thành thị thì chẳng có những tiện nghi cho cuộc sống. Nhưng đã bao giờ chúng ta đặt bàn cân cho hai phạm trù đó chưa, nói gì đến làm cho chúng tương thích và đối xứng.
Từ xửa từ xưa, con người vẫn lo cái ăn, cái mặc hơn cả. Nạn đói kinh niên diễn ra ở nhiều xã hội, trừ vài quốc gia bước đầu phát triển được ngoại thương như Hà Lan, Anh quốc. Nông nghiệp giữ vị trí chủ lực. Vào thế kỷ XVIII và XIX, cách mạng công nghiệp hình thành với những thay đổi lớn lao trong nông nghiệp, chế tạo, khai khoáng và vận tải, có ảnh hưởng lớn lao đến kinh tế - xã hội Anh quốc rồi lan rộng sang châu Âu lục địa và Bắc Mỹ trong thế kỷ XIX và trên toàn thế giới trong thế kỷ XX.
1. Cách mạng công nghiệp thứ nhất bắt đầu từ thế kỷ XVIII tại nước Anh. Nền kinh tế chủ yếu là lao động chân tay và sức kéo động vật đã quá độ từng bước sang thời kỳ chế tạo bằng máy móc, bắt đầu từ nông nghiệp rồi cơ khí hóa ngành dệt may, phát triển kỹ thuật luyện kim và tăng cường sử dụng than luyện. Thương mại mở mang nhờ kênh đào, cải thiện giao thông đường bộ, đường sắt, ứng dụng máy hơi nước và công cụ chế tác bằng gang thép.
Cuộc Cách mạng cồng nghiệp thứ nhất kết hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp thứ hai vào khoảng năm 1850 với động cơ đốt trong và điện năng xuất hiện. Cách mạng công nghiệp là một kỷ nguyên của tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong các nước tư bản chủ nghĩa, và do đó, được coi là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng nhất diễn ra chủ yếu ở châu Âu và Hoa Kỳ. Ở châu Á, quốc gia đầu tiên công nghiệp hóa là Nhật Bản, với Minh Trị duy tân, cũng đã đi chậm 50 năm so với phương Tây. Các nước châu Á khác từ Trung Quốc đến Ấn Độ, từ Việt Nam đến Inđônêxia … đều rơi vào nanh vuốt của chủ nghĩa thực dân.
Năng suất lao động tăng, thu nhập cho lao động được cải thiện, nhưng quan trọng là tư bản tăng được tích lũy cho phép đầu tư vào công nghệ mới. Công nghiệp hóa tạo nên một giai cấp công nhân công nghiệp chủ thể của dây chuyền sản xuất. Đời sống được nâng cao, sức mua tăng lên hình thành một chu trình sản xuất - tiêu dùng - tái sản xuất mở rộng có lợi cho tích lũy tư bản. Đồng thời, chủ nghĩa thực dân bành trướng đem lại cho mẫu quốc -- như đã thấy trong lịch sử -- những nguồn lực rất phong phú cần cho công nghiệp hóa, những thị trường hàng hóa và xuất khẩu lao động nô lệ, không phải đếm đầu người mà được cân đong bằng tấn, bằng kiện, như Hồ Chí Minh đã mô tả.
Công nghiệp hóa và chủ nghĩa thực dân, văn minh phương Tây và nghèo đói, nợ nần của thế giới thứ ba như một phương trình mà hai vế là lợi nhuận và đói nghèo, công nghiệp hóa và bần cùng hóa, phương Bắc giàu có và phương Nam đói nghèo. Vào thời kỳ này chưa có “phương Nam toàn cầu” hay “phương Bắc toàn cầu”, nó chỉ được hình thành mãi về sau với mại bản hóa và toàn cầu hóa, người nghèo không chỉ có ở phương Nam; người giàu không chỉ khu trú ở phương Bắc.
Quy luật phát triển không đều đã thể hiện rõ ở tốc độ phát triển nhanh ở các nước công nghiệp hóa muộn hơn: Không chỉ Hoa Kỳ đã nhanh chóng vượt qua Anh Quốc -- năm 1870 nước này mới chiếm tỷ trọng 23,3% chế phẩm thế giới so với 31,8% của Anh, đã tăng lên 35,8% so với 14% của Anh năm 1913 -- mà cả nước Đức cũng đã vươn lên trên nước Anh với tỷ trọng 15,7%. Nhật Bản phát triển sau phương Tây nửa thế kỷ cũng đã leo lên vị trí đế quốc từ 1895-1905 với việc xâm chiếm đặt ách thống trị lên Đài Loan và Triều Tiên.
2. Mô hình Nhật Bản: từ phong kiến tiến lên chủ nghĩa đế quốc
Nhật Bản là nước công nghiệp hóa đầu tiên ở châu Á, một ví dụ của công nghiệp hóa muộn sớm biết phát huy lợi thế đi sau. Sau khi buộc phải ký Công ước Kanagawa dưới áp lực các pháo hạm của Đô đốc Matthew C. Perry ép Nhật phải mở cho Mỹ hai cảng giao thương Shimoda và Hakodate, Nhật Bản nhận ra không thể thu mình trong chính sách bế quan tỏa cảng mà cần phải tiến hành những cải tổ rộng lớn để đối phó với ảnh hưởng phương Tây. Chế độ phong kiến Tokugawa (Mạc phủ), trị vì Nhật Bản từ năm 1603 đến 1868, được thay bằng chế độ quân chủ lập hiến cho đến ngày nay. Quân đội Nhật được gấp rút hiện đại hóa. Cuối những năm 1860, Nhật Bản thi hành chính sách “cường binh phú quốc” (Kyo hei Fukoku), Minh Trị đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ra sức học tập và mua công nghệ mới nhằm đuổi kịp phương Tây. Những công trình đường sắt, bưu điện viễn thông, hệ thống ngân hàng tài chính v.v. đã ra đời trong khoảng thời gian này.
Có thể nói mô hình Nhật Bản là mô hình của một nước từ chế độ phong kiến tiến thẳng lên giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, căn bản không qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản trong hòa bình như những nước khác; bắt đầu duy tân từ 1868, 26 năm sau đã tiến hành các cuộc chiến tranh chống nhà Thanh năm 1894-1895 giành được Đài Loan, chiếm đóng và cai trị Đài Loan từ năm 1895-1945 và đô hộ Triều Tiên (toàn quốc) vào năm 1910-1945; tiến hành chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905 giành bán đảo Liêu Đông và cảng Lữ Thuận (Port Arthur), tham chiến với đồng minh trong cuộc chiến tranh 14 nước chống Cách mạng Nga 1918-1922, đánh chiếm Vladivostock, đông Xibêri và nam Sakhalin trong cuộc can thiệp vũ trang vào nội chiến ở Nga kéo dài từ 1918 đến năm 1920, nhưng Nhật chỉ chịu rút từ năm 1922.
Tuy nhiên, Nhật Bản không chỉ dựa vào sức mạnh quân sự. Nhật tỏ ra sớm thức thời khi Minh Trị năm 1871 cử phái bộ Iwakura đi khắp châu Âu và Hoa Kỳ để học phương Tây. Kêt quả là một chính sách công nghiệp hóa ra đời để ngăn đà tụt hậu của đất nước so với Âu-Mỹ. Ngân hàng Nhật Bản ra đời năm 1877 đã tài trợ cho các nhà máy thép và nhà máy dệt kiểu mẫu. Giáo dục được chú trọng và sinh viên Nhật được cử đi học ở các nước phương Tây. Công nghiệp hóa thực sự do Nhà nước đảm đương trong điều kiện giai cấp tư sản Nhật còn nhỏ bé. Thông thường các ngành, nhất là công nghiệp nặng, do nhà nước Nhật xây dựng và vận hành sau một thời gian thì tư nhân hóa. Đó là con đường công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa “cường binh phú quốc”của Nhật Bản, đó là mô hình nhà nước phong kiến nâng đỡ giai cấp tư sản phôi thai để trở thành nhà nước tư bản do giai cấp tư sản thống trị, một kiểu nhà nước quan liêu cộng sinh với tầng lớp doanh nhân Zaibatsu.
3. Mô hình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đầu tiên: Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa tự lực tự cường
Khác với Nhật Bản nhu cầu công nghiệp hóa là để phục vụ chiến tranh xâm lược, nước Nga công nghiệp hóa để đánh bại cuộc can thiệp quân sự của đồng minh và rút được bài học tự lực tự cường để xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ những cơ sở công nghiệp hạn chế của Nga hoàng, chỉ trong khoảng thời gian từ năm 1928 đến 1940, khi nền kinh tế tư bản thế giới lâm vào Tổng khủng hoảng (Đại suy thoái) 1930-1939, Liên bang Xô Viết đã đạt được những bước tiến kỳ diệu trong lịch sử nhân loại. Không có thuộc địa, đối đầu với sự tẩy chay của thế giới tư bản, lại bị bao vây quân sự, và đến năm 1928 mới khôi phục được sản lượng năm 1913 -- là năm Nga chiếm tỷ trọng 5,5% tổng sản lượng của thế giới đứng sau Mỹ, Đức, Anh, Pháp -- thế mà chỉ với ba kế hoạch năm năm, Liên Xô công nghiệp hóa sau đã trở thành cường quốc công nghiệp lớn thứ hai của thế giới. Nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô viết đã đạt được những thành tựu trong 12 năm, điều mà chủ nghĩa tư bản châu Âu và Bắc Mỹ, mặc dù có thuộc địa để vơ vét, phải mất hơn một trăm năm.
Cách mạng tháng Mười đã biến nước Nga thành một cường quốc công nghiệp. Đáng tiếc là công nghiệp hiện đại, với nhiều lĩnh vực vượt trên Mỹ như vệ tinh Sputnik, đưa người đầu tiên (Gagarin) lên quỹ đạo vũ trụ, đã không giữ được chủ nghĩa xã hội bởi ngọn lửa cách mạng bùng lên từ 1917 đã nguội dần và nước Nga, không kém về quân sự và công nghiệp nặng, đã không theo kịp những đòi hỏi của cuộc sống bình nhật và thiếu đi những năng lượng tinh thần đã làm nên cuộc Cách mạng vĩ đại nhất của loài người, sánh ngang với cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 . Và phải chăng như đánh giá của CIA “những ưu tiên kéo dài từ lâu đầu tư cho công nghiệp nặng và công nghiệp quốc phòng cộng với một hệ thống tổ chức kinh tế cứng nhắc và phiền hà không chỉ làm cho Liên Xô tụt lại sau phương Tây và Đông Âu, mà trên nhiều phương diện còn lạc hậu và mất cân đối nghiêm trọng.” Đó không phải là một mô hình lý tưởng nhưng cũng để lại nhiều bài học quý báu về một xã hội xã hội chủ nghĩa.
4. Mô hình các nước đang phát triển
Sau khi giành được độc lập dân tộc, các nước Thế giới thứ Ba mong muốn trở thành những nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một số nước đi con đường phi tư bản chủ nghĩa, số khác không tách khỏi quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Một thực tế là do tình trạng chậm phát triển, đội ngũ giai cấp công nhân non trẻ, giai cấp tư sản ở khá nhiều nước đang phát triển chưa đủ mạnh, đã bị mại bản hóa. Nhìn chung, các nước này hầu hết theo con đường phát triển do nhà nước lãnh đạo có sự hỗ trợ hoặc của phe tư bản chủ nghĩa, hoặc của phe xã hội chủ nghĩa trong khuôn khổ cuộc Chiến tranh Lạnh.
Các dự án phát triển của Thế giới thứ ba sau thời kỳ phi thực dân hóa chủ yếu là tự cung tự cấp, tiến hành công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu (ISI), chăm lo giáo dục và y tế. Tuy nhiên, do chưa có được những tiền đề xã hội cần thiết, các nước này hầu hết rơi vào tình trạng bị các tập đoàn xuyên quốc gia và các chính phủ tư bản lũng đoạn, bị chủ nghĩa tự do mới tác động trở lại con đường cũ dưới hình thức thực dân mới, nhất là các nước Hạ Sahara châu Phi. Đây chắc chắn là một chương bi thảm khác của mối quan hệ Bắc-Nam với những hậu quả khôn lường đối với cuộc sống của hành tinh.
5. Mô hình các nước mới công nghiệp hóa (NIC)
Trong nửa sau của thế kỷ XX, thế giới chứng kiến những thay đổi lớn lao của Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan, từ nghèo khổ vươn lên thành những nền kinh tế thịnh phát. Kể từ năm 1965, bốn nền kinh tế đó được gọi chung là các nước mới công nghiệp hóa, đi sau hàng trăm năm so với các nước châu Âu-Bắc Mỹ, còn gọi là bốn con “rồng “ hay bốn con “hổ”, đã tăng bốn lần tỷ trọng trong sản xuất và thương mại của thế giới, và tăng bốn lần thu nhập trên đầu người. Từ 1965 đến 1986, GNP trên đầu người của bốn nền kinh tế này tăng bình quân 6 phần trăm mỗi năm, so với Nhật Bản và Hoa Kỳ cùng kỳ lần lượt là 4,3 và 1,6 phần trăm. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều tốt đẹp! Những con bài chiến lược địa chính trị của Mỹ ở Đông Bắc Á Hàn Quốc được xem như một tượng đài phát triển. Năm 1953, nước này mới đạt 67 USD đầu người. Hai mươi năm sau (1973) tăng gấp 6 lần, đạt 401 USD. Nhưng sau khi chuyển mạnh sang chiến lược công nghiệp hóa lấy xuất khẩu làm động lực, Hàn Quốc chỉ mất có bốn năm, cụ thể là đến 1977, nhảy vọt lên 1.034 USD (mức Việt Nam đạt được năm 2008 là 1.012 USD, tức là sau Hàn Quốc 31 năm). Năm 1983, đất nước kim chi lại tăng GDP lên gấp đôi, đạt 2.076 USD. Thêm 10 năm nữa tăng lên 8.177 USD. Năm 1995, đạt 11.432 USD là mức GDP trên đầu người của các nước OECD. Hàn Quốc được công nhân “tốt nghiệp”, đã tự nguyện thôi nhận viện trợ để trở thành quốc gia cho viện trợ. Thật không may, cuộc khủng hoảng tài chính 1997 đã làm cho nước này bị kéo lùi bảy năm, mãi đến năm 2002 mới lại đạt 11.499 USD. Dù sao, trên góc độ tăng trưởng, Hàn Quốc cũng cho thấy quốc gia này quả đã đạt những mức tăng trưởng “thần kỳ”: cứ mỗi 5-6 năm tăng gấp đôi GDP trên đầu người. Tốc độ ấy khó có nước nào đạt được. Đương nhiên là có vai trò hỗ trợ của Mỹ. Chỉ tính từ 1953 đến 1960, Hoa Kỳ đã tài trợ 70% nhập khẩu của Hàn Quốc tạo cho nước này từ một nước nông nghiệp trở thành một nước xuất khẩu hàng công nghiệp chỉ trong vòng bảy năm. Năm 1960, xuất khẩu của Hàn Quốc mới chiếm 3% GDP thì đến 1987 đã lên đến 45% GDP. Sự phát triển của các nền kinh tế mới công nghiệp hóa trước hết có liên quan mật thiết đến các chính sách địa chính trị -- địa chiến lược của Hoa Kỳ. Sau Chiến tranh thế giới II, chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Á cũng tương tự như chính sách đối với châu Âu trong kế hoạch Marshall. Đó là chính sách “kiềm chế” ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trong bối cảnh của Chiến tranh Lạnh và cuộc đấu tranh sống còn giữa chủ nghĩa tư bản do Mỹ cầm đầu và chủ nghĩa xã hội do Liên Xô lãnh đạo. Đối với Hàn Quốc và Đài Loan, cũng như đối với Nhật Bản, Hoa Kỳ muốn các nền kinh tế này trở thành khu vực ngoại vi của chủ nghĩa tư bản, phồn thịnh về kinh tế nhưng không có lực lượng quân sự mạnh, và tiếp tục nằm dưới sự bảo hộ của ô nguyên tử Mỹ, tiếp tục là những căn cứ hậu cần khổng lồ cho mọi triển khai quân sự của Hoa Kỳ -- như trường hợp chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Triều Tiên và ỏ Việt Nam. Một “Kế hoạch Marshall” châu Á được hình thành. Hoa Kỳ bơm một lượng lớn viện trợ kinh tế, quân sự và lương thực cho Hàn Quốc và Đài Loan. Hai nền kinh tế này được ưu tiên tiếp cận các thị trường Hoa Kỳ cho hàng xuất khẩu của mình. Công nghệ Hoa Kỳ, các kỹ thuật viên và kỹ trị gia Mỹ trực tiếp giúp lập kế hoạch phát triển kinh tế. Dưới sự chiếm đóng của Hoa Kỳ, cánh tả và công đoàn bị suy yếu nghiêm trọng, các biện pháp bảo hộ mậu dịch được Mỹ cho phép, lực lượng quân sự và an ninh đương nhiên là thân Mỹ được tăng cường, dựa lưng vào nhau trong chiến tranh 1950-53 trở thành sự nâng đỡ trong kinh tế và liên minh chống Cộng. Và điều tất yếu – những chính quyền thân Mỹ được dựng lên ở Hàn Quốc, đứng đầu là Lý Thừa Vãn, cũng như Ngô Đình Diệm sau này ở Việt Nam. Quy mô viện trợ của Mỹ cho Đông Á cũng hết sức to lớn. Không kể Nhật Bản, chỉ nói Hàn Quốc cũng đủ thấy vai trò quyết định của Hoa Kỳ vực dậy đồng minh và thuộc quốc của mình. Từ năm 1945 đến 1979, Hàn Quốc nhận được từ Hoa Kỳ 13 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế tương đương 600 USD trên đầu người. Đài Loan nhận được 5,6 tỷ USD bằng 425 USD trên đầu người. Trong thời kỳ 1946-78, Hàn Quốc nhận được 6 tỷ USD viện trợ kinh tế không hoàn lại và cho vay ưu đãi so với số tiền toàn châu Phi nhận được cùng thời kỳ là 6,89 tỷ USD; và toàn Mỹ La tinh là 14,8 tỷ USD. Về viện trợ quân sự cho Hàn Quốc và Đài Loan từ 1955 đến 1978 (không tính chiến tranh Triều Tiên) lên tới 9,05 tỷ USD trong lúc Mỹ La tinh và châu Phi chỉ nhận được 3 tỷ USD trong cùng thời kỳ. Trong những năm 1950, Hoa Kỳ tài trợ đến 95% thâm hụt thương mại của Đài Loan. Với Hàn Quốc, viện trợ của Hoa Kỳ lên tới gần 15% GDP và thanh toán tới 80% nhập khẩu của Hàn Quốc. Từ năm 1951-74, Hàn Quốc nhận được 8 tỷ USD lương thực dư thừa của Mỹ, giúp cho nước này giữ được đồng lương thấp một cách giả tạo, và giá của hàng xuất khẩu cũng thấp xuống vì được gián tiếp trợ giá bằng các chương trình viện trợ lương thực thừa của Mỹ (PL 480).
Viện trợ quân sự đổ vào Đài Loan và Hàn Quốc (nhiều gấp đôi viện trợ kinh tế), gián tiếp giúp cho Lý Thừa Vãn và Tưởng Giới Thạch tăng sức mạnh, giữ gìn trật tự xã hội và có điều kiện đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giáo dục. Bộ máy quân sự kết hợp với bộ máy quan liêu, cả hai đều là sản phẩm được Mỹ đào tạo, với hệ thống cố vấn Mỹ, Ngân hàng thế giới (WG) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã bảo đảm cho hai nền kinh tế này (cùng với Hồng Kông và Singapore) trở thành ngoại vi tin cậy của trung tâm tư bản chủ nghĩa phát triển. Viện trợ trực tiếp từ Hoa Kỳ cho hai nền kinh tế này chấm dứt vào những năm 1960. Đó là lúc chiến lược công nghiệp hóa bằng phát triển sản xuất thay thế nhập khẩu (ISI) được thay bằng chiến lược công nghiệp hóa dựa vào xuất khẩu (EOI). Phù hợp với địa chíến lược thiêt lập vành đai bao quanh các quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa, Mỹ chuyển giao cho Nhật Bản chia xẻ gánh vác. Trong những năm 1970, Nhật chiếm tới 25 phần trăm xuất khẩu của Hàn Quốc và 38 phần trăm nhập khẩu của nước này. Nhật Bản kết hợp với Hoa Kỳ dành ưu tiên tiếp cận thị trường cho hàng hóa Hàn Quốc và hai nước này chiếm tới hai phần ba xuất khẩu và 70 phần trăm nhập khẩu của Hàn Quốc. Nhật Bản tăng mạnh đầu tư trực tiếp cũng như tăng các khoản tín dụng và cho vay cựu thuộc địa của mình. Từ 1963 đến 1972, mười công ty thương mại lớn nhất của Nhật chiếm 50 phần trăm xuất khẩu và 60 phần trăm nhập khẩu của Hàn Quốc. Các chương trình của Mỹ và Mỹ-Nhật thực tế đã giúp cho các NIC, đặc biệt là Hàn Quốc và Đài Loan phát triển mạnh. Quy mô viện trợ, ưu đãi tiếp cận thị trường và chuyển giao công nghệ và cố vấn đã sản sinh ra các nền kinh tế đi sau nổi lên với tốc độ không quốc gia phát triển nào có thể bì kịp. Không có những điều kiện đó, chẳng bao giờ có những hiện tượng thần kỳ. Trong thực tế, do tác động của cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống, địa chính trị đã vượt lên trên địa kinh tế, và những ưu đãi đặc thù của Hoa Kỳ dành cho khu vực này phản ánh Mỹ phải chịu tạm thời từ bỏ các đặc quyền, đặc lợi kinh tế để đạt bằng được các mục tiêu chính trị. Sự thần kỳ của các NIC có bóng dáng đồ sộ của chủ nghĩa đế quốc trùm lên. Mỹ vẫn nắm giữ địa quân sự, vẫn giữ ô nguyên tử, vẫn đóng quân ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Đó mới là điều quan trọng. Môi trường xuống cấp khủng khiếp
Bên cạnh những điểm sáng đó là những khoảng tối ngày càng lan rộng. Tháng Tám 1989, các nhà khoa học của chính phủ khám phá một tỷ lệ lớn nước máy của Hàn quốc không đủ tiêu chuẩn để sừ dụng vì bị nhiễm kim loại nặng và các chất ô nhiễm khác phải cần đến 5,3 tỷ USD để khắc phục. Chỉ có một phần tư hệ thống nước thải cống rãnh được xử lý. Một số tập đoàn công nghiệp thải trực tiếp ra biển gây tổn thất cho các ngư trường: đầu những năm 1980, Vịnh Masan cấm đánh bắt cá và các nhuyễn thể, Cảng Inchon cấm cửa với đánh bắt hải sản thương mại. Tầng nước ngầm bị nhiễm phân khoáng và thuốc trừ sâu. Cũng trong năm 1989, một nhóm các nhà môi trường học và học giả công bố một báo cáo đánh giá sự tương tác giữa tăng trưởng và yêu cầu bảo vệ môi trường. “Đài Loan nay đang ở vào thời kỳ quá độ của việc giải quyết bài toán tăng trưởng. Những năm 1950, 1960 và đầu những năm 1970, tăng trưởng kinh tế được ưu tiên so với các vấn đề môi trường mà hầu như không gặp bất cứ băn khoăn nào…Nếu cứ tiếp tục để cho những phụ phẩm độc hại của hệ thống sản xuất công nghiệp tiên tiến thấm vào từng tế bào của cơ địa Đài Loan, việc phục hồi hoàn toàn sẽ là không thể và ngay cả việc phục hồi từng phần cũng sẽ hết sức tốn kém.” Hầu như tất cả cửa sông của Đài Loan đều bị ô nhiễm nặng nề. Chỉ có chưa tới 1 phần trăm chất thải con người là được qua xử lý. Có lẽ vì thế nên Đài Loan có tỷ lệ người bị viêm gan B cao nhất thế giới. (đối chiếu với Việt Nam và những chủ doanh nghiệp Đài Loan đã làm ở Việt Nam như trường hợp công ty bột ngọt Vedan sát hại dòng sông Thị Vải). Đài Loan là một trong những nền kinh tế sử dụng nhiều nhất thế giới phân hóa học và thuốc trừ sâu trên một đơn vị diện tích canh tác, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nước mặt và nước ngầm. Khí thải ôxit nitrogen từ xe có động cơ ở Đài Loan tăng gấp ba lần từ 1977 đến 1985 và còn có thể tăng gấp đôi cuối thập niên này. Tình trạng ô nhiễm đến mức mỗi năm có tới 62 ngày khó thở, trẻ bị hen tăng gấp bốn lần trong thập niên qua
Ô nhiễm không khí đã làm cho Hán Thành (Seoul) đứng thứ tư trong bảng xếp hạng của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về những thành phố lớn thải ra nhiều sulfur dioxid nhất. Thêm vào đó, cũng như các nước công nghiệp phát triển khác, các nước mới công nghiệp hóa trong một thời gian dài, không chú ý mấy tới việc sử dụng sao cho hiệu quả năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Ở Singapore và Hàn Quốc, tiêu thụ năng lượng thương mại trên một đô la GNP vào hạng cao nhất thế giới. Năm 1989, chẳng hạn, Hàn Quốc tiêu thụ 18 megajun (megajules) trên một đô la GNP trong lúc Mỹ chỉ tiêu thụ 15 megajun, Nhật Bản chỉ tốn 5 megajun Hồng Kông cũng lâm cảnh tương tự. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các nước NIC không phải là hình mẫu của phát triển bền vững Trong quá trình phát triển, các nước này có những tiến bộ không phải bàn cãi. Đó là ổn định dân số, mở mang giáo dục, tiếp cận chăm sóc y tế, cải thiện phân phối thu nhập và cải cách ruộng đất (chỉ Hàn Quốc và Đài Loan, đạt nhiều thành tựu trong các lĩnh vực xã hội và nguồn lực con người. Vào năm 1965, Hàn Quốc chi cho phát triển nguồn lực con người nhiều hơn bình quân các quốc gia có GDP ba lần lớn hơn, tạo nên một lực lượng lao động được giáo dục tốt làm nền tảng cho công nghiệp hóa. Dân số của nước này cũng giảm tỷ lệ tăng trưởng từ 3,04% năm 1955-60 xuống còn 0,95% năm 1985-90. Cải cách ruộng đất đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của Đài Loan cũng như Hàn Quốc. Tại Đài Loan, chính phủ áp đặt trần sở hữu đất và mua đất vượt mức trần với giá thấp hơn thị trường. loại bỏ địa chủ. Từ 1949 đến 1953, một phần tư đất thuộc sở hữu tư nhân thay đổi chủ sở hữu, tỷ lệ các gia đình sở hữu một phần hay toàn bộ số đất trực tiếp canh tác tăng lên đến 88 phần trăm, cơ bản thực hiện được người cày có ruộng, loại bỏ hình thức chủ sở hữu vắng mặt. Cải cách ruộng đất được tiến hành ở Hàn Quốc với sự hậu thuẫn của Mỹ. Mặc dù 40 phần trăm ruộng đất dự kiến phân phối lại vẫn thuộc về các chủ cũ, tỷ lệ các gia đình sở hữu đất đã giảm từ 86 phần trăm năm 1945 xuống còn 26 phần trăm năm 1960. Ở Đài Loan, nhờ đó mà hình thành mô hình công nghiệp hóa phi tập trung. Dân chúng nông thôn được các xí nghiệp vừa và nhỏ phục vụ tốt hơn, với việc cung cấp đầu vào và công nghiệp chế biến nông sản ngay tại vùng nông thôn. Vào năm 1961, chỉ còn 16 phần trăm lao động công nghiệp được bố trí ở thủ phủ Đài Bắc. Cái giá phải trả: lao động bị bóc lột khủng khiếp
Do lao động là nguồn của giá trị thặng dư góp phần vào đầu tư và tăng trưởng nên siêu bóc lột là chuyện đương nhiên của các NIC. Lao động giá rẻ là “lợi thế so sánh tương đối” duy nhất lúc bấy giờ. Năm 1987, trước thập niên đấu tranh công đoàn bùng nổ, giờ công lao động của công nhân Hàn Quốc chỉ bằng 11 phần trăm của công nhân Mỹ. Hiện nay, theo ILO, tuần làm việc của Hàn Quốc là 54 giờ, và đầu tư về an toàn lao động chỉ ở mức tối thiểu. Năm 1989, Hàn Quốc có tỷ lệ tai nạn lao động công nghiệp cao nhất thế giới với bình quân mỗi ngày có 5 công nhân chết và 390 người bị thương. Phụ nữ còn bị bóc lột thậm tệ hơn với tiền công lao động chỉ bằng 50 phần trăm nam giới.
Lực lượng lao động Hàn Quốc chịu kỷ luật quân sự bên trong công ty và nhà nước được quyền thực thi các đạo luật mang tính chất đàn áp như Luật Lao động cho phép chính phủ có quyền vô hiệu hóa mọi quyết định của công đoàn và có quyền thành lập các công đoàn vàng. Tình báo quân sự có vai trò lớn theo dõi, giám sát và tuyển chọn cán bộ công đoàn.
Đài loan có một cơ cấu công nghiệp với 90 phần trăm doanh nghiệp có dưới 30 người. Hơn 80 phần trăm lực lượng lao động làm việc tại các xí nghiệp đó. Luật Liên hiệp lao động cấm hoạt động công đoàn ở các công ty có dưới 30 công nhân viên, cũng tức là loại tổ chức của người lao động trong 80 phần trăm lực lượng lao động.
Đài Loan và Hàn Quốc mất dần sức cạnh tranh vào đầu những năm 1980 khi lực lượng lao động từ nông thôn cạn dần và khi công nhân đẩy mạnh đấu tranh đòi tăng lương. Bóc lột lao động để tăng tích lũy cho tầng lớp các ông chủ khiến cho đồng lương ngay cả những nền kinh tế tiệm cận các nước tư bản phát triển cũng không tương xứng với sức lao động bỏ ra. Năm 1988, khi GDP Hàn Quốc đã lên đến 4.435 USD, thì lương bình quân công nhân hàng tháng chỉ đạt 610 USD, Đài Loan có phần khá hơn một chút với 643 USD. Inđônexia đạt 209 USD, Thái Lan 132 USD và Malaixia, nước có GDP cao nhất trong các nước Đông Nam Á chỉ có 129 USD.
Dù sao các nền kinh tế này đều chia sẻ một đặc thù:
• Được tiếp cận đặc biệt thị trường nội địa Hoa Kỳ;
• Được thi hành các chính sách kinh tế bảo hộ nghiêm ngặt với sự chấp nhận của các tập đoàn xuyên quốc gia ;
• Được tiếp nhận đặc biệt viện trợ không hoàn lại và cho vay ưu đãi của Hoa Kỳ;
• Được tiếp nhận đặc biệt viện trợ lương thực của Hoa Kỳ trong khi tiến hành cải cách ruộng đất;
• Có các hiệp ước quân sự thúc đẩy kinh tế nội địa ở cả ba nền kinh tế.
Năm đặc thù đó giúp hình thành một nền kinh tế “có mối liên hệ đặc biệt mang tính cộng sinh giữa chính phủ và doanh nghiệp, theo đó chính phủ chọn những công ty thành đạt, xúc tiến phát triển bằng cho vay ngân hàng lãi suất thấp, thúc đẩy xuất khẩu, biến Hàn Quốc thành một cỗ máy công nghiệp”. Tại Hàn Quốc mối quan hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp và chính phủ được thiết lập, có tốn kém nhưng giúp hình thành các chaebol, tức các tập đoàn ngày nay”.
Sau Chiến tranh 1950-1953, chính phủ Hàn Quốc áp dụng chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu (ISI). Tập trung vào những cái gọi là “ba trắng” (công nghiệp tinh luyện đường, bột và dệt), những công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu, thực chất là nhập nguyên liệu từ Mỹ và gia công chế biến đáp ứng nhu cầu trong nước. Một số ngành công nghiệp khác như kính, xi măng, phân khoáng cũng được triển khai nhưng do thị trường trong nước quá nhỏ nên mau chóng bị bão hòa. Vào cuối những năm 1950, chính sách thay thế nhập khẩu lâm vào bế tắc.
Park Chung-hee với bộ máy hành chính quân sự thiết lập từ năm 1961, đề ra Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm thứ nhất, từ bỏ chính sách thay thế nhập khẩu, hàm nghĩa Hàn Quốc không thể dừng lại trong biên giới nhỏ hẹp của mình. Kế hoạch mới hướng tới công nghiệp hóa và xúc tiến xuất khẩu nhằm có số ngoại tệ cần thiết cho phát triển kinh tế. Kể từ đây cho đến thời kỳ gọi là “ba thấp” (đồng wơn giảm giá, giá dầu hạ, lãi suất vay quốc tế thấp ) cuối những năm 1980, chính phủ Hàn Quốc lấy xuất khẩu làm trụ cột chính của chính sách kinh tế, bổ sung các ngành công nghiệp nặng gang thép, hóa dầu, đóng tàu, cơ khí, kim loại không chất sắt, điện tử,ô tô v.v. vào diện ưu tiên. Đồng thời, khuyến khích nhập hàng hóa bán thành phẩm và máy móc mà công nghiệp nội địa chưa thể cáng đáng để sản xuất hàng xuất khẩu.
Năm 1980, chịu ảnh hưởng nặng nề của cú sốc dầu mỏ thứ hai năm 1979, tăng trưởng kinh tế âm , mùa màng thất bát, chính trị bất an. Nhiều xí nghiệp công nghiệp nặng tăng mạnh trang bị kỹ thuật trở thành gánh nặng nợ nước ngoài. Cho mãi đến khi “ba thấp” phát huy tác dụng, kinh tế Hàn Quốc mới bước vào một thời kỳ cán cân tài khoản vãng lai bội thu. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa hết, phần thì do hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu vấp phải những xung đột thương mại, phần thì lao động trong nước đòi tăng lương sau thời gian dài bị “đông cứng”. Thêm vào đó là thế mạnh vốn có của các ngành thâm dụng nhân công như dệt may, da giày, gặp phải cạnh tranh quyết liệt tư Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc buộc phải từ bỏ chính sách xúc tiến xuất khẩu các công nghiệp thâm dụng lao động kéo dài ba thập niên để chuyển sang chính sách thâm dụng tư bản theo gương người Nhật.
Một điều đáng chú ý là trong tiến trình công nghiệp hóa, chính phủ Hàn Quốc (cũng như Đài Loan) không mặn mà lắm với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Bộ Tài chính và Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (1993), vào cuối năm 1992, trong số 80,2 tỷ USD nguồn vốn nước ngoài đổ vào Hàn Quốc, FDI chỉ chiếm 9,7 phần trăm (7,8 tỷ USD). Đến tháng Giêng 1994, Hàn Quốc mới lập một bộ phận chuyên trách kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài gắn với chuyển giao công nghệ. Mô hình nào cho tương lai?
Đó là một câu hỏi rất khó giải đáp. Những điều trình bày trên đây ít nhất cũng cho thấy mô hình các nước công nghiệp mới (NIC) không thể đắc dụng. Bởi nó là sản phẩm của địa chiến lược sau Chiến tranh thế giới II. Thực tế, các con cá chép Đông Bắc Á sẽ không thể vượt vũ môn để hóa rồng trong một thời gian ngắn như vậy. Được “tốt nghiệp” vào Câu lạc bộ nhà giàu (OECD) ngày 12 tháng Chạp 1996 như Hàn Quốc, hoặc có thu nhập trên đầu người cao, đạt ba tiêu chí GDP trên đầu người, tuổi thọ và giáo dục như Đài Loan, Singapore và 60 nước khác, phải chăng là hạnh phúc? Thử lấy ví dụ Hàn Quốc, trong lúc đứng thứ 26 về chất lượng cuộc sống thì nước này đứng thứ 98 trên 155 quốc gia về chỉ số phát triển giới, phụ nữ Hàn Quốc chỉ hưởng lương bằng một nửa nam giới cùng một việc làm. Người làm công ăn lương của đất nước kim chi không thể bằng lòng với mức lương chỉ bằng 11% mức lương của Mỹ (nay có khá hơn sau nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt nhưng cũng chỉ bằng 46% của nước Đức), mà giờ lao động lại dài gấp 150% các nước Âu-Mỹ, tai nạn lao động cao nhất thế giới, theo ILO.
Có một thực tế là những nước đi sau như Việt Nam khó theo con đường của các NIC, vì sau khi đạt được những mục tiêu địa chính trị, Mỹ và đồng minh đã có những chiến lược khác. Họ trở nên bảo hộ hơn, nhân danh bảo hộ tài sản trí tuệ để ngăn không cho công nghệ mới ra khỏi biên giới. Đó là hành động “đạp đổ cái thang đi” mà họ dùng để được như ngày nay, có lợi cho chủ nghĩa tư bản hơn trong giai đoạn cuối của nó (late capitalism).
Việt Nam đi con đường thị trường nhưng biết rõ “kinh tế thị trường có những mặt tiêu cực mâu thuẫn với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Đó là xu thế phân hóa giàu nghèo quá mức, là tâm lý sùng bái đồng tiền, vì đồng tiền mà chà đạp lên đạo đức, nhân phẩm…” Phải có quan điểm thực tiễn, không thể duy ý chí; trong điều kiện hiện nay, muốn phát triển sản xuất, phải phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, phải thừa nhận trên thực tế còn có bóc lột và có sự phân hóa giàu nghèo nhất định, nhưng phải bảo vệ lợi ích của người lao động, và tuyệt đối không quên mục tiêu đồng thời cũng là quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội là không ngừng cải thiện đời sống cho nhân dân, là làm cho mọi người, mọi nhà đều khá giả.
Chúng ta có thể phát huy lợi thế đi sau của Việt Nam – công nghiệp hóa sau không nhất thiết là thiệt thòi, đương nhiên phải đề phòng tụt hậu và phải vượt qua được mưu đồ “đạp đổ cái thang”. Nổi lên tất nhiên là vấn đề ứng dụng công nghệ mới, đừng biến Việt Nam thành bãi rác, đừng biến nông thôn Việt Nam thành bãi phế thải, đừng phung phí đất canh tác là thành quả của mấy ngàn năm lịch sử. Xây dựng một nhà máy có thể mất 10 năm, nhưng để có một hecta đất canh tác thường phải mất cả đời người.
Cần xác định lại vị trí của nông thôn. Nông nghiệp phải được coi trọng không kém công nghiệp, bởi “hết gạo chạy rông”! Với truyền thống một nước có nhiều kinh nghiệm làm nghề nông, ta không nên thu hẹp quá đáng số nông dân như các nước tư bản chủ nghĩa, mà cần tiến đến mức 50/50. Quan trọng là không kéo thành thị xuống mà là nâng nông thôn lên. Khẩu hiệu nên là “Công nghiệp hiện đại và Nông nghiệp tiên tiến”. Phải có chính sách bổ sung người tài, tăng cường chất xám cho nông nghiệp và nông thôn. Xuất khẩu cách làm, bí quyết (know how) nông nghiệp như ta đang làm ở một số nước châu Phi chứ không đơn thuần xuất khẩu vật chất nông nghiệp, bởi vật chất cạn dần nhưng know how thì còn mãi.
Chúng ta phải sớm vượt qua giai đoạn thâm dụng lao động để bước vào giai đoạn công nghệ cao, sử dụng ít vật tư, nhiều trí tuệ. Mô hình mới còn đòi hỏi phải thân thiện với môi trường, đúng ra là đồng hành với tự nhiên. Mô hình mới đặt các vấn đề xã hội lên ngang với kinh tế. Chúng ta kiên định chủ nghĩa xã hội, nhưng là chủ nghĩa xã hội phù hợp với truyền thống của Việt Nam, và luôn nhớ lời Hồ Chí Minh “Muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Lâu nay ta dường như quên điều đó. Công tác tư tưởng trước đây rành mạch xây và chống. Nay, mọi thứ không còn rạch ròi như trước. Nói mô hình mà không coi trọng con người và tư tưởng thì không thể mong có được thành công.
Đấu tranh phê phán những khuynh hướng mua gian bán lận, trốn thuế lậu thuế, làm ăn không chính đáng, chắc chắn sẽ được không chỉ nhân dân ủng hộ mà cả những nhà tư sản chân chính cũng sẽ hưởng ứng. Nói vắn tắt, mô hình xã hội chủ nghĩa tương lai là mô hình từ dưới lên được đúc kết và vận dụng ngày càng rộng rãi. Mô hình đó coi trọng bình đẳng – nhưng không có thực lực thì không thể có bình đẳng (nghĩa là phải lấy khu vực công làm chỗ dựa và cảnh giác với những nhóm lợi ích). Mô hình đó coi trọng dân chủ, nhưng nếu không có thực lực của số đông thì dân chủ sẽ chỉ là hình thức. Hãy để cho nông dân và công nhân có tiếng nói – tức là nên có nhiều diễn đàn hơn cho quần chúng. Mô hình của tương lai là mô hình của con người thực sự được tạo điều kiện để làm chủ xã hội và thiên nhiên, đòi hỏi ta phải giải quyết vấn đề sở hữu ở nông thôn cũng như thành thị. Phát triển kinh tế trang trại phải đi liền với công tác quản lý. Thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp phải giải quyết bài toán cổ đông. Mô hình của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI hay xa hơn nữa phải lấy công bằng và dân chủ làm động lực, đúng như khẩu hiệu của Đảng. Quan điểm làm chủ tập thể vẫn còn nguyên giá trị.
Nguyễn Văn Thanh