Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội thảo (Ảnh TV)
Tham dự Hội thảo, có ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các viện nghiên cứu, đoàn thể, các tổ chức nhân dân trong nước và quốc tế hoạt động trên các lĩnh vực có liên quan đến hòa bình – an ninh và quyền con người.
Phát biểu khai mạc, ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh, quyền con người đã và đang trở thành một vấn đề toàn cầu, mối quan tâm lớn của cộng đồng, là nguyện vọng chung của nhân loại, thành quả đấu tranh của loài người qua nhiều thế hệ. Điều này được thể hiện qua Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người (1948), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966, Tuyên ngôn về quyền hòa bình của các dân tộc (1984), Tuyên ngôn ASEAN về nhân quyền (2012) và hàng loạt các Công ước và Nghị định thư khác của Liên hợp quốc cũng như các khu vực.
Tại Việt Nam, quyền con người được nhấn mạnh và ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Hiến pháp năm 2013. Đó là: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Hòa bình và xây dựng một nền hòa bình lâu dài, bền vững chính là khát vọng, là mục tiêu cao cả của toàn nhân loại nói chung, của nhân dân Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh hiện tại, tình trạng xung đột, bạo lực leo thang, các cuộc chạy đua vũ trang, chủ nghĩa khủng bố, các nguy cơ an ninh phi truyền thống khác đang đe dọa đến hòa bình, ổn định, sinh kế và cuộc sống của hàng chục triệu người dân tại nhiều khu vực trên toàn thế giới, dân tộc Việt Nam nhận thức được rằng, trong bất kỳ thời kỳ lịch sử nào, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, hòa bình cũng là một yếu tố tiên quyết trong việc bảo đảm quyền con người. “Việt Nam chúng tôi đang được sống trong hòa bình và mong muốn có môi trường hòa bình, ổn định bền vững để thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Do đó, duy trì, bảo vệ hòa bình, an ninh là mục tiêu hàng đầu của chúng tôi”, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu khẳng định.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung chính: Giới thiệu và phân tích khái niệm về quyền hòa bình, ý nghĩa của hòa bình trong việc đảm bảo quyền con người và những mối đe dọa đến quyền hòa bình của con người; Trình bày những vấn đề chung, hệ thống pháp luật quốc tế (Liên hợp quốc; Liên hiệp Châu Âu; ASEAN) về vấn đề hòa bình, an ninh và quyền con người; Phân tích tình hình thực tiễn hòa bình-an ninh toàn cầu và trong khu vực, những tác động tiêu cực đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến quyền con người; chia sẻ kinh nghiệm và thành tựu của Việt Nam và một số nước trong việc đảm bảo quyền con người thông qua việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh; kinh nghiệm hoạt động của các tổ chức nhân dân, phong trào hòa bình thế giới trong việc duy trì hòa bình, đảm bảo quyền con người.
Theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thành viên Ủy ban Hòa bình Việt Nam cho biết: Hội thảo “Vai trò của hòa bình trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người” nhấn mạnh đến ba vấn đề chủ yếu, đó là: Hòa bình là một quyền con người cơ bản và hòa bình đóng vai trò tiên quyết cho việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người; những thách thức khu vực và toàn cầu trong việc bảo đảm hòa bình, quyền con người hiện nay; những gợi ý định hướng, giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ, thúc đẩy hòa bình, quyền con người trong bối cảnh hiện nay từ cách tiếp cận dựa trên quyền hòa bình.
“Tinh thần tôn trọng phẩm giá, sự thấu hiểu và sẻ chia cùng lòng khoan dung, bác ái, tình yêu thương bao la giữa người với người, dân tộc với dân tộc và quốc gia với quốc gia luôn là những giá trị cao quý của quyền con người, đồng thời cũng chính là những điều kiện tiên quyết để tôn trọng và thực thi hòa bình và quyền con người trong bối cảnh hiện nay”, Phó Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Văn Nghĩa nhấn mạnh.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo (Ảnh TV)
Tiến sỹ Eakpant Pindavanija, Viện nghiên cứu Nhân quyền và Hòa bình (Đại học Mahidol, Thái Lan) cho rằng, sự bất bình đẳng trong phát triển kinh tế, xã hội sẽ dẫn đến một xã hội mà ở đó người dân bị áp bức. Từ đó nảy sinh xung đột xã hội, phát sinh bạo lực giữa con người. Việc tóm tắt một số quan điểm triết học liên quan đến các khái niệm hòa bình, nghiên cứu về hòa bình là hữu ích nhằm nhấn mạnh đến mục tiêu cuối cùng là tạo ra một nền văn hóa hòa bình, môi trường hòa bình, xã hội tương đối hòa bình. Cũng theo Tiến sỹ Eakpant Pindavanija, nghiên cứu về chuyển đổi xã hội sẽ mở đường cho việc hiểu rõ hơn về sự phát triển của xã hội và kinh tế là công cụ quan trọng trong việc tạo ra xã hội hòa bình và chiến lược dài hạn để ngăn ngừa các xung đột về bạo lực xã hội.
PGS.TS Đặng Dũng Chí, Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Tôn trọng nhân quyền là để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được sống trong nhân phẩm, hòa bình và có thể đóng góp cho nền hòa bình, an ninh bền vững và phát triển một cách hài hòa. Tư tưởng và hoạt động của Nhà nước Việt Nam mới, kể từ năm 1945, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ khát vọng về nhân quyền, phát triển của quốc gia/dân tộc Việt Nam gắn liền với khát vọng về hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Tầm nhìn của dân tộc Việt Nam trùng với tầm nhìn của Liên hợp quốc về nhân quyền và quyền tự quyết của các dân tộc. Nhà nước Việt Nam luôn chìa bàn tay hữu nghị với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới để cùng phát triển theo hướng tiến bộ, văn minh.
NN