Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Ông Trần Đắc Lợi - Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, cùng với một số học giả, nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội đến từ các nước tiểu vùng sông Mekong, Quốc tế và Việt Nam.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam và bà Nadja Charaby, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện RLS tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Bình cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế từ năm 2007-2008 vẫn đang gây ra những hậu quả nặng nề đối với nhân dân các nước. Kinh tế thế giới nhìn chung đang được phục hồi nhưng rất chậm. Khủng hoảng nợ công, khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và hàng loạt cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu như khủng hoảng môi trường, khủng hoảng lương thực, biến đổi khí hậu, khủng hoảng xã hội… trong khi trật tự thế giới chưa ổn định đang là mối quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân thế giới. Hậu quả của các cuộc khủng hoảng trên đang đè nặng lên vai người lao động nghèo.
Bà Nguyễn Thị Bình nêu rõ sau nhiều thập kỉ bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đang mong muốn có môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, và đã đưa đất nước từ kém phát triển thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Bà cùng khẳng định, tại khu vực Đông Nam Á, phong trào tiến bộ trong những năm qua cũng có nhiều bước phát triển. Nhiều hoạt động chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác hành động giữa các tổ chức nhân dân, phong trào tiến bộ ở khu vực đã bắt đầu được tổ chức. Đây là một diễn biến tích cực đóng góp vào tiến trình xây dựng phát triển kinh tế thịnh vượng và nền chính trị ổn định. Bà hy vọng qua cuộc hội thảo này, các học giả, nhà nghiên cứu sẽ chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra được các giải pháp và sự lựa chọn phù hợp với thực tế.
Bà Nadja Charaby nhấn mạnh đến khái niệm Phát triển ở góc độ toàn cầu, trong một thời gian quá lâu, khái niệm này được nhìn nhận nhiều dưới góc độ tăng trưởng kinh tế. Ý tưởng cơ bản là tối đa hóa sản lượng kinh tế và mở rộng hoạt động kinh tế sẽ tạo ra của cải quốc gia nhiều hơn và làm cho cơ cấu sản xuất tiến tiến hơn dẫn đến sự thịnh vượng hơn.
Trong ngày 21/8/2012, Hội thảo bàn về hai vấn đề chính: Tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu đến các nước và Phản ứng của các nước và các thể chế quốc tế. Tham luận tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thảo - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 đến nay đã làm cộng đồng quốc tế thức tỉnh nhiều nhận thức quan trọng. Đây không đơn thuần là sự sụp đổ của hàng loạt hệ thống ngân hàng, chính sách tài chính, cơ cấu kinh tế, xã hội, văn hóa...trong sự phát triển. Mặc dù tăng trưởng kinh tế là tiêu chuẩn hàng đầu để dánh giá trình độ phát triển của mỗi quốc gia, nhưng không phản ánh đầy đủ, không bao hàm hết nội dung phát triển.
PGS, TS Nguyễn Viết Thảo khẳng định, phía trước đỗi với Việt nam là giai đoạn phát triển mới: không còn là quá trình xóa đói giảm nghèo của một quốc gia chậm phát triển; mà là giai đoạn cất cánh của một quốc gia có thu nhập trung bình. Thời cơ, thuận lợi rất nhiều, đang xem với không ít thách thức, khó khăn, trong đó nổi bật lên là thách thức của bẫy thu nhập trung bình.
PGS- TS Nguyễn Viết Thảo kết luận, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bước đầu kịp thời bổ sung, phát triển nhận thức; hoạch định đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Nhờ vậy, đất nước trụ vững, đi lên ngay trong bối cảnh thế giới những năm qua chất chứa biết bao suy thoái, khủng hoảng. Với tiền đề quan trọng này, chắc chắn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trong hoàn thiện nhận thức và chiến lược, chính sách phát triển trên cơ sở bám sát hiện thực đất nước và nhanh nhạy bước cùng thời đại.
Sau tham luận, các học giả tham dự hội thảo đã có buổi thảo luận xoay quanh các vấn đề nêu trên.
Ngày 22/8/2012, hội thảo bàn về 2 vấn đề: Tình hình phong trào nhân dân và Chiến lược của các nước phương Nam và chương trình hành động. Tham luận tại hội thảo, ông Trần Đắc Lợi - Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đã trình bày vắn tắt khủng hoảng có tính chuỗi của Chủ nghĩa Tư bản. Ông cũng nêu ra một số vấn đề cần chú ý: Thứ nhất, chúng ta đang thiếu tầm nhìn thay thế hiệu quả như Cánh tả đã miêu tả, và giải pháp thu hút sự tham gia của người dân một cách hiệu quả, đặc biệt sau thất bại của Liên xô. Thứ hai, là sự phân tán của chủ nghĩa cánh tả, đặc biệt là sự yếu kém của Đảng cánh tả. Thứ ba, phi chính phủ hóa các tổ chức, phong trào trong xã hội, nhưng chúng ta phải hiểu thêm sự đa dạng về hình thái của các tổ chức phi chính phủ, các nhà tài trợ công nhận sự ra đời của họ, vậy đâu là giải pháp cho các vấn đề.
Trong hai ngày làm việc, các học giả Việt Nam và thế giới hội thảo Khủng hoảng toàn cầu và chiến lược của các phong trào cánh tả và phong trào xã hội tiến bộ tại Đông Nam Á đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm từ đó đưa ra giải pháp phù hợp./.
Minh Dương